A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (28/9), Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị Sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến với điểm cầu 26 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa trở ra.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Theo đó, Bão số 3 (tên quốc tế Yagi) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với các đặc điểm chưa có tiền lệ. Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó nên đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão lũ.

Tuy nhiên, do bị tác động dồn dập trong thời đoạn rất ngắn của các loại hình thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại nặng nề, đặc biệt là thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét. Về người: 344 người chết, mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 112.034 nhà bị ngập; 284.472 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 61.114 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188 ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982 ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Đã có 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại; đã xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh/thành phố. 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc và nhiều tuyến đường nội tỉnh bị sạt lở với tổng khối lượng đất đá lớn… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia (350 tỷ đồng và 432,585 tấn gạo) để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. 

Kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình có người bị nạn theo chế độ, chính sách hiện hành; tổ chức tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; bố trí chỗ ở tạm cho hộ bị mất nhà ở. Nhiều đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ với tổng kinh phí 432,980 tỷ đồng (bằng hiện vật tương đương 137,004 tỷ đồng; bằng tiền mặt 297,906 tỷ đồng) giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở; trong đó chiều ngày 21/9 tỉnh Lào Cai đã bàn giao 25 căn nhà tạm cư mới cho các hộ dân bị mất nhà và khởi công xây dựng, tái thiết khu dân cư Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên và triển khai thực hiện 4 dự án bố trí dân cư tập trung cho 299 hộ dự kiến hoàn thành trước 31/12/2024; Quảng Ninh ban hành Nghị quyết hỗ trợ 100 triệu đồng/hộ có nhà bị sập, đổ, trôi, hư hỏng nặng, 50 triệu đồng/hộ có nhà hư hỏng nặng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các văn bản chỉ đạo khôi phục sản xuất các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, thủy lợi và phòng chống thiên tai); chỉ đạo, hướng dẫn, khảo sát thực địa, hỗ trợ các địa phương ổn định dân cư, tái định cư cho Nhân dân vùng bị thiệt hại sau bão. Đến ngày 21/9, đã khắc phục, sửa chữa xong toàn bộ 9.235 trạm BTS bị sự cố, dịch vụ thông tin liên lạc của khách hàng đã được khôi phục. Đến ngày 25/9 cơ bản đã hoàn thành khắc phục sự cố về hệ thống điện và cấp điện trở lại cho 99,7% khách hàng. Đến ngày 22/9, các tuyến quốc lộ đã thông tuyến…

Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; khắc phục cơ sở y tế để duy trì công tác tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho người bệnh; hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập, vệ sinh trường lớp và bố trí địa điểm cho học sinh đi học trở lại. Đã kịp thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện xử lý giờ đầu 796 sự cố trên các tuyến đê, đảm bảo an toàn.

Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 25/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền là 1.764,0 tỷ đồng (đã phân bổ 1.035 tỷ đồng/26 tỉnh, thành phố); Ban Vận động cứu trợ cấp tỉnh, thành phố của 26 địa phương đã tiếp nhận 1.654,3 tỷ đồng. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đã quyên góp kinh phí, hiện vật để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ lụt.

Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, tỉnh Lai Châu có 01 người chết (lúc 19h00 ngày 09/9/2024) do sạt lở taluy dương vùi lấp vào nhà; 36 nhà ở bị ảnh hưởng do sụt lún, sạt lở đất (trong đó 17 nhà ở bị ảnh hưởng trực tiếp, 19 nhà ở vùng có nguy cơ sụt lún, phải sơ tán); 34ha lúa và một số diện tích hoa màu, ao cá bị ảnh hưởng; sạt lở đường giao thông… tổng thiệt hại khoảng 6,3 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ta, Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị bám, nắm tình hình, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ giúp đỡ các hộ gia đình bị thiệt hại sửa chữa lại nhà cửa, huy động Nhân dân dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, khôi phục sản xuất; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nạn nhân…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tham gia ủng hộ được trên 7,5 tỷ đồng (tính đến 16h ngày 25/9); tổng số tiền Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh là trên 28 tỷ đồng. Ban Vận động cứu trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ 1.500 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh Lai Châu đến các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, mỗi tỉnh 500 triệu đồng.

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương đã chia sẻ một số kinh nghiệm và giải pháp ứng phó, tăng cường công tác dự báo của các cơ quan chức năng trong dự báo, ứng phó kịp thời với mưa lớn, bão, lụt…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong cơn bão số 3 vừa qua. Để sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất sau bão lũ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ 06 nhóm giải pháp tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ. Trong đó, rà soát khắc phục đảm bảo an toàn cung cấp điện, thông tin liên lạc viễn thông, hoàn thiện các thể chế để hỗ trợ khắc phục bão lũ; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những hộ dân bị mất nhà cửa do bão lũ theo tiêu chí 3 cứng, hoàn thành trước 31/12/2024. Các cơ sở giáo dục, y tế tiếp tục khắc phục, sửa chữa, xây dựng, để sớm đảm bảo hoạt động ổn định trong tháng 10/2024. Rà soát các chính sách cho các đối tượng bị tác động bởi thiên tai bão lũ; tiếp tục rà soát đánh giá, đề xuất đối với các dự án phòng, chống thiên tai theo quy định…


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 544
Hôm qua : 4.288
Tháng 09 : 167.595
Năm 2024 : 1.973.640
Tổng số : 83.439.733