Độc đáo Lễ hội Kin Pang của người Thái đen huyện Than Uyên
(laichau.gov.vn)
Sáng 16/4, UBND huyện Than Uyên tổ chức phục dựng Lễ hội Kin Pang của đồng bào Thái đen. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 của huyện Than Uyên, góp phần bảo tồn di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Thái đen nói riêng, đồng bào các dân tộc huyện Than Uyên nói chung.

Lễ hội Kin Pang có nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa, phản ánh quan niệm tín ngưỡng, tư duy sáng tạo của người Thái Đen ở Than Uyên

Tháng 3 về khu dòng sông Nậm Mu nước chảy hiền hòa, cánh đồng Mường Than một màu xanh mướt của lúa, trên vạt rừng những bông hoa bó mạ nở vàng rực, cũng là lúc người Thái Đen ở Than Uyên tổ chức Lễ hội Kin Pang. Người Thái Đen ở Than Uyên cư trú tập trung ở các xã Pha Mu, Mường Mít, Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa...

Lễ hội Kin Pang gồm 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện các nghi lễ cúng Then như: Nghi lễ “Thỉnh đoàn quân mo”, nghi lễ “Thỉnh thần linh bản mường”, nghi lễ “Điểm Mâm”, nghi lễ “Dâng rượu cần”...

Nghi lễ “Điểm con nuôi” cầu xin phù hộ cho họ có sức khỏe, cuộc sống bình yên, no đủ.

Trong Lễ hội Kin Pang, các điệu múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như điệu múa "Tăng bẳng".

Các con nuôi mỗi người 1 ống tre đứng thành hai hàng, mặt đối mặt, cùng nhau nện ống tre xuống sàn gỗ, tạo âm thanh vang vọng giữa đại ngàn. Âm thanh ấy, được người Thái gọi là tiếng sấm, gọi mưa về tưới mát nhân gian, cho cây cối tốt tươi nhà nhà no đủ.

Cùng với các điệu múa, các trò diễn cũng được thầy cúng thể hiện như: Trò thuồng luồng uống nước, voi uống nước, trò diễn người Xá hút thuốc.

Trò diễn trâu cày ruộng được thực hiện bởi những người đàn ông khỏe mạnh. Họ sử dụng thân cây chuối, giả làm trâu thực hiện động tác cày bừa. Kết thúc trò diễn, hai người chơi dùng cây chuối đâm vào nhau tâm nên màn trêu đùa "Trâu húc nhau".

Kết thúc phần hội là điệu múa sinh thực khí. Điệu múa mang đậm tính phồn thực phản ảnh ước vọng của người Thái Đen về sự sinh sôi nảy nở của muôn loài.

Sau các điệu múa và trò diễn, thầy cúng và các con nuôi dùng khăn vải thổ cẩm quấn quanh cây sặng pang.

Cây sặng pang được hạ xuống, Lễ hội kết thúc nhưng ai nấy đều tin tưởng vào tương lai tươi sáng, khỏe mạnh ấm no.

Nghi thức buộc chỉ cổ tay cũng được thực hiện tại Lễ Kin Pang để cầu may mắn đến cho mọi người.