Ấn tượng Lễ hội Gầu Tào huyện Phong Thổ năm 2024
Sáng nay (18/2), tại xã Dào San, UBND huyện Phong Thổ tổ chức Lễ hội Gầu Tào năm 2024.
Các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Mạnh Hà - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; các Ban HĐND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; lãnh đạo UBND thành phố Lai Châu; các đồng chí là Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Phong Thổ; lãnh đạo các phòng ban, đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện; UBND các xã, thị trấn cùng đông đảo Nhân dân, du khách... tham dự Lễ hội.
Dân tộc Mông có truyền thống văn hóa phong phú với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng mang đậm bản sắc dân tộc, Lễ hội Gầu Tào là Lễ hội có từ rất lâu đời, hàng năm được tổ chức vào đầu mùa xuân. Đến với Lễ hội, đại biểu, Nhân dân và du khách được hòa mình vào những hoạt động đầy vui tươi, ý nghĩa.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, đồng chí Mai Thị Hồng Sim - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ nhấn mạnh: Năm 2006 Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông xã Dào San, huyện Phong Thổ được phục dựng và duy trì thường niên hàng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo Nhân dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự. Năm 2020, Lễ hội Gầu Tào được công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Lễ hội Gầu Tào được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp huyện từ năm 2023.
Năm nay, Lễ hội có sự tham gia của 8 Đoàn đến từ 7 xã của huyện Phong Thổ gồm: Hoang Thèn, Dào san, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Mù Sang, Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ và xã Sùng Phài (Thành phố Lai Châu). Đây là những xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông như: Thi văn nghệ; thi chế tác khèn Mông và thêu hoa văn thổ cẩm trên vải; thi không gian văn hóa và thắng cố; thi giã bánh giầy; thi các môn thể thao: Bắn nỏ, đẩy gậy, ném pao, chọi gà, đánh cầu lông gà....
Lễ hội là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Đây cũng là dịp để Nhân dân các dân tộc cùng hội tụ giao lưu văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, phát triển, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc...