A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên chất vất và trả lời chất vấn: Thẳng thắn, trách nhiệm, “trúng” các vấn đề cử tri quan tâm

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (10/12), tiếp tục chương trình làm việc trong ngày làm việc thứ ba tại Kỳ họp thứ năm, HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn một cách thẳng thắn, trách nhiệm, “trúng” các vấn đề cử tri quan tâm. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu lược ghi thông tin tới bạn đọc.

Đại biểu Lường Văn Quý - Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn.

Đại biểu Lường Văn Quý - Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn: Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021, toàn tỉnh hoàn thành 4 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới nhưng đến nay theo Báo cáo số 410/BC-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh xác định 3 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới theo kế hoạch, đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết nguyên nhân, những giải pháp trong thời gian tới?

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời: Theo Kế hoạch năm 2021, tỉnh đặt ra 2 chỉ tiêu: (1) nâng cao tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/ xã; (2) 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: xã Pha Mu huyện Than Uyên, xã Sùng Phài thành phố Lai Châu, xã Can Hồ huyện Mường Tè, xã Khun Há huyện Tam Đường.

Về kết quả thực hiện, sau khi kết thúc tháng 12, các xã, các huyện sẽ có điều tra cụ thể và báo cáo chính thức về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả tổng hợp hiện nay trên cơ sở các xã, huyện, ngành điều tra và dự ước vào thời điểm ngày 30/11/2021 như sau: Toàn tỉnh đạt bình quân 15,9 tiêu chí/xã, tăng 0,6 tiêu chí/xã so với năm 2020, đạt kế hoạch đề ra. Cơ bản tăng ở những tiêu chí: Văn hoá, giáo dục, hạ tầng,…  Có 1/4 xã đã được công nhận đạt chuẩn: Xã Khun Há, huyện Tam Đường: Cuối năm 2020 xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đầu năm 2021, xã, huyện Tam Đường hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận. Còn 3/4 xã còn lại: Hiện nay, 3 xã cùng với Ban chỉ đạo cấp huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh trong tháng 12. Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định tỉnh sẽ kiểm tra, thẩm định và trình UBND tỉnh công nhận trong quý I năm 2022.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, UBND tỉnh đề xuất chưa công nhận 3 xã còn lại theo Kế hoạch năm 2021 vì những nguyên nhân chủ yếu sau: Bộ tiêu chí về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 chưa được Trung ương ban hành nên năm 2021 Trung ương chưa bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh hưởng của dịch Covid bùng phát lần thứ 4, toàn tỉnh có trên 25.000 người đi lao động ngoài tỉnh bị thiếu việc làm, không có thu nhập phải quay về địa bàn. Sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giá cả thấp, tiêu thụ khó khăn. Theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, thu nhập hộ nghèo khu vực nông thôn từ năm 2022 nâng từ mức dưới 700.000 đồng/người/tháng lên mức dưới 1.500.000 đồng/người/tháng, như vậy khi công nhận 3 xã đạt chuẩn vào quý I năm 2022 thì tỷ lệ hộ nghèo của các xã áp theo chuẩn mới đã có khoảng cách quá xa so với tiêu chí xã đạt chuẩn hộ nghèo (dưới 12%). Như xã Pha Mu huyện Than Uyên: Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ là 10,82%, theo tiêu chí mới là 27,32%; xã Can Hồ huyện Mường Tè, theo tiêu chí cũ là 6,53%, theo tiêu chí mới là 56,62%; xã Sùng Phài thành phố Lai Châu, theo tiêu chí cũ là 9,51%, theo tiêu chí mới là 17,21%. 

Cùng với đó, khi công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã này phải ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, các chính sách cho thực hiện các chương trình mục tiêu như các chế độ cho học sinh, bảo hiểm y tế… sẽ rất khó khăn. Các nguyên nhân chủ yếu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, tính bền vững về kết quả xây dựng nông thôn mới của các xã theo Kế hoạch năm 2021.

