Tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng nay (30/12), Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm Tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối tới 53 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các đơn vị có liên quan…
Ngay từ đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả để triển khai đồng bộ các Luật, Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, nhất là chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Mức sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được cải thiện, góp phần củng cố và nâng cao lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi khá cao, trong đó các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8,0%/năm, Tây Nguyên tăng bình quân 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng bình quân 7,0%/năm. Đến nay, 98,4% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa, bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân; nhiều tỉnh có tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm trên 3%, vượt mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Phát huy kết quả đạt được năm 2025, Ủy ban Dân tộc tiếp tục đề ra 13 nhiệm vụ trọng tâm, 7 giải pháp nhằm triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào làm rõ một số kết quả đạt được, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Ủy ban Dân tộc và các địa phương thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Phát huy vai trò của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của công chức trong thực thi công vụ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Dân tộc với phương châm sâu sát, quyết liệt. Bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để chủ động xây dựng các chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả hơn sau sáp nhập, sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm công tác giải ngân nguồn vốn các chính sách dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo đúng quy định. Coi công tác dân tộc là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị trong chăm lo đời sống cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân tự ý thức vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc. Tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng văn bản, chính sách, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc…