Thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ lên tầm cao mới
Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ từ ngày 30/9 - 1/10/2024 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có vai trò quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường quan hệ ngoại giao và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mông Cổ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, văn hóa và an ninh - quốc phòng, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước trong tương lai.
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ từ ngày 30/9 - 1/10/2024.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra trong dịp hai nước kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (17/11/1954 - 17/11/2024) và có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hai nước. Đây là một trong những chuyến thăm đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cả hai cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Chuyến thăm có vai trò quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường quan hệ ngoại giao và thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Mông Cổ, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, văn hóa và an ninh - quốc phòng, hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng của hai nước trong tương lai.
Mông Cổ, thuộc Trung Á, phía Bắc giáp Liên bang Nga, phía Nam giáp Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Mông cổ có diện tích: 1.564.116 km2 (thứ 17 thế giới), phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên và đồi núi; phía Tây chủ yếu là núi, miền Trung và phía Đông chủ yếu là cao nguyên, phía Nam có sa mạc Gobi; dân số: 3,5 triệu người (tính tới tháng 12/2023). Rừng chiếm 10% diện tích; Khí hậu lục địa, ít mưa, lạnh giá, nhiệt độ mùa đông xuống đến -500C.
Kinh tế - xã hội của Mông Cổ chủ yếu dựa vào ngành khai khoáng và chăn nuôi đồng cỏ tự nhiên, là một trong 15 quốc gia có nguồn khoáng sản giàu nhất thế giới, các khoáng sản chính là than đá, đồng, molypden, fluorspar, volfram, vàng, nhôm, uranium, kim loại chì… Hiện ngành khai thác khoáng sản chiếm trên 50% GDP. Mông Cổ có trên 65 triệu đầu gia súc (lạc đà, ngựa, bò, dê, cừu); tự bảo đảm nhu cầu về lương thực (lúa mì) và một số nông sản.
Tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt 6,9% (-4,6% năm 2020, 1,4% năm 2021, 4,0% năm 2022); thu nhập bình quân đầu người đạt 5.800 USD. Mông Cổ có quan hệ thương mại với 160 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 đạt 29 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,2 tỷ USD (tăng kỷ lục, 21% so với 2022), nhập khẩu đạt 13,8 tỷ USD; thu ngân sách tăng 35,6%, dự trữ ngoại hối đạt 5.0 tỷ USD, đạt 65 triệu đầu gia súc; lạm phát năm 2023 tăng 7,9%; đón hơn 600 nghìn lượt khách du lịch. Về đầu tư, tính theo lũy kế, Mông Cổ thu hút được 41 tỷ USD trong hơn 30 năm qua (1992 - 2023). Hiện Mông Cổ đang tiếp tục triển khai “Chính sách phục hồi mới” và “Tầm nhìn 2050”; phấn đấu trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á về kinh tế xã hội và mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người đạt 15.000 USD.
Việt Nam và Mông Cổ là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 17/11/1954, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm chính thức Mông Cổ, tháng 7/1955, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam; chuyến thăm Việt Nam của Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ (9/1959) Yumjaagiin Tsedenbal đã mở đầu, đặt nền móng cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trải qua 70 năm, quan hệ hợp tác và hữu nghị hai nước được tôi luyện trong khó khăn, thử thách. Hai nước luôn giữ vững nền tảng hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, Nhà nước và nhân dân hai nước luôn dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay.
Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hai nước đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động trao đổi đoàn, trong đó có trao đổi đoàn cấp cao và các cấp được diễn ra và đẩy mạnh. Gần đây nhất là chuyến thăm Mông Cổ của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (tháng 10/2023) và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh (tháng 11/2023); chuyến thăm của Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Mông Cổ B.Jargalsaikhan (tháng 3/2024).
Về hợp tác kinh tế, trước năm 1990, kim ngạch thương mại hàng năm đạt khoảng 2 triệu rúp (chuyển đổi); năm 1996, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác thương mại song phương và đến năm 2008 đạt hơn 6 triệu USD, năm 2023 đạt hơn 120 triệu USD, 7 tháng của năm 2024 đạt 65,5 triệu USD trong và còn nhiều dư địa để hai bên cùng thúc đẩy. Hai nước thường xuyên duy trì cơ chế họp Ủy ban liên chính phủ về thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật, theo đó đã tổ chức được 18 kỳ họp.
Hợp tác song phương về văn hóa, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân đều có bước tiến, nổi bật là việc hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông (tháng 11/2023), qua đó góp phần tăng cường hoạt giao lưu nhân dân giữa hai nước. Mông Cổ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống với Mông Cổ.
Trọng tâm của chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử quan hệ, tạo xung lực mới, đưa quan hệ hợp tác song phương ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả.
Đồng thời, chuyến thăm nhằm tái khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; thể hiện sự coi trọng cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ với mong muốn nâng tầm và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác song phương, phù hợp với tình hình mới và lợi ích của hai nước.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta sẽ có các cuộc gặp với Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và các tập đoàn kinh tế lớn của Mông Cổ. Hai bên sẽ đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các phương hướng, giải pháp lớn nhằm cụ thể hóa, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực phát triển ổn định, thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới, tương xứng với mức độ quan hệ hai bên mới thiết lập. Dự kiến có nhiều văn bản, thỏa thuận mới sẽ được ký trong chuyến thăm nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Việc đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới thể hiện sự cam kết của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội mới để hai bên tận dụng tiềm năng hợp tác chưa được khai thác; thúc đẩy giao lưu nhân dân và sự hiểu biết lẫn nhau. Đây sẽ không chỉ là dấu mốc về mặt chính trị mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, củng cố lòng tin và tạo tiền đề cho những bước tiến mới trong hợp tác song phương Việt Nam - Mông Cổ.
Một số Hiệp định/Thỏa thuận đã ký giữa hai nước Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (1996), Hiệp định hợp tác thương mại (1999), Hiệp ước hữu nghị và hợp tác (2000), Hiệp định tương trợ tư pháp (2000), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (2000), Hiệp định kiểm dịch động thực vật thú y (2001), Thỏa thuận khung về hợp tác ngân hàng (2001), Hiệp định kiểm dịch thực vật (2002), Hiệp định hợp tác giáo dục (2012), Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng (2019), Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông (2023), Thỏa thuận hợp tác về phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm (2013), Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Hiệp định dẫn độ (2019), Thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xây dựng lực lượng kỵ binh (2020), Thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, Hiệp định về cùng bảo vệ và trao đổi tin mật (2019), Các thỏa thuận nhân dịp Tổng thống Mông Cổ thăm Việt Nam (11/2024) bao gồm: Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Mông Cổ cầm quyền; Bản ghi nhớ hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông vận tải Mông Cổ; Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam và Viện hàn lâm khoa học Mông Cổ; Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Tư pháp và Nội vụ Mông Cổ về an ninh mạng và phòng chống tội phạm; Bản ghi nhớ về tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Thành phố Hà Nội và Chính quyền thành phố Ulaanbaatar; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ. |
Cập nhật ngày 30/9/2024