Vì vậy, đề xuất của UBND tỉnh, trong những năm đầu tiên chúng ta chưa nên công nhận các xã đạt chuẩn ngay mà tập trung nâng cao các tiêu chí, có giao chỉ tiêu nâng cao tiêu chí bình quân, định hướng cho các xã phải đạt chuẩn và dự kiến cuối kỳ vào năm 2024, 2025, chúng ta sẽ xem xét để đánh giá các xã đạt chuẩn theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Từ những lý do trên, về những giải pháp của UBND tỉnh trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Xin kiến nghị và đề xuất sẽ tham mưu cho Ban Chấp hành Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết lãnh đạo về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Bởi Nghị quyết của Tỉnh ủy là rất quan trọng. Hiện nay, dân cư khu vực nông thôn chiếm khoảng 82%, không gian nông nghiệp nông thôn rộng, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên toàn tỉnh và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chính vì vậy cần có Nghị quyết của Tỉnh ủy để thống nhất trong toàn bộ hệ thống chính trị trong xã hội về nhận thức, hành động, vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng nông thôn mới, với vai trò chủ thể là người dân. Nếu nông thôn mới mà đạt được mục tiêu thì tất cả 19 tiêu chí đều thể hiện vai trò, trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành. Như vậy, mỗi một cá nhân người đứng đầu trong các cấp, các ngành, các tổ chức đều phải thấy vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới. Và như vậy xây dựng nông thôn mới mới thành công. Nếu chúng ta chưa nhận thức đầy đủ mà đặt câu hỏi rằng xây dựng nông thôn mới thuộc trách nhiệm của ai, cấp nào thì xây dựng nông thôn mới sẽ rất khó thực hiện.

Cùng với đó là triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, đề án thực hiện Chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó tập trung vào phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, phát triển rừng bền vững. Triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia lồng ghép với các nguồn lực khác, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Rà soát, lập quy hoạch cấp xã để xác định rõ nội dung và định hướng phát triển, các tiêu chí tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, chất lượng giáo dục, y tế, văn hoá, môi trường,... tuyên truyền, vận động, nâng cao vai trò chủ thể của Nhân dân trong thực hiện dân chủ cơ sở, phát triển kinh tế, xã hội; giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.

Tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết tổ chức sản xuất, tăng giá trị sản xuất trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo Quyết định 1719/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 có những chỉ tiêu rất cao như thu nhập tăng trên 2 lần so với năm 2020, 50% số xã nông thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn… Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đây là Hội nghị chuyên đề về nông nghiệp đầu tiên trên toàn quốc. Tại Kỳ họp này, UBND tỉnh trình tại Kỳ Họp Nghị quyết phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025. Nếu được đại biểu HĐND tỉnh đồng ý thông qua thì sẽ tạo thuận lợi cho khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động thủ công của người nông dân, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Đồng chí cũng bày tỏ mong muốn đại biểu HĐND tỉnh ủng hộ, giúp đỡ, giám sát các chính sách thực hiện nghị quyết; tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia liên kết, hình thành các vùng nguyên liệu, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và tự làm chủ trong phương án sản xuất, kinh doanh của mình theo các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đề án, nghị quyết chuyên đề đã ban hành định hướng về các ngành hàng và sản phẩm chủ lực của tỉnh.

 Đại biểu Phạm Hải Đăng - Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn.

Đại biểu Phạm Hải Đăng - Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ: Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh? Trách nhiệm của đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong công tác tham mưu, chỉ đạo lập hồ sơ đưa người vào cai nghiện ma túy bắt buộc thời gian qua.

Đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công tác cai nghiện ma túy, trong thời gian qua, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2015/ QĐ-UBND ngày 14/8/2015 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh để cụ thể hóa Nghị định số 221/ NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ. Căn cứ Nghị định và Quy chế phối hợp lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (theo Điều 9, Quyết định 17/2015/ QĐ-UBND của UBND tỉnh) các địa phương đã tổ chức việc lập hồ sơ đưa người cai nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo quy định.

Sau khi Luật Phòng chống ma túy năm 2021 sẽ có hiệu lực từ 01/01/2022, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND, ngày 29/7/2021 bãi bỏ Quyết định 17/2015/ QĐ-UBND ngày 14/8/2015 ban hành Quy chế phối hợp lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác lập hồ sơ đưa người cai nghiên ma túy đi cai nghiện bắt buộc theo Luật Phòng chống ma túy.

Đồng chí Đèo Văn Thương - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời chất vấn.

Trong quá trình tổ chức thực hiện việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc có vướng mắc về giấy chứng nhận cho đội ngũ y, bác sỹ của trung tâm y tế các huyện đủ điều kiện để xác định tình trạng nghiện, Sở đã phối hợp với Sở Y tế tiến hành rà soát và tổ chức tập huấn cho 156 y, bác sỹ của trung tâm y tế các huyện, đến nay đã được cấp chứng chỉ, do đó đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.

