A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

LAI CHÂU 115 NĂM - NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ

(laichau.gov.vn)

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lai Châu - đánh dấu danh xưng Lai Châu là đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trải qua 115 năm, nhất là sau khi có tổ chức đảng ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã một lòng đi theo Đảng, góp sức chung cùng cả nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.

Quang cảnh thành phố Lai Châu ngày nay

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi con Sông Đà chảy vào đất Việt; vùng đất có lịch sử hình thành từ lâu đời cùng quá trình định cư của 20 dân tộc với bản sắc văn hóa đặc trưng và giàu truyền thống yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm bất khuất, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia được khẳng định qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, minh chứng bằng Bia vua Lê Thái Tổ (1431) - Bảo vật Quốc gia, là lời khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm, nhắc nhở đời sau về nơi “phên dậu” trọng yếu, hùng vĩ miền Tây Bắc của Tổ quốc.

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương Klobukowski ra Nghị định số 1532 về thành lập tỉnh Lai Châu - Đây là dấu mốc lịch sử quan trọng đánh dấu danh xưng Lai Châu gắn với đơn vị hành chính cấp tỉnh. Thời Pháp thuộc, không cam chịu áp bức, bóc lột, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã hăng hái tham gia chống Pháp, nhiều cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh châu, mường lãnh đạo nổ ra được Nhân dân ủng hộ như Lường Sám, Giàng Tả Chay,…

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Lai Châu là địa bàn đầu tiên của Miền Bắc bị thực dân Pháp trở lại xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc Lai Châu đã vùng lên chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Việc thành lập Mặt trận Tây Bắc và hoạt động của bộ đội Tây Tiến, các đội vũ trang tuyên truyền, phong trào cách mạng ở Lai Châu phát triển nhanh chóng. Trước tình hình đó, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu ủy 10 đã ra Nghị quyết số 34 về thành lập Ban cán sự Lai Châu - Tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. Đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lai Châu.

Ngày 12/12/1953, thị trấn Lai Châu được giải phóng, ngay trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ Lai Châu, bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng đầy tình cảm không chỉ là những lời thăm hỏi ân cần, tình thương yêu rất mực chân thành, sự cảm thông chia sẻ, khích lệ động viên mà còn là lời căn dặn ân tình của Người với những việc làm, những yêu cầu rất cụ thể, trong thư Bác dặn: “Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau. Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự. Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no. Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…Cán bộ thì phải thật sự gần gũi giúp đỡ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết”.

Thư của Bác đã động viên, cổ vũ quân và dân các dân tộc Lai Châu tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, khích lệ Nhân dân hăng hái tích cực tham gia kháng chiến trực tiếp cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; góp phần cùng quân và dân cả nước giành thắng lợi lịch sử mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đất nước thống nhất, Lai Châu cùng cả nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới, tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngày 01/01/2004, tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập và đi vào hoạt động (theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc Hội khóa XI) đã tạo điều kiện mới để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội. Những ngày đầu chia tách, đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo nhất cả nước; kinh tế - xã hội kém phát triển, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp… Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ “phấn đấu đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đến 2010 đã cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Từ 2010 đến nay, qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh với mục tiêu “đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển” và “trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc” Lai Châu tiếp mạnh công cuộc đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển cây công nghiệp có giá trị như cao su, chè, mắc ca, cây dược liệu, sâm Lai Châu; phát triển kinh tế rừng bền vững; đẩy nhanh phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, khai thác khoáng sản; phát du lịch, triển kinh tế biên mậu. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ ở cơ sở, cán bộ người dân tộc thiểu số có năng lực, trình độ, có khát vọng vươn lên …đã tạo bước chuyển biến rõ nét về kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc.

Sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã giành được những thành tựu to lớn. Từ một tỉnh mới chia tách, kinh tế - xã hội trong tình trạng đặc biệt khó khăn, đến nay kinh tế - xã hội phát triển khá; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm ước đạt 9,69%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần (từ 2,2 triệu đồng lên trên 47 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt gấp trên 70 lần (từ 31 tỷ đồng lên trên 2.200 tỷ đồng). Văn hóa được quan tâm phát triển gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống tốt đẹp các dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện; quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới Quốc gia được bảo đảm vững chắc.

Lịch sử 115 xây dựng và phát triển tỉnh, nhất là từ khi có Đảng lãnh đạo đã cho chúng ta những bài học quý báu về sự đoàn kết, thống nhất các dân tộc, đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân; bài học về tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và phát huy sức mạnh nội lực của tỉnh, ý chí tự lực, tự cường của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bài học về phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng ở các cấp, nhất là ở cơ sở, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên….

Kỷ niệm 115 năm Ngày thành lập tỉnh (28/6/1909 - 28/6/2024) là dịp để chúng ta ôn lại những truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh Lai Châu. Những kinh nghiệm quý báu, thành tựu vững chắc của 75 năm Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh sẽ tiếp thêm sức mạnh mới, khí thế mới để tỉnh Lai Châu sớm đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội đạt mức trung bình của cả nước./.

 Lê Đức Dục - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Cập nhật ngày 26/6/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.675
Hôm qua : 8.063
Tháng 06 : 199.041
Năm 2024 : 1.283.372
Tổng số : 82.749.465