• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, xây dựng Đảng bộ Lai Châu trong sạch, vững mạnh

(laichau.gov.vn)

Kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết của Đảng ta, dân tộc ta, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo xây dựng đất nước của Đảng ta. Với đặc thù là tỉnh vùng cao, biên giới, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc phát huy sức mạnh đoàn kết. Đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh để vận dụng xây dựng và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc nhằm thống nhất ý chí và hành động, tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh với cử tri xã Tà Mung (huyện Than uyên).

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đặc biệt chú trọng việc giữ gìn truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng; duy trì nghiêm chế độ sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; tác phong, lề lối làm việc của các cấp ủy, nhất là ở cơ sở có bước chuyển biến rõ nét; phong cách làm việc cụ thể, dân chủ, sâu sát, toàn diện hơn. Từ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh không ngừng được nâng lên; tổ chức đảng và đảng viên ngày càng lớn mạnh với trên 28 nghìn đảng viên và 100% thôn, bản đã có chi bộ. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với Nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác dân vận của hệ thống chính trị, chú trọng dân vận của chính quyền, cơ quan Nhà nước. Phát huy tốt vai trò công tác dân vận trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có tôn giáo. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp đoàn viên, hội viên và Nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng đồng thuận xã hội; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực. Công tác kiểm tra, giám sát đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng lên; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Cùng với củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh, chỉ đạo phát huy sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có chất lượng cao như chè, quế, mắc-ca... với nhiều mô hình sản xuất có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, hợp tác xã. Đồng bào nhiều dân tộc cũng tương trợ, giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân 4,75%/năm, hai huyện Tân Uyên, Than Uyên đã được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016-2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, đô thị về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh đã có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Lai Châu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019. Đặc biệt, phát huy truyền thống đoàn kết, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã cùng khắc phục thiệt hại do thiên tai, mưa lũ, nhất là trận mưa lũ lịch sử năm 2017 và cùng cả nước phòng, chống có hiệu quả đại dịch Covid-19.

Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn; nâng cao cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Đồng bào các dân tộc yên tâm định canh, định cư, bám đất, bám bản; hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang làm tốt công tác nắm tình hình, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; giữ vững biên cương của Tổ quốc; tích cực tham gia xây dựng quan hệ láng giềng hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển giữa Nhân dân hai bên biên giới, góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết quốc tế.

Kết quả nổi bật và sinh động nhất từ việc phát huy và sử dụng hiệu quả sức mạnh đoàn kết các dân tộc của tỉnh thời gian qua là việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII: 11/11 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội đạt và vượt; kinh tế phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11,55%/năm; GRDP bình quân đầu người dự ước đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng có tính bền vững. Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân nâng lên. An sinh xã hội đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 20%. Đảm bảo quốc phòng - an ninh; chủ quyền biên giới được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được duy trì và phát triển có chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng nâng lên.

Những kết quả trên khẳng định sức mạnh đoàn kết là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, là nền tảng quan trọng để Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, Lai Châu vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, quy mô kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao; tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến khó lường; các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, đẩy mạnh các hoạt động chống phá làm ảnh hưởng đến việc xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trước yêu cầu xây dựng và phát triển tỉnh trong giai đoạn mới, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, luôn quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, xác định phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của toàn Đảng bộ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động của tất cả các cấp, các ngành, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Đặc biệt, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2020 về “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Hai là, tiếp tục củng cố, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng để xây dựng hạt nhân chính trị, giữ vai trò trung tâm trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kịp thời nắm tình hình và định hướng dư luận, xây dựng đồng thuận xã hội. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình, góp ý xây dựng của Nhân dân, đồng thời phải có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong đảng, tiến hành thường xuyên, toàn diện, chặt chẽ, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm; phòng ngừa, phát hiện và khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót, góp phần làm trong sạch nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là dân vận của chính quyền, các cơ quan Nhà nước. Phát huy vai trò nòng cốt xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp; đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khen thưởng, động viên kịp thời những cá nhân có thành tích tiêu biểu, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Ba là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách đối với vùng dân tộc, miền núi, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; đồng thời cụ thể hóa thành chương trình, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân và tuyên truyền, vận động để Nhân dân tin tưởng, đồng thuận triển khai thực hiện. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch, tạo điều kiện để các dân tộc phát triển toàn diện theo phương châm bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh phản bác làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình", chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc của các thế lực thù địch; mở rộng quan hệ đối ngoại trên tinh thần hợp tác, hữu nghị cùng phát triển, góp phần xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Bác đối với đồng bào, cán bộ tỉnh nhà, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết trong hơn 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ tỉnh, 110 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu nguyện tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, giữ vững truyền thống anh hùng cách mạng, phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, xây dựng quê hương Lai Châu phát triển nhanh và bền vững.

Cập nhật ngày 19/10/2020


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9.239
Hôm qua : 8.942
Tháng 04 : 196.069
Năm 2024 : 867.659
Tổng số : 82.333.752