Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm
Sáng nay (7/5), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm. Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị.
.jpg)
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Bộ Y tế đến điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Nguyễn Thế Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo phòng, đơn vị thuộc Sở Y tế: Thanh tra; Nghiệp vụ Y; Nghiệp vụ Dược, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phổi; Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Hàng năm Bộ Y tế đã xây dựng các kế hoạch triển khai; tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Trong đó năm 2024, Cục Quản lý dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã triển khai 80 đoàn kiểm tra sản xuất thuốc. Thanh tra Bộ Y tế cũng tiến hành 50 đoàn thanh tra về lĩnh vực dược, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền, ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.
Hàng năm, 3 viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương và 62 trung tâm đơn vị kiểm nghiệm thuốc tuyến tỉnh, thành phố tiến hành lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc, kiểm nghiệm xác định chất lượng thuốc của gần 40.000 mẫu thuốc nhập khẩu, lưu thông trên thị trường. Kết quả, phát hiện nhiều mẫu thuốc không đạt chất lượng. Riêng trong năm 2024, hệ thống kiểm nghiệm đã tiến hành lấy mẫu trên 43.000 mẫu thuốc, phát hiện 228 mẫu thuốc không đạt chất lượng, 23 mẫu nghi ngờ là thuốc dược liệu giả… Nhờ các giải pháp kịp thời, tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm.
.jpg)
Trong khi đó, tình trạng sản xuất, buôn bán sữa giả, thực phẩm chức năng giả gần đây cũng diễn ra, có xu hướng gia tăng. Một số vụ phát hiện có số lượng lớn, sản phẩm sản xuất ra tinh vi, khó phát hiện tập trung vào thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm sữa, bột gia vị, dầu ăn...
Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả đảm bảo sự an toàn và quyền lợi cho người dân. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế siết chặt quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý, phòng chống thuốc giả, sữa giả, thực phẩm chức năng giả của các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương; phối hợp các đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng mức xử phạt, xử lý; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao kiến thức cho người dân về phòng chống thuốc giả, thực phẩm chức năng giả; khuyến khích người dân thông báo cho cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng giả…
.png)
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan thuộc Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tuyên truyền, vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm từ đó nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, mua và sử dụng các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng. Vận động doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng. Đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, trên tinh thần “Lấy người dân là trung tâm” và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...