Sửa Luật Bầu cử: Đề xuất UBND cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các đại biểu Quốc hội đề xuất UBND cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu.
Ngày 21/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Nội dung được nhiều ĐBQH tham gia thảo luận là thẩm quyền xác định khu vực bỏ phiếu.
Giao cấp UBND cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền
Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, việc phê chuẩn khu vực bỏ phiếu là nội dung quan trọng và trước đây đã giao cho cấp trên phê chuẩn là Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tới đây với quy mô cấp xã lớn hơn sau sáp nhập và điều kiện địa lý khó khăn ở một số địa bàn, việc cấp tỉnh điều chỉnh khi cần thiết có thể không đủ sát sao và khó khăn trong quá trình thực hiện.
“Tôi đề nghị giao cho cấp xã quyết định là phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên tập trung vào ban hành hướng dẫn chung, kiểm tra, giám sát thay vì phê duyệt cụ thể để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả cao quy trình hiệp thương”, đại biểu Hoàng Ngọc Định nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc cấp huyện không còn nữa, quyền này sẽ giao cho cấp xã.
Đại biểu phân tích, mặc dù nhiều xã nhập lại với nhau nhưng với kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ cấp xã trước đây thực hiện nhiệm vụ bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu, họ có đầy đủ kinh nghiệm về việc thành lập khu vực bỏ phiếu, khu vực bầu cử hoặc thành lập Tổ bầu cử.
Vì vậy, việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu là phù hợp.
Giao UBND cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu; UBND cấp tỉnh giám sát, kiểm tra
Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, việc xác định khu vực bỏ phiếu là nội dung rất quan trọng, bảo đảm sự thuận lợi cho người dân trong khu vực thực hiện quyền bầu cử và việc này phải được kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, nếu không có thể dẫn đến tình trạng tùy tiện trong việc sắp xếp số lượng cử tri đi bầu để xác định khu vực bỏ phiếu và dễ dẫn đến sai sót, vi phạm trong bầu cử.
Việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã xác định khu vực bỏ phiếu để tăng tính chủ động cho cấp xã trong công tác bầu cử và trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là hoàn toàn hợp lý.
Tuy nhiên, để bảo đảm quy định được cụ thể, chi tiết và chặt chẽ, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề nghị luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giám sát, kiểm tra các khu vực bỏ phiếu.
Cụ thể, đại biểu Nguyễn Văn Huy đề xuất sửa quy định thành 'Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra, kiểm soát, giám sát, trường hợp cần thiết thì điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu".
Làm rõ căn cứ xác định trường hợp cần thiết UBND tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu
Trình bày ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự thảo chưa làm rõ tiêu chí cần thiết để Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh. Đây là một khái niệm mở, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về phương án xác định khu vực bỏ phiếu.
Trường hợp cần thiết theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc do yêu cầu đảm bảo thống nhất trên địa bàn tỉnh thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể điều chỉnh.
Còn đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lại cho rằng, quy định như dự thảo chưa rõ, thiếu tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp cần thiết.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét, bổ sung hướng dẫn cụ thể trong luật hoặc giao Chính phủ hướng dẫn quy định tiêu chí cụ thể, ví dụ khu vực có biến động dân cư lớn, điều kiện địa lý chia cắt hoặc địa bàn có yêu cầu về an ninh trật tự đặc thù.
Đồng tình với việc giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân xã quyết định thành lập khu vực bỏ phiếu nhưng đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, không nhất thiết phải quy định trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định điều chỉnh khu vực bỏ phiếu.
Bởi theo đại biểu, chúng ta đã xác định thẩm quyền này là thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn toàn có thể làm được điều này nên những trường hợp cần thiết phải thay đổi thì Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và vẫn giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định việc điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các đơn vị.
“Tôi nghĩ như vậy sẽ đỡ mất công về mặt thủ tục hành chính, nếu Ủy ban tỉnh điều chỉnh thì thủ tục lại từ Ủy ban nhân dân xã đề xuất lên, rất mất thời gian và sinh ra những thủ tục không cần thiết, nên tôi đề nghị những trường hợp cần thiết thì Ủy ban tỉnh chỉ đạo để cho Ủy ban nhân dân xã điều chỉnh khu vực bỏ phiếu”, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân, Đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng lại cho rằng, không cần thiết quy định “trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh việc xác định khu vực bỏ phiếu”, bởi sẽ khó thực hiện do không xác định được trường hợp nào là cần thiết.
Do đó, đại biểu cho rằng, chỉ nên quy định, việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định là đủ.
Cấp xã quyết định, nhưng trong trường hợp cần thiết UBND cấp tỉnh điều chỉnh
Trao đổi lại với một số đại biểu Quốc hội trước đó, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, về cơ bản, thẩm quyền và mức độ đáp ứng yêu cầu của Ủy ban Bầu cử cấp xã khi xác định khu vực bầu cử là đầy đủ.
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, sẽ xảy ra các trường hợp khu vực miền núi, các khu vực, địa bàn rộng lớn.
“Sẽ xảy ra các trường hợp khu vực dân cư này ở xã này nhưng đi đến trung tâm của xã khác để thực hiện hoạt động bầu cử mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó lại gần với một trung tâm của đơn vị hành chính xã bên cạnh nên nếu chúng ta điều chỉnh khu vực dân cư đó về tổ bầu cử ở một xã bên cạnh là phù hợp và thuận lợi hơn trong công tác bầu cử.
Vì vậy, dự thảo quy định trong trường hợp cần thiết để Ủy ban bầu cử cấp tỉnh điều chỉnh, tôi cho rằng cũng phù hợp, chúng ta nên để một điểm mở như thế để xử lý được trong các trường hợp thực tiễn”, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nêu rõ.

Sẽ tiếp thu, nghiên cứu theo hướng trung gian
Phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, bà Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu trân trọng cảm ơn ý kiến phát biểu của các đại biểu.
Bà Nguyễn Thanh Hải khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật một cách tốt nhất, đảm bảo chất lượng và khả thi khi Quốc hội thông qua. Đặc biệt khi đưa vào thực tiễn, sẽ góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Liên quan tới nội dung về việc xác định khu vực bỏ phiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu theo hướng trung gian.
Đó là việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định, còn trường hợp cần thiết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh xác định khu vực bỏ phiếu.
“Tuy nhiên, chúng tôi sẽ bổ sung thế nào là trường hợp cần thiết để đảm bảo việc áp dụng đúng và không bị khác biệt giữa các đơn vị bầu cử với nhau và giữa các tỉnh, thành phố với nhau”, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ./.
Cập nhật ngày 21/5/2025