A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Thế giới tuần qua: Nguy cơ hiện hữu

(laichau.gov.vn)

Xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah trong tuần qua (16-22/9) đã chứng kiến những bước leo thang. Giữa lúc tình hình chiến sự ở Gaza vẫn chưa hạ nhiệt, những diễn biến căng thẳng mới càng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông đang trở nên hiện hữu.

Xung đột Israel-Hezbollah leo thang, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên kiềm chế 

Hệ thống chống tên lửa của Israel đánh chặn tên lửa bắn từ Li-băng, gần Kiryat Shmona, miền Bắc Israel. (Ảnh: Xinhua).

Ngày 19/9, xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah đã leo thang mạnh mẽ khi cả hai bên tiến hành các cuộc tấn công gây thương vong nhằm vào đối phương và thề sẽ gia tăng các động thái trả đũa. Diễn biến này đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xung đột leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực.

Truyền thông nước ngoài, ngày 19/9 dẫn bài phát biểu trên truyền hình của thủ lĩnh Hezbollah - ông Hassan Nasrallah lên án các vụ tấn công gần đây nhắm vào các thiết bị liên lạc trên khắp Li-băng, coi đây là "hành động chiến tranh" và đổ lỗi thẳng cho Israel. Ông Nasrallah tuyên bố lực lượng Hezbollah sẽ "trở nên mạnh mẽ hơn và có khả năng đối mặt với mọi nguy hiểm”.

Sau bài phát biểu của ông Nasrallah, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã tuyên bố trong một thông điệp video từ căn cứ quân sự Kirya ở Tel Aviv rằng Israel sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự tại Li-băng. Ông Gallant nhấn mạnh rằng trong giai đoạn mới này của cuộc xung đột, những cơ hội quan trọng cũng sẽ xuất hiện đi cùng với những rủi ro đáng kể”. Ông Gallant nhấn mạnh mục tiêu của quân đội Israel là đảm bảo cho cộng đồng người Israel ở khu vực phía Bắc trở về nhà an toàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết quân đội Israel đang mở ra một “giai đoạn mới trong cuộc chiến", đồng thời nói thêm rằng trọng tâm quân sự của Israel đang chuyển hướng về khu vực biên giới phía Bắc.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah có dấu hiệu leo thang, ngày 19/9, Thủ tướng Li-băng Najib Mikati đã thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần đưa ra lập trường "răn đe" và "kiên quyết" chống lại "hành vi xâm lược" và "cuộc chiến công nghệ" của Israel chống lại Li-băng.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Mikati, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ tinh thần đoàn kết với Li-băng, lên án vụ kích nổ các thiết bị liên lạc và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế để ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken – người hiện đang ở thăm Pháp, đã lên tiếng cảnh báo "bất kỳ bên nào có hành động leo thang" ở Trung Đông.

Nhật Bản ấn định thời điểm bầu Thủ tướng mới

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo. (Ảnh: Kyodo/TTXVN).

Ngày 17/9, nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do (LDP cầm quyền) phụ trách các vấn đề Quốc hội của Nhật Bản, ông Yasukazu Hamada cho biết Quốc hội đã ấn định thời điểm bầu Thủ tướng mới vào ngày 1/10, sau cuộc tranh cử lãnh đạo đảng vào ngày 27/9.

Đảng LDP đã cầm quyền gần như liên tục trong nhiều thập kỷ, nắm giữ đa số trong Quốc hội. Vì vậy, người chiến thắng trong cuộc bầu cử nội bộ đảng về cơ bản được đảm bảo sẽ trở thành Thủ tướng.

Các cuộc thăm dò cho thấy có 3 ứng cử viên hàng đầu trong số 9 ứng cử viên kế nhiệm ông Fumio Kishida làm người đứng đầu LDP. Đó là nữ Bộ trưởng An ninh kinh tế Sanae Takaichi, 63 tuổi, cựu Tổng Thư ký LDP Shigeru Ishiba, 67 tuổi, và ông Shinjiro Koizumi, 43 tuổi, con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. 

Cuộc bầu cử lãnh đạo đảng LDP diễn ra sau khi Thủ tướng Kishida Fumio hồi tháng trước tuyên bố không tái tranh cử chức Chủ tịch LDP, đồng nghĩa sẽ rời ghế Thủ tướng sau vụ bê bối quỹ đen gây tổn hại uy tín của LDP và làm xói mòn lòng tin của cử tri.

Cuộc bầu cử Chủ tịch LDP dự kiến diễn ra ngày 27/9. Khi kết quả chính thức bầu Chủ tịch đảng LDP được công bố, dự kiến vào đầu tháng 10, Quốc hội Nhật Bản sẽ họp phiên bất thường để bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới thay ông Fumino Kishida.

Các ứng cử viên đã bắt đầu cuộc vận động tranh cử hôm 12/9 vừa qua. Trong đó, các ứng cử viên đều cam kết sẽ xây dựng lại hình ảnh của đảng LDP để khôi phục niềm tin của người dân.

Lực lượng vũ trang Nga sẽ có quy mô lớn thứ hai thế giới

Binh sỹ Nga tham gia lễ tổng duyệt diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở Moskva. (Ảnh: AFP/ TTXVN) 

Tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh tăng quân số của Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga (VS RF) lên 2.389.130 người, trong đó có 1,5 triệu quân nhân.

