A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu năm 2022: Dám “khát vọng, đổi mới và hành động”

(laichau.gov.vn)

Có người đã từng nói: “Chúng ta có ước mơ, chúng ta có khát vọng, nhưng nếu chúng ta không dám đổi mới, không dám hành động thì cũng chỉ như một tên lửa đang chuẩn bị cất cánh nếu không được châm ngòi bằng một niềm tin, ý chí, sự nỗ lực vượt khó thì mãi mãi nó chỉ nằm trên mặt đất”. Nếu như năm 2021 là năm tạo nền tảng cho sự bứt phá, thì năm 2022, tỉnh Lai Châu đã thể hiện một tinh thần dám khát vọng, dám ước mơ, dám đổi mới và dám hành động. Kết quả đạt được chính là dấu ấn chưa từng có tiền lệ, là sự mở đường cho hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội, trong xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Đây chính là tiền đề để cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo Nhân dân cùng đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vươn lên bứt phá trong năm mới Quý Mão 2023, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Kỳ 1: Một năm nỗ lực khơi dậy khát vọng, đổi mới và hành động không ngừng nghỉ

Quang cảnh Hội thảo.

Cuối năm 2021, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu tổ chức một Hội thảo khoa học về cây Sâm Lai Châu. Hội thảo được tổ chức có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho Đảng bộ tỉnh Lai Châu có cách nhìn tổng thể hơn, khoa học hơn về tiềm năng, lợi thế, những bất cập, khó khăn, giải pháp trọng tâm, đột phá cho việc phát triển cây Sâm Lai Châu trên địa bàn; giúp tỉnh Lai Châu từng bước hiện thực hóa ước mơ và khát vọng thuần hóa được cây Sâm Lai Châu, làm chủ quy trình, kỹ thuật về giống, sản xuất… 

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng lúc đó khẳng định: Sâm Lai Châu có tiềm năng, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, có vườn giống gốc để phát triển…Chỉ cần có quyết tâm và hành động là có thể biến ước mơ thuần hóa được cây Sâm Lai Châu thành hiện thực. Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là phát triển cây Sâm thể hiện ý chí, khát vọng của cả hệ thống chính trị tỉnh Lai Châu.

Trong vòng 1 năm sau đó, đồng hành cùng với người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành của Lai Châu đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của tỉnh; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc để thu hút đầu tư trồng và phát triển cây Sâm Lai Châu; thành lập Hiệp hội Sâm Lai Châu…

Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao Bằng Bảo hộ giống cây trồng Sâm Lai Châu cho tỉnh Lai Châu.

Đầu tháng 11 năm 2022, lần đầu tiên tỉnh Lai Châu long trọng tổ chức Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa” nhằm quảng bá, giới thiệu Sâm Lai Châu đến thị trường trong nước và quốc tế. Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022 đã tạo được sức lan tỏa, mang lại nhiều giá trị, những dấu ấn quan trọng, góp phần giới thiệu tiềm năng, lợi thế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển và quảng bá cây Sâm Lai Châu đến cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; là cơ hội để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh kết nối, giao lưu xúc tiến hợp tác đầu tư trong phát triển cây Sâm Lai Châu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quay trở về đầu năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính phủ về mở cửa du lịch toàn diện, phục hồi và phát triển kinh tế sau hai năm đầy khó khăn bởi tác động của dịch bệnh Covid-19. Tỉnh Lai Châu đã tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu. Đây là một trong những sự kiện quan trọng thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn sau thời gian dài bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19. Hình ảnh du khách tây hòa mình vào những điệu múa bản địa tại thành phố Lai Châu xinh đẹp, mến khách được báo chí trong nước nhiều lần nhắc tới. Để rồi đến cuối năm, hình ảnh một Lai Châu giàu bản sắc văn hóa, nhiều tiềm năng, sản phẩm du lịch hiện hữu giữa lòng thành phố mang tên Bác trong sự kiện Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022. Cùng với hàng loạt chuỗi sự kiện kích cầu du lịch trải dài trong năm tại các huyện, thành phố, nhiều tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, du lịch Trekking của tỉnh Lai Châu được du khách trong và ngoài nước biết đến.

Du khách tây hòa mình vào những điệu múa bản địa tại thành phố Lai Châu xinh đẹp, mến khách.

Là một tỉnh miền núi khó khăn, Lai Châu sẵn sàng phối hợp tổ chức một Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2022 tại Lai Châu nhằm kết nối, thu hút nguồn lực để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tạo cơ hội để trao đổi về tiềm năng cũng như thách thức đối với tỉnh Lai Châu trong đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nói chung, cũng như kết nối trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dược liệu nói riêng; góp phần khơi nguồn và phát triển những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo; thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của tỉnh nhà.

Xuyên suốt các sự kiện, các hoạt động trong một năm có thể nhận thấy, 2022 thực sự là một năm của sự nỗ lực, cố gắng làm việc không ngừng nghỉ của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ tỉnh đến cơ sở. Tinh thần khơi dậy khát vọng, ý chí, nỗ lực, quyết tâm vượt khó trong tập thể lãnh đạo và người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được truyền tải trong nhiều hội nghị, cuộc họp nhằm tạo sự đồng thuận và cùng hành động để đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV đặt ra.

Theo số liệu tổng hợp cho thấy, năm 2022 đã có 8.258 văn bản các loại được UBND tỉnh ban hành để chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ đề ra, trong đó ban hành 46 quyết định quy phạm pháp luật để chi tiết, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản, quy định của Trung ương, 1.540 quyết định cá biệt, 12 chỉ thị, 126 thông báo kết luận làm việc của Lãnh đạo UBND tỉnh.

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra và làm việc tại huyện Mường Tè.

Trong năm, Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã thực hiện hơn 200 chuyến công tác, làm việc với các địa phương; chủ trì 220 hội nghị, cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương; tổ chức nhiều Đoàn công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đi các huyện, thành phố kiểm tra tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, việc giải ngân vốn đầu tư công, công tác thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế, chi ngân sách, kiểm tra các dự án chậm tiến độ, tình hình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Mỗi tối thong thả dạo quanh Quảng trường Nhân dân tỉnh, người dân đã không còn lạ lẫm với hình ảnh những phòng làm việc sáng đèn, những chiếc xe để dọc sân nơi làm việc vào những ngày thứ 7, chủ nhật hàng tuần ở Trung tâm Hành chính, chính trị tỉnh - nơi làm việc tập trung của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lai Châu.

Tinh thần dám ước mơ, dám khát vọng và hành động nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ ấy được truyền cảm hứng từ từng đồng chí lãnh đạo tới từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để sau một năm, hình ảnh Lai Châu không còn là một tỉnh nghèo nhất của cả nước - Lai Châu hôm nay được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm với tiềm năng phát triển cây dược liệu quý như Sâm Lai Châu, với những chính sách hỗ trợ phát triển nông lâm nghiệp thuộc tốp đầu cả nước; được du khách trong và ngoài nước biết đến với những địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng cả nước như Sin Suối Hồ; biết đến Lai Châu với tiềm năng để phát triển du lịch mạo hiểm, trong đó sở hữu 9/15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, sở hữu đỉnh núi khó chinh phục nhất, đẹp nhất như Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử; là nơi có địa điểm bay dù lượn được rất nhiều phi công Quốc tế yêu thích; là nơi có văn hóa các dân tộc độc đáo, đa sắc màu…

(Còn tiếp) Kỳ 2: Những dấu ấn năm 2022 trong phát triển kinh tế - xã hội


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.441
Hôm qua : 6.587
Tháng 10 : 36.547
Năm 2024 : 2.016.464
Tổng số : 83.482.557