A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác APEC

(laichau.gov.vn)

Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương.

APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu 

Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác APEC tập trung vào 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại và đầu tư, Thuận lợi hoá kinh doanh và Hợp tác kinh tế - kỹ thuật.

Diễn đàn hiện có 21 nền kinh tế thành viên[1], trong đó bao gồm những nền kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…), 9 thành viên Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) và nhiều nền kinh tế mới nổi, phát triển năng động, đại diện khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu[2].

APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc; không có Hiến chương hay điều lệ. APEC dùng khái niệm “nền kinh tế”; Lãnh đạo Cấp cao của các thành viên được gọi chung là các nhà Lãnh đạo kinh tế.

Hoạt động hàng năm của APEC gồm: Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế; Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế; các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành về thương mại, tài chính, doanh nghiệp nhỏ và vừa và các lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, an ninh lương thực, phụ nữ và kinh tế, y tế, năng lượng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông...; 05 Hội nghị các Quan chức Cao cấp, cùng nhiều  hội nghị, hội thảo của các Uỷ ban, Nhóm công tác và các cơ chế cấp làm việc khác thuộc các kênh chính phủ, học giả và doanh nghiệp.

Điểm đặc biệt của Diễn đàn APEC là có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương. Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC gồm 63 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu khu vực, mỗi nền kinh tế thành viên cử ba đại diện do Lãnh đạo kinh tế trực tiếp lựa chọn. Các thành viên được mời tham dự Đối thoại với các nhà Lãnh đạo kinh tế dịp Tuần lễ Cấp cao để nêu các khuyến nghị cụ thể thúc đẩy hợp tác APEC. Lãnh đạo Việt Nam cùng với Lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ca-na-đa, Xinh-ga-po, In-đô-nê-xi-a... cũng được mời đến phát biểu tại các phiên của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và trao đổi với các giám đốc điều hành hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Năm 1994, các Nhà Lãnh đạo kinh tế đã thông qua các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở đối với các nền kinh tế thành viên phát triển vào năm 2010 và các nền kinh tế thành viên đang phát triển vào năm 2020.

Trong giai đoạn triển khai các Mục tiêu Bogor (1994 – 2019), tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại, đầu tư của các nền kinh tế thành viên APEC đã đạt mức tăng trưởng lớn, cụ thể: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ gần như được nhân gấp 04 lần với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,9%/năm; Mức thuế quan trung bình theo nguyên tắc Tối huệ quốc (MFN) giảm từ 13,9% xuống 5,2% trong năm 2019; Lượng vốn FDI đầu tư vào và ra của các nền kinh tế thành viên APEC tăng trưởng trung bình trên 10%/năm với sự đóng góp ngày càng lớn từ các nền kinh tế đang phát triển; Tăng trưởng GDP thực trong APEC đạt trung bình 3,9%/năm, nhanh hơn phần còn lại của thế giới trong khi mức tăng trưởng tính trên đầu người đạt 3,1%.

Đến nay, APEC đã đạt nhiều thành tựu nổi bật và thực chất trên cả 3 trụ cột hợp tác. Bên cạnh những thành tựu về tự do hóa thương mại và đầu tư nêu trên, về thuận lợi hóa kinh doanh, chi phí giao dịch thương mại trong khu vực giảm đáng kể qua các lần cắt giảm 5% vào các năm 2006, 2010 và 10% vào năm 2015. Về hợp tác kinh tế - kỹ thuật, mỗi năm, APEC hỗ trợ kinh phí cho khoảng 150 dự án hợp tác và nâng cao năng lực với tổng giá trị lên đến 23 triệu USD.

Để chuẩn bị cho Diễn đàn bước vào giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh và sâu sắc dưới tác động của Cách mạng công nghệ 4.0, hiện APEC đang triển khai các chiến lược, chương trình hợp tác lớn gồm: Chương trình nghị sự tăng cường về cải cách cơ cấu đến năm 2025, Lộ trình cạnh tranh dịch vụ đến 2025, Kế hoạch kết nối tổng thể đến 2025, Chương trình nghị sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đến 2030, Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đến 2025, Lộ trình La Serena về Phụ nữ và Tăng trưởng Bao trùm đến 2030, Kế hoạch hành động giai đoạn 3 của Khuôn khổ kết nối chuỗi cung ứng APEC (2022 – 2026).

Năm 2020, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tầm nhìn APEC đến năm 2040 về xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai, trên cơ sở thúc đẩy 03 trụ cột hợp tác về thương mại và đầu tư, đổi mới và số hóa, và tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm. Tầm nhìn tiếp tục khẳng định các nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận và không ràng buộc trên cơ sở hợp tác bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Tầm nhìn nhấn mạnh vai trò hàng đầu của APEC và cam kết nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò quản trị toàn cầu của APEC.