Về giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh, đồng chí Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Hiện nay, quy mô đối tượng đang chấp hành cai nghiện tại Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh là 140 người, trong đó: năm 2021, tiếp nhận mới 128/120 chỉ tiêu, đạt 106% kế hoạch đề ra.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều trị cai nghiện ma túy tại Trung tâm Điều trị cai nghiện bắt buộc tỉnh cần tập trung vào các giải pháp như sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cai nghiện ma túy, tập trung tuyên truyền sâu rộng Luật Phòng chống ma túy, Luật HIV/AISD, nội quy, quy chế của đơn vị… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các học viên khi chấp hành cai nghiện tại Trung tâm. Thực hiện đúng Hướng dẫn tại Thông tư số 41/TTLT-BYT-BLĐTBXH, ngày 31/12/2010 của liên Bộ Y tế, Lao động-TBXH về quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện, trong đó tập trung thực hiện tốt giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để giải quyết việc làm, tạo việc làm tại chỗ cho người đang chấp hành cai nghiện tại Trung tâm; đồng thời tích cực tăng gia, sản xuất để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe cho đối tượng,

Cùng với đó, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng, kịp thời tư vấn, giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ mặc cảm, tự ti trong cuộc sống; đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ cho các đối tượng. Phân công rõ trách nhiệm trực ca kíp của viên chức, thành lập các tổ tự quản, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm quy chế của đơn vị, biểu dương khen thưởng kịp thời, cho tái hòa nhập cộng đồng sớm đối với những người chấp hành tốt. Tăng cường 1 bác sỹ để thực hiện tốt quy trình khám chữa bệnh theo quy định (hiện Trung tâm chưa có bác sỹ, chỉ có y sỹ, y tá). Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bổ sung nhân lực để phục vụ công tác cai nghiện, đáp ứng quy mô ngày càng tăng trong thời gian tới.

Đại biểu Đào Xuân Huyên - Tổ đại biểu huyện Phong Thổ chất vấn.

Đại biểu Đào Xuân Huyên - Tổ đại biểu huyện Phong Thổ: Tỉnh Lai Châu với hơn 110 năm hình thành, xây dựng và phát triển có nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng, độc đáo, giàu bàn sắc của 20 dân tộc: Lễ hội, trang phục, nghề thủ công, kiến trúc nhà ở, ẩm thực, tri thức, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán... là tiềm năng, lợi thế lớn cho phát triển du lịch văn hóa.

Đề nghị đồng chí Lương Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Tại sao tỉnh Lai Châu có ít di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thê thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chí cho biết trách nhiệm của Sở và giải pháp trong thời gian tới để tham mưu cho tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Đồng chí Lương Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lương Chiến Công trả lời:

Về nội dung hỏi: Tại sao tỉnh Lai Châu có ít di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật quốc gia?

Đồng chí Lương Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Theo quy định tại Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Thông tư 04) quy định tiêu chí lựa chọn di sản văn hóa phi vật thể để lập hồ sơ khoa học “Di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải có đủ các tiêu chí sau đây: (1) Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; (2) Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; (3) Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; (4) Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.”.

Trong những năm qua, căn cứ quy định tại Thông tư 04, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc cư trú thành cộng đồng trên địa bàn tỉnh và lựa chọn đề xuất xây dựng 6 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm:

Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông; Trò chơi Kéo co trong nghi lễ người Thái; Lễ Tủ Cải của người Dao Tuyển; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Lự; Trường ca Xa Nhà Ca dân tộc Hà Nhì huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 2 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật Xòe Thái và thực hành Then của người Thái trong hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (trong đó di sản Then đã được UNESCO ghi danh năm 2019 và Nghệ thuật Xòe Thái đã trình UNESCO, dự kiến Hội đồng UNESCO họp xét từ ngày 13 - 18/12/2021 tại Pháp).

Mặt khác, các di sản văn hóa phi vật thể thuộc đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm nhiều các loại hình, vì vậy trong quá trình lựa chọn đề xuất xây dựng hồ sơ khoa học cần lựa chọn di sản tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí theo quy định.

Đồng chí Lương Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn.

Về nội dung hỏi: Với cương vị là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chí cho biết trách nhiệm của Sở và giải pháp trong thời gian tới để tham mưu cho tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Lương Chiến Công - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030; Quyết định 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”; Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 gắn với việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.


Tác giả: Ngọc Sánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.814
Hôm qua : 2.820
Tháng 10 : 112.690
Năm 2024 : 2.092.607
Tổng số : 83.558.700