Thông tin về tỉnh Lai Châu
![]() Hang động Pu Sam Cáp. |
I. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA TỈNH SAU 110 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, 70 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ VÀ 15 NĂM CHIA TÁCH, THÀNH LẬP
Lai Châu sau 15 chia tách, thành lập, từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, tổ chức bộ máy và cán bộ các cấp vừa thiếu, vừa yếu, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành Trung ương; Phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy các kết quả của các thế hệ lãnh đạo tỉnh. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2010, Lai Châu đã ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; năm 2015 Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển. Một số thành tựu nổi bật cụ thể như sau:
1. Về kinh tế
Kinh tế có sự tăng trưởng khá, quy mô kinh tế tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2004-2018 đạt 11,75%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (Năm 2004: Nông, lâm nghiệp 49,7%; Công nghiệp và xây dựng 22,7%; Dịch vụ 27,6%; Năm 2018: Nông, lâm nghiệp chiếm 15,63%; Công nghiệp, xây dựng 49,04%; Dịch vụ và thuế nhập khẩu 35,33%). GRDP bình quân đầu người đến nay đạt khoảng 34 triệu đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2004; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, năm 2018 đạt 2.247 tỷ đồng, gấp 62,4 lần so với năm 2004. Đã xây dựng và hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Chè 6.200 ha, cao su 13.000 ha, quế 5.500 ha, mắc ca 1.700 ha. Thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 14% năm 2004 lên 49,3%, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm tập trung chỉ đạo, đến nay toàn tỉnh có 29/96 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và cải thiện rõ rệt, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục,... Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có điện lưới quốc gia; trên 93,9% số hộ dân được sử dụng điện lưới Quốc gia, tăng 55 điểm% so với năm 2004. Đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình trọng điểm như: Thuỷ điện Lai Châu, Huổi Quảng và Bản Chát. Tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt gần 90%; 134 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 37,2%, tăng 33,81 điểm % so với năm 2004. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, y tế được quan tâm đầu. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt gần 90%; 134 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 37,2%, tăng 33,81 điểm % so với năm 2004. Đã xây dựng mới 02 Bệnh viện tuyến tỉnh, 09 Trung tâm chuyên khoa, chuyên ngành tuyến tỉnh; 05 trung tâm y tế huyện, 08 phòng khám đa khoa khu vực; 08 trung tâm dân số huyện; 94 trạm y tế xã. 100% số trạm y tế được xây dựng kiên cố, trong đó có 81 trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 75%.
Hoàn thành di chuyển dân TĐC các dự án thuỷ điện lớn đạt trên 9.000 hộ dân, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành phát điện sớm trước 03 năm nhà máy thuỷ điện Sơn La, 02 năm nhà máy thuỷ điện Lai Châu, làm lợi hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
3. Về văn hóa - xã hội
Các mặt văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển đồng bộ; chất lượng công tác giáo dục - đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân từng bước được nâng lên; các chính sách dân tộc - tôn giáo được quan tâm thực hiện tốt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Năm 2018 có 79,3 % hộ gia đình; 66,3% thôn, bản, khu phố; 94,2% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa; 81% số xã có hệ thống truyền thanh, 100% dân cư được xem truyền hình; 134 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,58%. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, đội ngũ cán bộ y tế được bổ sung tăng cường. Năm 2018 toàn tỉnh có 421 bác sỹ, đạt 9,23 bác sỹ/vạn dân tăng 6,67 bác sỹ/vạn dân so với năm 2004. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, xuống còn 25,4% năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 24,73%. Có hai huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
4. Về quốc phòng, an ninh
Quốc phòng - An ninh luôn được củng cố và giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt - Trung cơ bản ổn định tạo môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
II. GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐIỂM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
1. Khu du lịch Phiêng Tiên
Bản Nà Khương và khu Du lịch Phiêng Tiên, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, cách thị trấn Tam Đường khoảng 9km là điểm du lịch độc đáo của núi rừng Tây Bắc. Với hơn 60 hộ dân là đồng bào dân tộc Thái, bản Nà Khương có bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo. Không những vậy, thiên nhiên đã đem lại cho địa danh này một khung cảnh rất đẹp, có rừng, có núi, có những cánh đồng lúa xanh mướt và dòng suối Nậm Mu uốn lượn bao quanh. Từ tập quán canh tác lúa nước, bà con đã chế tạo ra những cọn nước ( hay còn gọi là guồng nước ) khổng lồ để lấy nước từ dưới suối lên phục vụ tưới tiêu. Cũng từ đây, hòa vào vẻ đẹp đơn sơ, giản dị của bản, những guồng nước đã được đầu tư, quy hoạch, trở thành điểm du lịch độc đáo mang tên Phiêng Tiên và thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
2. Cao nguyên Dào San
Dào San thuộc huyện Phong Thổ, nằm cách trung tâm thành phố Lai Châu chừng 60km về phía Bắc, là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc Mông, Dao, Thái, Hà Nhì,... Ấn tượng của du khách về Dào San là những cánh rừng xanh ngút ngàn, những đồi thảo quả trải dài đến vô tận, những con đường nhiều tầng xuyên qua mây trắng những dòng suối róc rách chảy, những thửa ruộng bậc thang leo lên đỉnh núi,... Không chỉ thế, khách du lịch còn có dịp trải nghiệm văn hóa vùng cao qua phiên chợ Dào San. Chợ được họp vào chủ nhật hàng tuần, đây cũng là phiên chợ mang đậm nét văn hóa chung của vùng cao Tây Bắc, nơi giao thoa những giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống Việt.
3. Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử
Đỉnh Bạch Mộc Lương Tử thuộc địa phận xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ. Với độ cao 3.045m so với mực nước biển, đỉnh Bạch Mộc Lương Tử là một trong 5 ngọn núi cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Chinh phục Bạch Mộc Lương Tử luôn là một thách thức nhưng cũng đầy hấp dẫn đối với các phượt thủ. Không phải là đỉnh núi cao nhất, nhưng Bạch Mộc Lương Tử được biết đến là đỉnh núi có cảnh quan đẹp nhất, và cung đường khám phá thú vị nhất.
4. Cao nguyên Sìn Hồ
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 60km, cao nguyên Sìn Hồ nằm trên độ cao hơn 1500m. Được xem như Sa Pa thứ hai của khu vực Tây Bắc, thời tiết trong ngày ở đây mang đặc điểm của 4 mùa trong năm, nhiệt độ trung bình năm khoảng 18 độ C. Với khí hậu quanh năm mát mẻ cao nguyên Sìn Hồ rất thích hợp cho các loại cây dược liệu như: tam thất, táo mèo, astiso, cây tắm lá thuốc,… cùng nhiều giống rau, hoa quả ôn đới đặc sắc như mận, đào, lê,… phát triển. Cao nguyên Sìn Hồ nằm giữa trập trùng núi đá, bạt ngàn rừng nguyên sinh, giữa biển mây mù, nơi đây với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng nằm thấp thoáng bên sườn núi,… Lên thăm cao nguyên Sìn Hồ du khách sẽ có dịp được ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được khám phá những phong tục tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt của bà con dân bản và đặc biệt là được thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị của núi rừng như thịt trâu quấn lá lốt, dê hấp, lợn bản, cá suối, thắng cố, xôi nếp nương,…
5. Đỉnh Pu Ta Leng
Nằm cách thành phố Lai Châu khoảng 20 km về phía Đông Bắc, Pu Ta Leng có độ cao 3049 m. Nếu Fansipan được ví là “nóc nhà của Đông Dương” thì Pu Ta Leng chính là nóc nhà thứ hai mà các bạn trẻ ham mê thách thức muốn chinh phục dù chỉ một lần. Hàng năm, từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là khoảng thời gian đẹp nhất mà du khách nên lựa chọn để chinh phục đỉnh Pu Ta Leng bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng các loại hoa rừng đặc biệt là hoa đỗ quyên nở rộ từ khắp sườn núi lên tới đỉnh. Chinh phục đỉnh Pu Ta Leng du khách sẽ phải vượt qua những khu rừng nguyên sinh, những thác nước, khe suối hay những thảm thực vật phong phú,… để rồi khi lên tới đỉnh sẽ thấy những ốc đảo ẩn hiển giữa đại dương mây trên độ cao 3.049m. Tầng tầng lớp lớp mây trắng giữa màu xanh dương của bầu trời và màu xanh lá của núi rừng nơi đây giống như một bức tranh tuyệt vời. Cùng với Pu Ta Leng, Lai Châu còn sở hữu thêm 5 đỉnh núi khác trong Top 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam. Theo thứ tự sẽ là Pu Si Lung (3.083m), Pu Ta Leng (3.049m), Bạch Mộc Lương Tử (3.045m), Khang Su Văn (3.012m), Tả Liên (2.993m), Bạch Mộc Lương (2.976m)
6. Quần Thể hang động Pu Sam Cáp
Cách thành phố Lai Châu khoảng 6km, bên tỉnh lộ 129 nối thành phố Lai Châu với huyện Sìn Hồ, quần thể hang động Pu Sam Cap được ví là “Tây Bắc đệ nhất động”. Hiện Pu Sam Cap có hai động đang đón khách du lịch là động Thiên Môn và động Thiên Đường với nhiều nhũ đá kỳ ảo, huyền bí, ẩn chứa nhiều câu chuyện cảm động của con người miền núi. Pu Sam Cap luôn là lời mời gọi hấp dẫn đối với mọi du khách gần xa.
