• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Khủng hoảng nguồn nước ở Trung Á

(laichau.gov.vn)

Trung Á đang phải đối mặt một cuộc khủng hoảng nguồn nước ngày càng trầm trọng. Dù đạt không ít thành quả trong phối hợp, chuyển đổi cách tiếp cận từ cạnh tranh sang hợp tác, khu vực này vẫn cần thêm nhiều nỗ lực để tránh thảm họa liên quan nguồn nước trong tương lai.

(Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã)
(Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã)

Trung Á đã trở thành một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới về an ninh nguồn nước. Báo cáo Phát triển nước thế giới của Liên hợp quốc năm 2025 công bố mới đây nhấn mạnh “vùng đất của những thảo nguyên bao la” này là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước.

Thực trạng đó đang gây nhiều lo ngại. Tại một hội nghị mới đây, lãnh đạo Kyrgyzstan nhấn mạnh, tình trạng thiếu nước ngọt ở các quốc gia Trung Á có thể lên tới 20%-30% vào năm 2050. Khoảng 82 triệu người ở Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh nguồn nước. Nhiều ngôi làng không được tiếp cận nước sạch thường xuyên.

Ảnh hưởng biến đổi khí hậu và diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp khiến làn sóng di cư trong nước gia tăng. Theo cảnh báo, đến năm 2050, hơn 5 triệu người Trung Á có thể đối mặt làn sóng di cư do biến đổi khí hậu.

Tình trạng mất an ninh nguồn nước Trung Á một phần là do tình trạng bất ổn định dòng chảy của các con sông trong khu vực, vốn liên quan trực tiếp sự suy giảm nhanh hơn mức bình thường khối lượng sông băng ở các vùng núi cao Trung Á. Điều này gây rủi ro lâu dài cho nông nghiệp, năng lượng, các hệ sinh thái và nguồn nước.

Trong khi đó, việc khai thác quá mức nước từ các con sông trong khu vực cũng gây nhiều hệ lụy. Đáng kể nhất, do thiếu nước từ sông đổ về, biển hồ Aral đã liên tục co lại, với diện tích bề mặt giảm tới 88% và độ mặn tăng gấp 20 lần. Vì đất đai nhiễm mặn, cằn cỗi và nguồn nước ô nhiễm, cộng đồng nông thôn Uzbekistan và Kazakhstan quanh hồ Aral đã rời đi hàng loạt.

Tình trạng mất an ninh nguồn nước Trung Á một phần là do tình trạng bất ổn định dòng chảy của các con sông trong khu vực, vốn liên quan trực tiếp sự suy giảm nhanh hơn mức bình thường khối lượng sông băng ở các vùng núi cao Trung Á.

Trung Á từ lâu đã coi tài nguyên nước có tầm quan trọng chiến lược. Theo tờ Daily Sabah, việc chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia trong khu vực chủ yếu được hình thành bởi khác biệt về vị trí địa lý và nhu cầu kinh tế. Ở thượng nguồn, Tajikistan và Kyrgyzstan, vốn kiểm soát hệ thống đập và dòng chảy theo mùa, sử dụng nước để sản xuất năng lượng và coi nguồn tài nguyên này là thiết yếu cho sự phát triển quốc gia. Phía hạ nguồn, các quốc gia Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan cũng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước để sản xuất.

Chính sự phụ thuộc này đã trao cho nguồn nước giá trị địa chính trị cao. Việc kiểm soát nguồn nước có thể trở thành công cụ đàm phán và đòn bẩy kinh tế, song đôi khi điều này cũng mang lại rủi ro an ninh. Đơn cử, tranh chấp biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan, mà một phần liên quan sử dụng nguồn nước chung, đã bùng phát trở lại vào năm 2021, sau đó leo thang thành các cuộc xung đột quân sự khiến nhiều người thiệt mạng.

Nhận thức rõ về việc tranh chấp liên quan nguồn nước có thể gây ra những bất ổn khu vực và biến thành thách thức an ninh nghiêm trọng, các quốc gia Trung Á thời gian qua đã nỗ lực tìm tiếng nói chung. Cách tiếp cận theo đó cũng thay đổi, từ cạnh tranh sang đối thoại, ngoại giao và hợp tác. Vấn đề nước trong khu vực được định nghĩa lại, đi cùng trách nhiệm về môi trường, địa chính trị, kinh tế và xã hội.

Đặc biệt, năm 2025 được xem là “bước ngoặt lớn” với các nước Trung Á trong vấn đề nguồn nước, khi cách tiếp cận từ cạnh tranh sang hợp tác được hiện thực hóa một cách cụ thể. Thỏa thuận phân định biên giới ba bên được ký giữa Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan, với “Tuyên bố hữu nghị vĩnh cửu” thể hiện sự đồng thuận về nhận thức, không chỉ về tranh chấp biên giới, mà còn cả các vấn đề cơ bản như chia sẻ tài nguyên nước, tiếp cận cơ sở hạ tầng thủy điện và quản lý cân bằng năng lượng và nguồn nước.

Tuy nhiên, việc thiếu thống nhất giữa các ưu tiên chiến lược quốc gia, năng lực quản lý không theo kịp yêu cầu thực tế, cùng các vấn đề về chia sẻ dữ liệu, đang đặt ra cho Trung Á không ít thách thức về nguồn nước. Theo giới quan sát, để khắc phục, khu vực vẫn cần cách tiếp cận toàn diện hơn. Ngoại giao nguồn nước cần lồng ghép với chuyên môn kỹ thuật. Ngoài ra, bên cạnh mở rộng chức năng của các tổ chức quản lý nước khu vực, việc hài hòa các chính sách về nguồn nước ở Trung Á với các cơ chế ngoài khu vực có thể tạo thuận lợi cho việc hội nhập sâu hơn vào các chuẩn mực quốc tế.

Cập nhật 28/7/2025


Tác giả: Theo Thế Trần/nhandan.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.514
Hôm qua : 4.189
Tháng 07 : 183.149
Năm 2025 : 1.287.263
Tổng số : 85.244.196