A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu

(laichau.gov.vn)

Ngày 23/12, tại trụ sở Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” đã thu hút đông đảo đại biểu tham dự. Hội thảo do Ban Điều hành Đề án 844, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Viện Quản trị chính sách và Chiến lược phát triển đồng chủ trì.

Hội thảo diễn ra tại trụ sở Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ảnh: HNV)

Đơn vị thực hiện và các cơ quan phối hợp là Cục Phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Văn phòng Đề án 844 và Vụ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Viện Quản trị Chính sách, ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), cùng các chuyên gia, trí thức kiều bào, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. 

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN; bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Chủ trì Đề án Từ chính sách ra cuộc sống, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đồng chủ tọa Hội thảo.

Thông tin tại Hội thảo, Ban tổ chức cho biết, được triển khai từ năm 2021-2023, chương trình có sự tham gia của 17 Mentor giàu kinh nghiệm, bao gồm 3 Mentor Adhoc và 14 Mentor cố định. Các Mentor sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Việt Nam, Úc, Mỹ,... Chương trình đã kết nối 20 Startups tiềm năng trên khắp cả nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng như: blockchain, AI, chuyển đổi số, IoT, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, nông nghiệp, truyền thông,...

Hội thảo là dịp để nhìn lại và tổng kết một số kết của của Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu (chương trình GMVP), kết nối cộng đồng chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, thảo luận một số giải pháp để thu hút nguồn vốn, nhân tài trong và ngoài nước hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong kỷ nguyên mới.  

Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, cộng đồng người Việt Nam nay đã đạt khoảng 6 triệu người, hiện diện tại trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, là cộng đồng trưởng thành, mạnh mẽ, có trình độ cao, ngày càng trẻ hóa, hiện diện trên hầu khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, có tiếng nói, có ảnh hưởng ngày càng được nể trọng tại xã hội sở tại. “Cộng đồng là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực hết sức quan trọng của dân tộc Việt Nam. Đất nước và cộng đồng gắn kết, hòa quyện với nhau, đem lại những cơ hội lớn nhằm nâng cao hơn nữa cơ đồ, vị thế của dân tộc”- ông Nguyễn Mạnh Đông nói.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Đông, Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu được tiến hành trong 3 năm qua trong bối cảnh hết sức khó khăn, vô vàn thử thách, đặc biệt là đại dịch COVID-19 làm ngừng trệ hầu như hoàn toàn đời sống kinh tế - xã hội và hàng loạt biến động chính trị, an ninh trên khắp các khu vực làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất. Việc thực hiện chương trình này tưởng chừng như không thể. Tuy nhiên, chúng ta đã có nỗ lực cao độ, tạo nhiều kết quả quan trọng trong việc triển khai Chương trình. Đó là những tiến bộ đáng kể và đáng mừng trong bối cảnh khó khăn nêu trên. Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vui mừng và tự hào đã cùng đồng hành với Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KHCN, các bộ, ngành, địa phương, đông đảo bà con kiều bào và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước trong nỗ lực chung này. Những kết quả đạt được cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng và những kết quả này cần được phát huy. Đây cũng chính là một trong những kết quả quan trọng dẫn đến Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH&CN tháng 4/2024 vừa qua.

Nhân dịp này, ông Đông đề xuất, cần tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa các hình thức kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài; Tăng cường liên kết, xây dựng dữ liệu về mạng lưới chuyên gia, trí thức trên khắp các châu lục; đặc biệt tìm cách biến những nỗ lực kết nối này thành nhiều kết quả thực tiễn hơn nữa, không dừng ở mức sân chơi, mà cần biến những hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo thành thị trường, thương trường mới.

Khẳng định vai trò, vị trí của Chương trình Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN nhấn mạnh, cần phải biến tất cả những tiềm năng thành cơ hội thực sự, kết nối tất cả các nguồn tri thức, chuyên gia với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo sân chơi, và từ sân chơi dẫn đến những kết quả thực chất, những thỏa thuận hợp tác, những bản hợp đồng đem lại lợi ích chung cho tất cả các bên, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và cộng đồng.

Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp KH&CN Phạm Hồng Quất (Ảnh: HNV)

“Đây là những mục tiêu rất tham vọng, đồng thời cũng rất thực tiễn, nếu chúng ta nhìn vào thực tế, đó là, Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có cơ đồ, tiềm lực, vị thế đáng nể, là đất nước có sự ổn định chính trị vững chắc, tiềm lực mọi mặt ngày càng được tăng cường, kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, có quan hệ sâu rộng với hầu hết các nước trên thế giới, qua đó, tiếp tục củng cố, tăng cường các hoạt động thu hút, kết nối mạng lưới chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, cụ thể hoá thoả thuận hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao..."- Cục trưởng Phạm Hồng Quất nói.

Tại Hội thảo, bà Lê Nguyễn Thiên Nga, chủ trì Đề án Từ chính sách ra cuộc sống, Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia chỉ ra một số tiêu chí doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn dắt và sự kết nối hiệu quả mô hình liên kết chuyên gia, cố vấn trên diện rộng với không gian xuyên biên giới. Trong khi đó, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT khuyến nghị về việc hơn lúc nào hết nhấn mạnh đến câu chuyện “trách nhiệm và sứ mệnh” gắn với các chuyên gia, cố vấn nhất là với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như việc Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương có thể chủ động đưa ra các “bài toán khó, hay” dành cho các nhà khoa học hàng đầu. Đồng quan điểm này, từ điểm cầu Australia, ông David Nguyễn, Đại học Macquarie cho rằng, cần có đột phá hơn nữa về tư duy chính sách cũng như giảm bớt thời gian tiến hành các thủ tục hành chính liên quan thủ tục, giấy tờ hợp tác, triển khai trong thực tiễn…

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng đã phát động chương trình GMVP năm 2025 và mong muốn nhận được sự tham gia, đồng hành rộng rãi của các chuyên gia, trí thức, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo./.

Cập nhật 23/12/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36
Hôm qua : 5.295
Tháng 12 : 134.947
Năm 2024 : 2.445.197
Tổng số : 83.911.290