Phổ biến Luật Dữ liệu, Luật Phòng, chống mua bán người
Chiều nay (31/3), UBND tỉnh Lai Châu, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Dữ liệu, Luật phòng, chống mua bán người.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối từ điểm cầu tỉnh đến điểm cầu cấp huyện, cấp xã với trên 4.000 đại biểu trong toàn tỉnh tham dự.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo và công chức, viên chức các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Mùa Thị Lan - Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh: Những Luật phổ biến tại Hội nghị là rất quan trọng, do vậy đề nghị lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu và các đại biểu cần tập trung nghiên cứu nắm chắc nội dung, phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực trao đổi với đồng chí báo cáo viên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại đơn vị, địa phương. Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, huyện. Các đồng chí báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã tiếp tục định hướng triển khai công tác tuyên truyền pháp luật, trong đó lồng ghép phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Dữ liệu và Luật phòng, chống mua bán người. Đồng thời, đẩy mạnh việc đổi mới phương thức tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng, địa bàn; đặc biệt chú trọng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet…

Tại Hội nghị, các đại biểu được phổ biến Luật Dữ liệu, Luật phòng, chống mua bán người. Theo đó, Luật Dữ liệu được Quốc hội khóa XV thông qua ngày ngày 30/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Dữ liệu gồm 05 chương, 46 điều. Luật này quy định về dữ liệu số; xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu số; Trung tâm dữ liệu quốc gia; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu số; quản lý Nhà nước về dữ liệu số; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu số.
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/11/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật Phòng, chống mua bán người gồm 08 chương, 63 điều. Luật Phòng, chống mua bán người quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Đây là 2 luật quan trọng đã thể chế hóa được quan điểm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong công tác phòng, chống mua bán người và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu. Đồng thời, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số.