Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịchTây Bắc mở rộng năm 2023
Sáng nay (17/9), tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, các tỉnh trong Nhóm hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023.
Tới dự chỉ đạo và tham dự Hội thảo, về phía Trung ương có đồng chí Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng chí Vũ Quốc Trí - Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các đồng chí đại diện các đơn vị thuộc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Về phía đại biểu các tỉnh có đồng chí Tống Thanh Hải - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, thành viên Ban Chỉ đạo chương trình hợp tác Phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, các phòng, đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở; Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về phía đại biểu tỉnh Hà Giang có đồng chí Hoàng Gia Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; các đồng chí là lãnh đạo các sở, ban, ngành đoàn thể, Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh Hà Giang. Về phía tổ chức quốc tế có ông Kenneth Wood - Giám đốc Dự án Du lịch Thụy Sỹ vì sự Phát triển Bền vững tại Việt Nam.
Về dự Hội thảo còn có hơn 70 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan truyền thông, báo chí trong nước, các chuyên gia nhà nghiên cứu đã tham gia chương trình khảo sát sản phẩm du lịch vùng Tây Bắc.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được xem Video clip giới thiệu sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng. Trong đó nhấn mạnh tiềm năng du lịch Tây Bắc cụ thể như: Vùng Tây Bắc sở hữu nguồn tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái. Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, có đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, là niềm khát khao chinh phục của rất nhiều người; Sa Pa - Thị trấn trong mây với khí hậu quanh năm mát mẻ; Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Căng Chải với những khu ruộng bậc thang nổi tiếng; Hồ Pá Khoang rộng lớn nằm giữa một vùng thiên nhiên cảnh đẹp hùng vĩ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là một trong những khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; Thung lũng Mai Châu bình yên với sắc màu của cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; Cao nguyên Mộc Châu rộng lớn và tươi đẹp với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào… Vẻ đẹp của núi rừng và văn hóa Tây Bắc luôn hấp dẫn đối với du khách gần xa.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Xơ Đăng, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm…
Tại Hội thảo, các đồng chí: Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Hoàng Gia Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang; Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu đã chủ trì Hội thảo.
Với chủ đề “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch”, các cơ quan quản lý các cấp về du lịch, chính quyền địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch đã thảo luận, cho ý kiến, đề xuất các giải pháp giúp các tỉnh trong phát triển du lịch nói chung và phát huy giá trị di sản ruộng bậc thang nói riêng tập trung các nội dung: Xác định tiềm năng lợi thế đặc thù của vùng trong xây dựng sản phẩm du lịch liên kết các tỉnh vùng Tây Bắc; đánh giá hiệu quả, tính khả thi, định hướng khai thác sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc; đề xuất các giải pháp khai thác, giảm thiểu tính thời vụ đối với sản phẩm đặc thù về ruộng bậc thang; các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch hỗ trợ, các cơ sở dịch vụ; nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực; giải pháp về truyền thông, thu hút đầu tư, liên kết khai thác sản phẩm...
Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ công bố, kích hoạt 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng đó là: Sản phẩm 1 “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc”; sản phẩm 2 “Hùng vĩ Tây Bắc”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Hoàng Gia Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh Hội thảo được tổ chức đã đạt được mục tiêu đề ra, qua đó đã xác định được tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Bắc mở rộng và đề xuất được nhiều giải pháp hay... Với vai trò là đơn vị chủ trì, đồng chí cũng đề nghị UBND các tỉnh thành viên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh cần nghiên cứu, tiếp thu và có giải pháp đồng bộ để phát triển 2 sản phẩm liên kết vùng; các cơ quan quản lý các cấp về du lịch, chính quyền địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch quan tâm đẩy mạnh hợp tác, phát triển du lịch, tích cực triển khai thực hiện các giải pháp được đề xuất vì mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có trọng tâm, trọng điểm và bền vững.