A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ động, kịp thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong công tác phòng, chống thiên tai

(laichau.gov.vn)

Đó là phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện vào chiều nay (15/5).

Chủ trì Hội nghị có: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT); Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết nối với đầu cầu 689 quận, huyện.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu.

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Trần Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh; Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Dự Hội nghị còn có các điểm cầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước; toàn quốc đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 11 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 (8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới). Ngoài ra, còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 13 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông Cửu Long…; đã làm 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng sức khỏe, môi trường sống, đình trệ sản xuất, giảm thu nhập của Nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, nhất là khu vực Bắc Trung Bộ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kéo theo rất nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước tình hình đó, Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã lãnh, chỉ đạo quyết liệt; cùng với đó là việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc của Nhân dân; sự tham gia góp sức của nhiều tổ chức quốc tế nên công tác phòng chống thiên tai đã được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo đều có hướng dẫn, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại; Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 4.375 tỷ đồng, 2.880 tấn gạo, 1.057 tấn giống các loại, 350.000 liều vắc xin, 27.000 lít và 105 tấn hoá chất khử trùng phòng, chống dịch bệnh.

Công tác phòng chống thiên tai đã bám sát yêu cầu thực tiễn, đi vào chiều sâu, triển khai thực hiện hiệu quả, trong đó nổi bật là cơ quan phòng chống thiên tai các cấp được kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, phụ trách địa bàn; làm việc theo quy chế và sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ. Các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức các đoàn kiểm tra địa bàn được phân công. Hầu hết các trọng điểm xung yếu đều có kịch bản ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ”, nhất là trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản; quyết định điều chỉnh mùa vụ sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi 178.083 ha lúa sang cây hàng năm, cây lâu năm, lúa kết hợp nuôi thủy sản kịp thời, hiệu quả.

Trên cơ sở nhận định tình hình thiên tai, rút kinh nghiệm từ thực tế chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua, từ nay đến cuối năm 2020 các bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai; rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, nhất là các tình huống bão muộn trên biển Đông, đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng; sử dụng hiệu quả quỹ phòng chống thiên tai tại các địa phương trong các giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, trong đó cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo...

Tại Lai Châu, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 10 đợt mưa, mưa đá, gió lốc; gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Ước tổng giá trị thiệt hại do thiên tai xảy ra từ đầu năm đến ngày 15/5/2020 là trên 166 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh, huyện đã khẩn trương thành lập đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở phối kết hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả, tìm kiếm người mất tích, động viên, thăm hỏi gia đình có người chết. Đồng thời vận động Nhân dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại để sớm ổn định đời sống.

Tại Hội nghị, các đại biểu phát biểu ý kiến tập trung vào công tác vận hành hồ chứa thủy điện đảm bảo an toàn vùng hạ du; dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ công tác phòng chống thiên tai; kinh nghiệm ứng phó và khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất; công tác ứng phó với bão, lũ đảm bảo an toàn của đê điều; ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn; việc phục hồi, tái thiết phát triển kinh tế - xã hội sau thiên tai…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các cấp, các ngành, Nhân dân và các tổ chức quốc tế đã có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong công tác phòng chống thiên tai; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo công tác phòng chống thiên tai các cấp.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo, tổ chức xây dựng và củng cố lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cấp xã với nòng cốt là dân quân tự vệ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó thiên tai, sự cố, đặc biệt là ứng phó các tình huống thiên tai, sự cố lớn; bổ sung phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, địa phương; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương và Nhân dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xây dựng, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong mùa mưa bão; hướng dẫn chỉ đạo kiểm tra neo đậu, có giải pháp đảm bảo an toàn tàu vận tải, tàu hàng khi có bão, lũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, phương tiện và lực lượng sẵn sàng khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông luôn thông suốt khi có sự cố, thiên tai…       


Tác giả: Tuyết Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.167
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 137.280
Năm 2024 : 808.870
Tổng số : 82.274.963