Năm 2021, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Kế hoạch Aotearoa, đề ra các mục tiêu và hành động cụ thể nhằm triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 với 03 phần chính: (i) Mục tiêu, cam kết hành động của riêng từng nền kinh tế và cam kết hành động chung đối với 03 trụ cột hợp tác của Tầm nhìn; (ii) Đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động APEC với vai trò là một thể chế với các mục tiêu cụ thể đến năm 2025; (iii) Rà soát và đổi mới kế hoạch hành động và kết quả thực hiện: giám sát các mục tiêu hàng năm; rà soát 5 năm thực hiện các cam kết; rà soát giữa kỳ các mục tiêu và hành động.

Năm 2022, các nhà Lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố chung về các Mục tiêu Bangkok về Mô hình Kinh tế Sinh học – Tuần hoàn – Xanh (BCG) – chiến lược tăng trưởng mới trong giai đoạn hậu COVID. Đây là khuôn khổ toàn diện thúc đẩy chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững trên 04 khía cạnh: (i) Đóng góp vào nỗ lực toàn cầu ứng phó với các thách thức môi trường; (ii) Thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững; (iii) Bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; (iv) Quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên, hướng tới rác thải bằng không.

Năm 2023, tại Hoa Kỳ, các nhà Lãnh đạo đã thông qua các Nguyên tắc San Phờ-ran-sít-cô về lồng ghép tính bao trùm và bền vững vào chính sách thương mại và đầu tư, với 3 ưu tiên về: (i) Kết nối – xây dựng một khu vực tự cường và kết nối thúc đẩy thịnh vượng kinh tế toàn diện; (ii) Đổi mới sáng tạo – thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo vì một tương lai bền vững; và (iii) Bao trùm – củng cố một tương lai bình đẳng và bao trùm cho mọi người dân..

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Hội nghị liên Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10, ngày 15/11/1998, tại Kuala Lumpur, Malaysia; đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Khu vực APEC có ý nghĩa quan trọng, chiến lược đối với an ninh, phát triển của nước ta. APEC là diễn đàn quy tụ 15 trên 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch. 13 trong 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đang triển khai/đàm phán là với thành viên APEC. Trong đó, 17 trên tổng số 20 thành viên APEC là đối tác FTA của Việt Nam.

Trong 26 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC, vào các năm 2006 và 2017; là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất các sáng kiến và dự án của APEC. Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC năm 2005-2006, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều Ủy ban và nhiều Nhóm công tác chủ chốt của APEC. Vai trò của doanh nghiệp Việt Nam đối với hợp tác APEC ngày càng được đề cao, với nhiều đề xuất, khuyến nghị thiết thực lên các nhà Lãnh đạo và các Bộ trưởng APEC.

Tại APEC 2023, Việt Nam đã đề xuất đăng cai Năm APEC 2027 và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên. Đề xuất đã được nhất trí thông qua và đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị.

Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu kỷ niệm 35 năm thành lập APEC (1989-2024), là dịp để rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn mới. Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, chủ nhà Pê-ru thúc đẩy 03 ưu tiên chính là: (i) Thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; (ii) Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; (iii) Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC, triển khai nhiều sáng kiến, dự án về cải cách cơ cấu, tài chính, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng bền vững và bao trùm. Việt Nam hiện là Trưởng nhóm xây dựng Chương trình nghị sự APEC về Cải cách cơ cấu giai đoạn 2026-2030, chủ trì xây dựng Báo cáo Chính sách Kinh tế APEC 2025, được nhiều thành viên APEC đánh giá cao.

--------------------------

[1] 12 thành viên sáng lập năm 1989 gồm: Ốt-xtrây-li-a, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan, Mỹ; 03 thành viên gia nhập năm 1991 gồm: Trung Quốc, Hồng Công - Trung Quốc, Đài Bắc - Trung Hoa; 02 thành viên gia nhập năm 1993 gồm: Mê-hi-cô, Pa-pua Niu Ghi-nê; 01 thành viên gia nhập năm 1994: Chi-lê; 03 thành viên gia nhập năm 1998 gồm: Pê-ru, Nga và Việt Nam. APEC tạm ngừng kết nạp thành viên mới từ năm 1998. Hiện nay, nhiều nước có nguyện vọng gia nhập APEC như Ấn Độ, Pa-kít-xtan, Băng-la-đét, Xri Lan-ca, Ma-cao, Mông Cổ, Lào, Cam-pu-chia, Cốt-xta Ri-ca, Cô-lôm-bi-a, Pa-na-ma, Ê-cua-đo.

[2] Tài liệu APEC at a glance 2021.

Cập nhật 7/11/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.097
Hôm qua : 5.242
Tháng 11 : 127.829
Năm 2024 : 2.280.733
Tổng số : 83.746.826