A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách

(laichau.gov.vn)

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý để trình Quốc hội ngay tại kỳ họp tới.

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách- Ảnh 1.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm chỉ đạo là việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 7/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, các Ủy ban của Quốc hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là thành viên Ban Chỉ đạo.

Theo Quyết định số 603/QĐ-TTg ngày 8/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách- Ảnh 2.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi Ban Chỉ đạo được thành lập, ngay trong ngày 8/7/2024, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện.

Theo Bộ Tư pháp, đến nay đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhận được 594 kiến nghị đối với 13 luật.

Trên cơ sở rà soát, Bộ Tư pháp và nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý tại 13 luật để tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại Phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đó, Luật Đầu tư có 4 nhóm nội dung; Luật Đầu tư công có 7 nhóm nội dung; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) có 5 nhóm nội dung; Luật Doanh nghiệp có 1 nội dung, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch có 10 nhóm nội dung; Luật Ngân sách Nhà nước có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý thuế có 5 nhóm nội dung; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có 9 nhóm nội dung; Luật Kế toán có 7 nhóm nội dung; Luật Dự trữ quốc gia có 2 nhóm nội dung; Luật Kiểm toán độc lập có 7 nhóm nội dung; Luật Chứng khoán có 8 nhóm nội dung.

Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, hoan nghênh Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chủ động tổ chức triển khai các hoạt động theo yêu cầu nhiệm vụ; cảm ơn Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội luôn quyết tâm, đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ trong rà soát, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý.

Thủ tướng cơ bản nhất trí nội dung các tài liệu đã được chuẩn bị, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại phiên họp; giao Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến xác đáng, tiếp tục hoàn thiện tài liệu, chuẩn bị nội dung phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách- Ảnh 4.
Theo Bộ Tư pháp, đến nay đã nhận được báo cáo của 15 bộ, cơ quan ngang bộ, 55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời nhận được 594 kiến nghị đối với 13 luật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo là việc rà soát, xử lý các vướng mắc trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; việc tháo gỡ vướng mắc góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tinh thần có kế thừa và phát triển, có điều chỉnh và bổ sung, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, dễ làm trước, khó làm sau; lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, tạo đột phá, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Phạm vi, đối tượng là các vướng mắc mang tính cấp bách cần xử lý, tháo gỡ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực hợp pháp khác; đồng thời tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Khẩn trương xây dựng các dự án sửa đổi 13 luật với nhiều nội dung cấp bách- Ảnh 5.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng các dự án luật để sửa đổi 13 luật có nhiều vướng mắc, bất cập mang tính cấp bách cần xử lý - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nguyên tắc rà soát, xử lý là tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết, tạo đột phá trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, công tâm, khách quan; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với thiết kế công cụ để tăng cường thanh tra, kiểm tra; giảm thủ tục hành chính, phiền hà, sách nhiễu, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Về vướng mắc pháp lý của 13 luật như báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng dự án luật sửa nhiều luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng dự án luật sửa nhiều luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Bộ Tư pháp phối hợp, bảo đảm quy trình thủ tục xây dựng các dự án luật theo đúng quy định. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để tổng hợp. Các cơ quan phối hợp từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, tạo sự đồng thuận về các vấn đề có ý kiến khác nhau.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa, tập trung tối đa nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tài chính cho công tác này, chuẩn bị kỹ lưỡng, phấn đấu trình Quốc hội thông qua các dự án luật nói trên tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), bảo đảm tính khả thi cao, hiệu quả khi các luật đi vào cuộc sống.

Cập nhật ngày 7/8/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 894
Hôm qua : 6.820
Tháng 09 : 90.597
Năm 2024 : 1.896.642
Tổng số : 83.362.735