A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách trong phát triển nhà ở cho nhân dân

(laichau.gov.vn)

Mục đích xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Họp phiên toàn thể tại hội trường sáng 5/6, Quốc hội nghe dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Luật Nhà ở số 65/QH14 được Quốc hội khóa 13 thông qua năm 2014 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 đã điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực nhà ở, từ phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở, sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quản lý nhà nước về nhà ở và việc xử lý vi phạm các vấn đề về nhà ở.

Trong đó có chính sách nhà ở xã hội đã giúp hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh-xã hội của đất nước.

Đồng thời, góp phần tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 8 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các luật khác có liên quan.

Kế thừa các quy định hiện hành, luật hóa các quy định liên quan

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mục đích xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên quan.

Quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là: Bám sát các nội dung trong các nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng có liên quan đến lĩnh vực phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

Kế thừa các quy định hiện hành đang còn phù hợp, đồng thời, Luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn.

Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy phát triển nhà ở. Thiết lập công cụ để kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở. Tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.

Nhiều điểm mới trong dự luật

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 chương với 196 điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tăng hơn 13 điều, trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ nghị định 11 điều.

Về sở hữu nhà ở, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới là: Bổ sung một số khái niệm mới, như nhà ở có mục đích sử dụng hỗn hợp; nhà lưu trú công nhân; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở.

Bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm mới, như: Ký kết các văn bản huy động vốn phục vụ cho phát triển nhà ở khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc tiền mua nhà ở trả trước cho phát triển nhà ở; một số hành vi trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Bổ sung quy định về áp dụng Luật Nhà ở và các luật khác có liên quan; quy định về chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở; yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở.

Về phát triển nhà ở, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới, như: Sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật hiện hành (trong đó có đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật) như phát triển nhà ở; phát triển nhà ở thương mại; phát triển nhà ở công vụ; phát triển nhà ở phục vụ tái định cư; trách nhiệm quản lý chất lượng nhà ở; yêu cầu về phát triển nhà ở của thành viên hộ gia đình, cá nhân tại khu vực nông thôn; thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Bổ sung mới quy định theo hướng đưa một số quy định từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP lên Luật và hợp nhất một số nội dung từ các quy định của pháp luật liên quan, như: Quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở; yêu cầu trong phát triển dự án xây dựng nhà ở.  

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã luật hóa một số quy định từ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP lên luật để bảo đảm hiệu lực pháp lý cao và sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, như: Các trường hợp phá dỡ nhà chung cư; nguyên tắc thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; các hình thức cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; các cơ chế ưu đãi để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu, nội dung kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; yêu cầu về quy hoạch dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời…

Chính sách về nhà ở xã hội, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới, như: Sửa đổi, bổ sung thêm các quy định về đối tượng, hình thức và điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (NOXH); loại hình dự án đầu tư xây dựng NOXH; loại NOXH; đất để xây dựng NOXH; lựa chọn và ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng NOXH; xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua NOXH không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua NOXH.

Đồng thời bổ sung thêm các quy định về: Hình thức phát triển NOXH; yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng NOXH; xác định giá bán NOXH do Nhà nước đầu tư; thời điểm thẩm định giá bán, giá cho thuê mua NOXH; trách nhiệm của Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương. Bổ sung mới các quy định (2 mục mới) về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân khu công nghiệp và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang...

Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án luật này.

Cập nhật ngày 5/6/2023


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 158
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 126.512
Năm 2024 : 798.102
Tổng số : 82.264.195