• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Sở Nông nghiệp và Môi trường Lai Châu

Truyền thông Nghị quyết quy định mức hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu

(laichau.gov.vn)

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lai Châu rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của Nhân dân và các tổ chức để dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu” được hoàn thiện, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH CHÍNH SÁCH

Lai Châu là tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, cùng với phương thức chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Việc hàng năm tỉnh vẫn phải nhập phần lớn con giống động vật, sản phẩm động vật từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước để đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi thủy sản và thực phẩm tại chỗ cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn cả nước và tại tỉnh Lai Châu đã xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm ở động vật (Cúm gia cầm, Dại, Nhiệt thán, Lở mồm long móng, Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục, Tai xanh...) và các dịch bệnh thủy sản (bệnh do vi khuẩn Edwardsuella ictaluri, Streptococus; bệnh do vi rút TiLV, KHV) gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái.

Thực tiễn tình hình dịch bệnh động vật tại tỉnh Lai Châu từ năm 2019 đến nay đã gây ra những thiệt hại đáng kể như: Bệnh Dại làm 09 người tử vong, 5.984 người phơi nhiễm (chi phí điều trị trên 1,6 tỷ đồng), tiêu hủy 144 con chó; Bệnh Liên cầu khuẩn lợn làm 03 trường hợp mắc bệnh, 01 người tử vong. Bệnh Nhiệt thán: 03 người mắc bệnh, tiêu hủy 18 con trâu, bò (thiệt hại khoảng 350 triệu đồng). Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Tiêu hủy trên 27.000 con lợn (thiệt hại trên 64.600 triệu đồng). Bệnh Viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu, bò: 114 con mắc bệnh, chết/tiêu hủy 7 con bò (kinh phí chống dịch khoảng 200 triệu đồng). Bệnh Lở mồm long móng (LMLM): 460 con gia súc mắc bệnh, tiêu hủy 66 con (tổn thất khoảng 150 triệu đồng). 

Tổng kinh phí hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật từ năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh là 86.298 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương và Trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ trước đây đã gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập: Các Quyết định số 719/QĐ-TTg, số 1442/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ áp dụng hỗ trợ cho một số bệnh (Cúm gia cầm, LMLM, Tai xanh) mà không bao gồm các bệnh mới xuất hiện như DTLCP, VDNC, Dại, Nhiệt thán. Mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch thấp hơn nhiều so với ngày công lao động phổ thông (100.000 đồng/người/ngày làm việc; 200.000 đồng/người/ngày nghỉ) nên khó huy động nguồn nhân lực tham gia triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch, đặc biệt là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP còn nhiều hạn chế về đối tượng hỗ trợ (chưa bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, lực lượng vũ trang); điều kiện hỗ trợ khó khả thi, mức hỗ trợ chưa phù hợp với chi phí sản xuất tăng cao; trình tự thủ tục rườm rà, thiếu chính sách hỗ trợ cho các dịch bệnh nguy hiểm mới.

Để khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2025/NĐ-CP nhằm quy định chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật và phân cấp cho địa phương quyết định mức hỗ trợ phù hợp với thực tế; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về phòng, chống dịch bệnh động vật; tạo hành lang pháp lý thông suốt, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, giảm thiểu tổn thất về kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, sức khỏe, tính mạng người dân và an toàn môi trường; Quy định rõ, công khai, minh bạch trình tự, thủ tục, mức, đối tượng hỗ trợ, thuận lợi cho người dân khi triển khai thực hiện và tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, căn cứ nội dung Nghị định số 116/2025/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu”.

Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu từ cộng đồng để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CHÍNH SÁCH

1. Mục đích của việc xây dựng chính sách

Nhằm cụ thể hóa các nội dung được giao theo thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 116/2025/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm: quy định mức hỗ trợ cụ thể đối với từng loại động vật, sản phẩm động vật; hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cho người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật.

Đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc người chăn nuôi không bán chạy gia súc ốm, nhanh chóng thực hiện tiêu hủy động vật mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; góp phần tích cực giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân và giữ gìn vệ sinh môi trường.

Giúp người dân giảm thiểu tổn thất về kinh tế, sớm quay lại sản xuất, hạn chế tình trạng bỏ trống chuồng trại, góp phần duy trì chuỗi cung ứng thực phẩm, không để đứt gãy sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Làm cơ sở để các địa phương, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chủ động trong việc điều hành, sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và khắc phục hậu quả do dịch bệnh động vật gây ra cho phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

2. Quan điểm xây dựng chính sách

Đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành có liên quan, tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng ngân sách, tình hình thực tế ở địa phương. Công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tránh trùng lặp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật; Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và sự tham gia của cộng đồng.

3. Đối tượng áp dụng

Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lai Châucó hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương  dưỡng giống thủy sản.

Người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 116/2025/NĐ-CP. 

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ khắcphục dịch bệnh động vật xảy ra trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

4. Dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Lai Châu, như sau:

Điều 2. Mức hỗ trợ đối với cơ sở sản xuất

1. Đối với cơ sở sản xuất động vật trên cạn:

a) Trâu, bò, ngựa, dê: 50.000 đồng/kg hơi;

b) Cừu, hươu sao: 55.000 đồng/kg hơi;

c) Lợn: 40.000 đồng/kg hơi;

d) Gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu: 35.000 đồng/kg hơi;

đ) Chim cút: 20.000 đồng/kg hơi;

e) Đà điểu: 50.000 đồng/kg hơi;

g) Trứng gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, bồ câu, chim cút, đà điểu): 20.000 đồng/kg.

2. Đối với cơ sở sản xuất động vật thủy sản:

a) Cá giống (cá truyền thống, cá rô phi, cá nước lạnh): 10.000 đồng/kg;

b) Diện tích nuôi cá truyền thống, các loài cá bản địa: 10.000.000 đồng/ha;

c) Diện tích nuôi cá rô phi thâm canh: 30.000.000 đồng/ha;

d) Cá nước lạnh (tầm, hồi) nuôi thâm canh: 20.000 đồng/kg;

e) Thủy sản nước ngọt nuôi lồng, bè: 5.000 đồng/kg;

Điều 3. Mức hỗ trợ đối với người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật

1. Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ: 400.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 500.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

2. Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được phân công, huy động tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật được hỗ trợ: 150.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc; 300.000 đồng/người/ngày đối với ngàynghỉ, ngày lễ, tết.

Điều 4. Mức hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm các doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân) có hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sảnkhi buộc phải tiêu hủy vật nuôi hoặc thủy sản do dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, được hỗ trợ theo mức quy định tại Điều 2 Nghị quyết này.

Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện được xác định như sau:

1. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bao gồm:

a) Ngân sách nhà nước, gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

b) Đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước, tổ chức quốc tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện chính sách theo quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này.

3. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí hỗ trợ đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 3 và Điều 4 và phần kinh phí tăng thêm so với quy định tại Điều 2 và khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này, ngân sách trung ương không hỗ trợ.

(Dự thảo Nghị quyết còn có các điều khoản về Trách nhiệm tổ chức thực hiện và Hiệu lực thi hành sẽ được trình bày đầy đủ trong văn bản chính thức).

Mọi ý kiến tham gia xin gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Địa chỉ: Tổ 8, phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu; Số điện thoại: 0213 3791168; email: chicuccntylaichau.gov.vn).


Tác giả: Thu Hoài BT
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.271
Hôm qua : 6.281
Tháng 07 : 164.471
Năm 2025 : 1.268.585
Tổng số : 85.225.518