• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa chống dịch tốt

(laichau.gov.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh: Chúng ta đang phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa chống dịch tốt, từ đó giữ nhịp độ sản xuất, giữ ổn định đời sống Nhân dân.

Đ/c Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đ/c Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

 

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị được tổ chức giúp nhìn lại một cách tròn vẹn, đánh giá căn bản trong quá trình thực hiện và rút ra những vấn đề lớn về an ninh lương thực của cả nước. Việc đảm bảo an ninh lương thực của đất nước là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn ra toàn cầu; đảm bảo cuộc sống cần thiết, tối thiểu, nhu cầu nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cho người dân. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Chúng ta đang phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa chống dịch tốt, từ đó giữ nhịp độ sản xuất, giữ ổn định đời sống Nhân dân.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh baochinhphu.vn)

 

Thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 05/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, nước ta đã đạt được những thành tựu trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Việc thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của phát triển lương thực, thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Giai đoạn 2009-2019, sản lượng lúa tăng từ 39,17 triệu tấn lên 43,4 triệu tấn; bình quân lương thực đầu người tăng từ 497 kg/năm lên trên 525 kg/năm, đưa Việt Nam vào nhóm 6 nước hàng đầu về chỉ số này và vai trò của Việt Nam trong hỗ trợ an ninh lương thực cho các quốc gia khác ngày càng tăng.

Về mức độ đạt được các mục tiêu chủ yếu, so với các mục tiêu đến năm 2020 tại Kết luận số 53-KL/TW và Nghị quyết số 63/NQ-CP, dự kiến có 14 chỉ tiêu đạt và vượt, đó là: 3 chỉ tiêu về lúa gạo; 2 chỉ tiêu về rau; 2 chỉ tiêu về cây ăn quả; 2 chỉ tiêu về chăn nuôi; 3 chỉ tiêu về thuỷ sản; 2 chỉ tiêu về đảm bảo khả năng tiếp cận lương thực.

Khẳng định sau 10 triển khai thực hiện Đề án và đặc biệt sau 30 năm đổi mới, nước ta đạt được nhiều thành tích rất lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Với bình quân lương thực cao; là một trong 3 nước đầu tiên xuất khẩu lương thực với số lượng lớn; việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đầu tư của giới khoa học vào nông dân đã giúp cho gạo Việt Nam năm 2019 được công bố là 1 trong những loại gạo ngon nhất thế giới, đời sống của bà con nông dân được cải thiện tốt nhất.

Nhắc về một số hạn chế như: An ninh lương thực của nước ta mới chỉ đứng ở mức trung bình; sau 30 năm đổi mới, mức sống của người nông dân toàn quốc nói chung vẫn là nghèo và khó khăn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc chuyển dịch cơ cấu, chất lượng lương thực, chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất lương thực một cách hợp lý đó là bài toán đặt ra hôm nay.

Cho rằng an ninh lương thực luôn là vấn đề thách thức, hệ trọng với mọi an ninh quốc gia. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào, đảm bảo lương thực cho từng gia đình, từng cá nhân, không để người dân thiếu đói. Trước hết trong tình hình quốc tế và biến đổi khí hậu hiện nay, an ninh lương thực không chỉ là vấn đề trước mắt mà còn là vấn đề lâu dài, chiến lược và không được chủ quan...

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu.

 

Đối với tỉnh Lai Châu, sau 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 5/8/2009 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh, công tác sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thực hiện tốt. Sản xuất lương thực có bước phát triển rõ rệt, diện tích cây lương thực được mở rộng (do khai hoang, tăng vụ,..); người dân đã chú trọng đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý, góp phần nâng cao sản lượng sản xuất lương thực. An ninh lương thực cơ bản được đảm bảo, cuộc sống Nhân dân được ổn định, công tác xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính tự cung, tự cấp, trình độ canh tác nhiều nơi còn hạn chế; hiệu quả sử dụng đất và năng suất lao động thấp; thu nhập và mức sống của dân cư nông thôn còn thấp... Chính vì vậy, giai đoạn đến năm 2025 và 2030, Tỉnh Lai Châu xác định mục tiêu chung là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh. Khai thác có hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; từng bước chuyển nền sản xuất nông nghiệp từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Lựa chọn nhóm sản phẩm chủ lực, nhóm sản phẩm đặc sản địa phương để đầu tư theo hướng xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.


Tác giả: Lan Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.906
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 228.810
Năm 2024 : 659.645
Tổng số : 82.125.738