Cổng thông tin phân tích quốc phòng Global Firepower nhận định, động thái trên của Tổng thống Putin sẽ khiến Các Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga (VS RF) trở thành đội quân có quy mô lớn thứ hai trên thế giới. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12 tới. Hiện tại, theo sắc lệnh do Tổng thống Putin ký vào tháng 12/2023, quân số lực lượng vũ trang Nga là 2.209.130 người, trong đó có 1,32 triệu quân nhân.

Với quyết định mới nhất nêu trên, Nga sẽ vượt qua Ấn Độ và Mỹ - 2 quốc gia có quân số lực lượng vũ trang lần lượt là 1,44 triệu và 1,32 triệu. Theo đó, lực lượng vũ trang của Nga sẽ vươn lên vị trí thứ hai thế giới và chỉ đứng sau Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (2 triệu người) về quy mô quân số.

Ngày 17/9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích trước báo giới về động thái trên: "Nguyên nhân là do nhiều mối đe dọa hiện hữu đối với đất nước chúng tôi dọc theo biên giới". "Điều này là do có nhiều mối đe dọa tồn tại đối với đất nước chúng ta dọc theo biên giới. Môi trường cực kỳ thù địch ở biên giới phía tây và sự bất ổn ở biên giới phía đông đòi hỏi phải có những biện pháp thích hợp", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.

Đây là lần thứ 3 Nga mở rộng quy mô quân đội kể từ khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Moscow đang tăng tốc tiến công ở miền Đông Ukraine và tìm cách đẩy lùi lực lượng Ukraine đang chiếm giữ lãnh thổ ở tỉnh biên giới Kursk.

FED cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm

Chủ tịch FED Jerome Powel. (Ảnh: Getty Images)  

Kết thúc cuộc họp kéo dài 2 ngày, chiều 18/9 (giờ địa phương), Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát đang dần hạ nhiệt và lo ngại ngày càng gia tăng về sức khỏe của thị trường lao động.

Đây là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của FED kể từ tháng 3/2020. Trong tuyên bố sau cuộc họp chính sách, Ngân hàng Trung ương Mỹ cho biết, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng các nhà hoạch định chính sách đã quyết định cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất trong 23 năm, 5,25% - 5,5%, xuống phạm vi 4,75% - 5% trên cơ sở những tiến triển về lạm phát và khi rủi ro đã được cân bằng.

Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, quyết định này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của FED rằng lạm phát đang trên đà giảm về mức mục tiêu 2%. Ông cũng nhấn mạnh, động thái này nhằm đảm bảo thị trường lao động vẫn mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế có thể đối mặt với những thách thức.

Theo các chuyên gia, việc FED cắt giảm mạnh lãi suất cho thấy mối quan ngại ngày càng tăng của cơ quan này về thị trường lao động Mỹ. Lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm chi phí đi vay, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình, trong khi tăng trưởng tiền lương trung bình hiện đang nhanh hơn mức tăng giá cả do lạm phát đã hạ nhiệt đáng kể. Lạm phát của Mỹ đã giảm xuống còn 2,5% trong tháng 8 vừa qua, từ mức đỉnh 9,1% vào giữa năm 2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gần đây đã tăng lên 4,2%.

Thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên thế giới

Trẻ em bị ảnh hưởng khi lũ ập về khu vực gần sông Hồng. (Ảnh: UNICEF)  

*Ngày 18/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, lũ lụt và lở đất nghiêm trọng do bão Yagi đã làm ảnh hưởng đến gần 6 triệu trẻ em tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể là việc tiếp cận nguồn nước sạch, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm và nơi trú ẩn. 

Bà June Kunugi, Giám đốc UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: Trẻ em và những gia đình dễ bị tổn thương nhất đang phải đối mặt với hậu quả tàn khốc nhất mà cơn bão Yagi để lại. Ưu tiên ngay lúc này là khôi phục các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và các gia đình, bao gồm nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Đông Nam Á, trầm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu, là một lời nhắc nhở: khi thảm họa xảy ra, những trẻ em dễ bị tổn thương thường phải chịu đựng nhiều nhất.

*Trong một cuộc họp diễn ra tại thành phố Wroclaw, Ba Lan, ngày 19/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố gói hỗ trợ 10 tỷ euro (11 tỷ USD) từ Quỹ Liên kết của Liên minh châu Âu (EU) cho các quốc gia Trung Âu bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng do bão Boris gây ra. Bà von der Leyen cho biết, EU có hai nguồn là Quỹ Liên kết và Quỹ Đoàn kết, có thể sử dụng để hỗ trợ tài chính nhằm sửa chữa và tái thiết cơ sở hạ tầng. Theo bà von der Leyen, đây là khoản hỗ trợ khẩn cấp nhằm giúp các nước bị ảnh hưởng.

Trong tuần qua, mưa lớn bất thường đã gây lũ quét tàn phá nhiều khu vực rộng lớn tại Áo, Ba Lan, Romania và Cộng hòa Séc. Thảm họa khiến nhiều người thiệt mạng, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập và cơ sở hạ tầng bị hư hại nặng nề. Trận lũ lụt tại Trung Âu đã gây ra những thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, với ước tính ban đầu rơi vào khoảng 1 tỷ euro./.

Cập nhật 22/9/2024


Tác giả: Theo PV (tổng hợp)/dangcongsan.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.705
Hôm qua : 4.217
Tháng 12 : 124.315
Năm 2024 : 2.434.565
Tổng số : 83.900.658