7. Động Tiên Sơn
Động Tiên Sơn nằm gần kề trên quốc lộ 4D, thuộc địa phận xã Bình Lư, Tam Đường. Nói đến quần thể động là nói đến một chuỗi liên hoàn có tên động xưa là “Đà Đón” hiểu theo tiếng phổ thông là Hang Đá Trắng vì ngay cửa động có vách đá màu trắng, động gồm 49 khoang (49 cung) nối tiếp nhau chạy dài thông qua hai sườn núi, càng đi vào sâu thì cung càng lớn, trong động có nhiều thạch nhũ với những hình thù khác nhau, điều đặc biệt là trong động có dòng suối trong vắt chảy qua, uốn lượn quanh trong lòng động tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, thoải mái.
8. Bản du lịch cộng động Sì Thâu Chải
Bản Sì Thâu Chải thuộc xã địa phận xã Hồ Thầu cách trung tâm huyện Tam Đường chừng 6 km và nằm dưới chân đỉnh núi Pu Ta leng, cách thành phố Lai Châu gần 30km. Bản Sì Thâu Chải nằm ở độ cao trên 1400m so với mực nước biển, nơi đây có trên 60 hộ dân với trên 300 nhân khẩu, trong đó 100% là người đồng bào dân tộc Dao đầu bằng sinh sống. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng với những phong tục tập quán độc đáo của người dân nơi đây, Bản Sì Thâu Chải rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cùng tìm hiểu nét văn hóa dân tộc và khám phá chinh phục thiên nhiên.
9. Bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo
Được coi là cái nôi của người Thái trắng, bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo thuộc địa phận xã Mường So. Cách thành phố Lai Châu khoảng 25km, trên tuyến du lịch Lai Châu - Điện Biên. Bản nằm ở điểm gặp gỡ của hai dòng suối Nậm So và Nâm Lùm, với gần 100 hộ dân cùng hơn 400 nhân khẩu, trong đó 100% là người Thái trắng. Với những nét văn hóa đặc trưng như: nhà sàn truyền thống, văn nghệ dân gian, những lễ hội đặc sắc cùng ẩm thực độc đáo của địa phương, Vàng Pheo được khách du lịch yêu thích ví von là “thung lũng mỹ nhân”.
10. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ
Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Súi Hồ) cách thành phố Lai Châu chừng 30km. Nằm ở độ cao khoảng trên 1500m, bản Sin Súi Hồ là nơi sinh sống của hơn 100 hộ dân là người Mông. Tuy mới được đưa vào khai thác phát triển du lịch, song Sin Suối Hồ đã chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất. Sin Suối Hồ được ví như một bức tranh thủy mặc với những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt, những thác nước bọt tung trắng suốt bốn mùa, những ngôi nhà trình tường, những vườn địa lan, vườn đào rực rỡ. Khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm cùng với lòng hiếu khách và sự thân thiện của người dân đã biến nơi đây thành một điểm đến không thể bỏ qua cho khách du lịch đến với Lai Châu.
11. Bản du lịch cộng đồng Bản Hon
Cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 12km, bản Hon là bản du lịch cộng đồng duy nhất của người Lự ở nước ta. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc trưng dân tộc Lự như: phụ nữ nhuộm răng đen, nghề dệt thổ cẩm truyền thống, những nếp nhà sàn truyền thống, tập quán canh tác, đánh bắt, lao động sản xuất,… Đến thăm bản, du khách sẽ được nghe các bà, các chị hát những làn điệu dân ca Lự êm dịu, những tiết mục ca múa do chính những chàng trai cô gái trong bản biểu diễn với các loại nhạc cụ như trống, chiêng, sáo mẹ, sáo con hoặc được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc do bà con dân bản chế biến,… hay mua những mặt hàng thổ cẩm thủ công như túi xách, khăn, mũ, áo, váy,… làm quà tặng cho bạn bè và người thân.
12. Thác Tác Tình
Thác Tác Tình còn có tên gọi khác là thác Tắc Tình hay theo cách gọi thân thương của người dân nơi đây là thác Tình. Đây là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng.
Nằm trên địa phận xã Bình Lư thuộc huyện Tam Đường - thác Tình nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, nhìn từ xa thác giống như một dải lụa mềm mại đang thả mình trong không gian bao la của núi rừng hùng vĩ. Với tên thác đầy ý nghĩa, cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ của núi rừng Tây Bắc và câu chuyện tình mãnh liệt, thuỷ chung của đôi trai gái đã tạo nên một ngọn thác vừa mang vẻ đẹp quyến rũ lại vừa huyền bí làm say đắm lòng người. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, biến cố của lịch sử thác Tình vẫn giữ được những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng du khách thăm quan, để rồi khi đã đặt chân đến nơi đây ai ai cũng đọng lại những ấn tượng không thể phai mờ về thác Tình - ngọn thác của tình yêu./.
BBT