Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
![]() Một buổi tuyên truyền về giới, bình đẳng giới tại xã Lùng Thàng huyện Sìn Hồ (Ảnh Tường Lam) |
Từ năm 2007 đến nay, nhận thức về vấn đề giới và bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội quan tâm. Vị trí vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được cải thiện, các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại nhân phẩm người phụ nữ có xu hướng giảm; các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình từng bước được xóa bỏ. Công tác cán bộ nữ được các cấp chính quyền quan tâm, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND lãnh đạo cơ quan đơn vị được nâng lên qua các năm, nhiệm kỳ. Đặc biệt, phụ nữ ở nông thôn được quan tâm tạo điều kiện về vay vốn, tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo; đời sống vật chất, sức khỏe của phụ nữ được nâng lên…đã tạo điều kiện thuận lợi để chị em phụ nữ phát huy vai trò và năng lực của mình trong sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng đạt 60%.
Bà Lương Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh - Cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh khẳng định: Đến nay hầu hết các chỉ số phát triển giới đã được các cấp, các ngành đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh, huyện. Nhờ đó, không chỉ nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc mà còn là cơ sở để nâng cao chất lượng đời sống xã hội. Đặc biệt là, trong tất cả các lĩnh vực, tạo điều kiện để giới nữ khẳng định vị trí, vai trò trong xây dựng, hoạch định các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế, xã hội, đóng góp công sức của mình trong xây dựng quê hương Lai Châu...
Các cấp, các ngành địa phương đã có nhiều giải pháp triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống, bình đẳng giới trong các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thông tin và bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình. Trong đó, nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị, các sở, ban ngành và địa phương trong tỉnh tích cực lồng ghép bình đẳng giới vào các hoạt động cụ thể của đơn vị, địa phương như quan tâm xem xét, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo quản lý, thủ trưởng, phó thủ trưởng đơn vị và cán bộ cấp phòng; đồng thời quan tâm đào tạo bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, công chức có phẩm chất và năng lực; thực hiện tốt chế độ chính sách đối với cán bộ nữ… Đến nay, tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh là 14% đối với cấp tỉnh, cấp huyện là gần 20%; tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XIV là 16.7%.
Đặc biệt, Ngành Y tế đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới, chú trọng quan tâm đến chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhằm từng bước cải thiện tình trạng sức khỏe của phụ nữ và trẻ em; mạng lưới khám chữa bệnh được đầu tư đến tận cơ sở. Đồng thời, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa cho nữ giới, vận động chị em khám thai định kỳ, tiêm vắc xin đầy đủ, tích cực tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Qua đó, tỷ lệ giới tính khi sinh 109,4 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ suất tử vong mẹ liên quan đến thai sản giảm xuống còn 56,7/100.000 trẻ đẻ còn sống…
Cùng với việc thực hiện các chính sách, tuyên truyền các chính sách pháp luật về bình đẳng giới, thời gian qua các cấp, các ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực thành lập các câu lạc bộ: Văn hóa văn nghệ, “Gia đình 5 không 3 sạch”, gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình…Qua đó làm thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ, vai trò và địa vị của phụ nữ ngày càng được khẳng định, góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Đến hết năm 2016, 40% số nạn nhân của bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 70% số người gây bạo lực gia đình được phát hiện tư vấn tại cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế như do chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tư tưởng, hủ tục lạc hậu tồn tại suốt hàng nghìn năm phong kiến, đến nay, định kiến giới vẫn là rào cản lớn nhất cho việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường vẫn còn gây áp lực nặng nề cho không ít phụ nữ trong xã hội. Chính sự bảo thủ trong định kiến giới đã làm cản trở cơ hội học hành của các em gái, hạn chế khả năng cống hiến của người phụ nữ trong các hoạt động xã hội. Mặt khác, việc tuyên truyền về bình đẳng giới cho phụ nữ còn nhiều hạn chế nhất là đối với phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ nghèo…
Ðể dần xóa bỏ bất bình đẳng giới trong gia đình, điều thiết yếu quan trọng là cần phải nâng cao chất lượng giáo dục, tuyên truyền sâu rộng về bình đẳng giới không chỉ với phụ nữ mà còn với nam giới. Công tác giáo dục về giới cần phải được tăng cường đẩy mạnh trong mọi hoạt động của xã hội. Các hoạt động tuyên truyền phải được thể hiện bằng nhiều hình thức cho phù hợp dễ hiểu với từng loại đối tượng nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu việc tuyên truyền, giáo dục được thực hiện tốt sẽ làm thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử gia đình giữa phụ nữ - nam giới, giữa bố mẹ - con cái. Từ đó dần xóa bỏ định kiến và khoảng cách giới; cải thiện các dịch vụ xã hội nhằm giảm gánh nặng cho phụ nữ và thúc đẩy việc thực hiện các chính sách, sự tiếp cận của phụ nữ với các cơ hội phát triển…
Nguyễn Nga