Năm 2024 - Những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ
Sáng nay (21/12), Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự, chỉ đạo và chủ trì Hội nghị; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở, trưởng các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ và một số sở, ngành liên quan; trưởng phòng Nội vụ các huyện, thành phố… dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm toàn Đảng toàn dân thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2024 đi qua với nhiều dấu ấn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước; 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 7%; chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam tăng 11 bậc; chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu tang 4 bậc; chỉ số phát triển chính phủ điện tử tăng 15 bậc, chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu tăng 8 bậc… Đó là những dấu mốc rất đáng tự hào của đất nước ta. Đóng góp vào thành tựu chung và to lớn đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của toàn ngành Nội vụ. Hội nghị được tổ chức để nhìn lại kết quả năm 2024, chia sẻ với những khó khăn, thách thức, những trăn trở để hướng tới năm 2025 với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn và hiệu quả, chất lượng tốt hơn.
Năm 2024 thực sự là 1 năm với những dấu ấn toàn diện trên mọi mặt công tác của ngành Nội vụ nổi bật là: Xây dựng và hoàn thiện thể chế đạt được những kết quả quan trọng, toàn ngành Nội vụ đã tiếp tục tập trung nỗ lực để tháo gỡ những bất cập về cơ chế chính sách, tiếp tục kiến tạo để khơi thông các nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn về tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, thủ tục hành chính… nhằm thúc đẩy sự phát triển. Bộ Nội vụ là cơ quan có số văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành cao nhất với 163 Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định, Công điện của Thủ tướng Chính phủ…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 23 thông tư và văn bản hợp nhất. Đặc biệt đã tham mưu 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương và đột phá là thực hiện chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, thận trọng, từng bước, thiết thực và hiệu quả, trong đó điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, mức tăng cao nhất từ trước tới nay; bổ sung 10% tiền thưởng trên tổng quỹ lương cơ bản cho từng cơ quan đơn vị trong hệ thống chính trị, tạo động lực và nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức cả nước.
Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành địa phương hoàn thành một khối lượng công việc lớn trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025; đồng thời tham mưu cho cấp có thẩm quyền về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, thành phố di sản đầu tiên trực thuộc Trung ương, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.
Tập trung cao độ tham mưu cho Ban Chỉ đạo của Chính phủ thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giảm biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đây là khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhạy cảm của Đảng, song với sự thống nhất về nhận thức và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, kết quả đến nay đã cơ bản hoàn thành để báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương…
Phát biểu chỉ đạo và kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thay mặt Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận và chúc mừng những thành công của Bộ Nội vụ đạt được trong năm 2024. Đồng thời khẳng định, với khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, cấp bách và nhạy cảm, giải quyết được nhiều việc khó tồn tại nhiều năm... Vì vậy những kết quả đạt được của ngành Nội vụ là rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Năm 2025 là năm bản lề về đích Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm với ngành Nội vụ còn rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, vì vậy đồng chí đề nghị: Các cấp, các ngành cùng với Bộ Nội vụ cùng quyết tâm, chung tay, đồng lòng và chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thực hiện Kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khoá XII. Đặc biệt là 4 nhiệm vụ quan trọng của Bộ Nội vụ đó là: Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hình hành cơ chế chính sách, đủ mạnh, đủ ưu đãi; hình thành một hạ tầng pháp lý cho bộ máy hoạt động; hướng dẫn các địa phương, bộ ngành triển khai… Đây đều là những nhiệm vụ rất khó, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn vì vậy ngành Nội vụ cần tiếp tục cố gắng, quyết liệt, quyết tâm, đoàn kết duy trì nền nếp của những công việc cũ; chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hoàn thành với các nhiệm vụ mới; quan tâm thu hút, trọng dụng, đào tạo, đãi ngộ người tài; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, quan tâm công tác khen thưởng hướng đến người lao động, người làm trực tiếp; phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua; tổ chức tốt Đại hội Thi đua yêu nước các cấp nhằm tạo khí thế mới trong năm 2025 để bước vào Đại hội Đảng các cấp... Đồng thời bày tỏ tin tưởng với bề dày truyền thống, sự nỗ lực, cố gắng, ngành Nội vụ sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao phó...