Đặc sắc các trích đoạn lễ hội tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023, tỉnh Lai Châu
Trong 3 ngày (3 - 5/11) diễn ra Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023, tỉnh Lai Châu có nhiều trích đoạn lễ hội của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người được giới thiệu, trình diễn. Với sự đặc sắc, độc đáo riêng có đã thực sự đem đến cho khán giả những hiểu biết mới về các sắc màu văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng và hấp dẫn của đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Lễ mừng tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu
Đối với người Ơ Đu ở Nghệ An thì nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa nhất, linh thiêng nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt. Lễ mừng tiếng sấm đầu năm là ngày Tết lớn nhất trong năm nên cả bản tổ chức rất long trọng, các gia đình trong bản đều đóng góp lễ vật và tham gia đầy đủ.
Đồng bào Ơ Đu thường chọn một con lợn để làm lễ vật cúng các thần linh. Cũng theo người Ơ Đu thì sau tiếng sấm đầu tiên trong năm, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà. Vì vậy, gà được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm cho nên gà cũng là lễ vật không thể thiếu. Những lễ vật được đồng bào đặt trên những chiếc mâm mây, đưa từ nhà của mình ra tập trung tại không gian chung của bản.
Phần hội được mở ra với âm thanh vui tươi, rộn ràng. Chủ thể của lễ hội cùng với khách tham dự thưởng thức lễ vật và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Trong những ngày đón tiếng sấm đầu năm còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ, tiếng trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều trò chơi khác đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo...
Ngày xưa, lễ mừng tiếng sấm đầu năm của người Ơ Đu thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì Lễ mới kết thúc. Nhưng hiện nay đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức trọn trong vòng một ngày.
Lễ hội “ Mở kho lúa” dân tộc Brâu
Lễ hội “Mở kho lúa” của dân tộc Brâu tỉnh Kon Tum diễn ra trong 2 ngày vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, bà con trong làng phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần trước đó thời gian khá lâu. Già làng xem ngày và thông báo với Giàng về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, heo, gà... Đàn ông "lên dây chiêng", sửa lại đàn; đàn bà con gái khẩn trương dệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội. Thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây tre già thẳng ngọn, cây lồ ô giữa bụi để làm cây nêu; những người khác xuống sông ra núi bắt nhiều con cá to, lấy nhiều đọt cây ngọt mây đắng cho ngày hội thêm nồng...
Lễ hội “Mở kho lúa” là nét văn hóa truyền thống rất lâu đời của người Brâu tích lũy cái ăn từ mùa vụ này đến mùa vụ khác, khi chuẩn bị đón một mùa vụ mới đón lúa mới về kho thì khi đó kho cũ được mở để ăn hết các hạt lúa cuối cùng của mùa cũ, người Brâu rất coi trọng việc cúng thần linh để cầu may cho buôn làng, thể hiện sự tôn trọng và biết ơn mẹ thiên nhiên, cầu xin thần linh bảo vệ buôn làng, khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ thiên nhiên, đồng thời giúp tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng người Brâu.
Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng làm Lễ “Mở kho lúa”. Lễ vật gồm gà, rượu ghè, nắm thuốc lá, gùi đựng lúa. Già làng gọi dân làng đưa lễ vật ra sân chính nhà rông làm lễ. Già làng khấn xin phép và thông báo với Giàng.
Già làng khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy gan gà con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho. Một trai làng đại diện bước lên kho lúa lấy lúa vào gùi đưa ra cửa kho cho thiếu nữ và những gùi lúa đầu tiên ra khỏi kho sẽ được đưa đến sân lễ hội để làm lễ. Sau đó, Già làng cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu... nghi thức cúng “Mở kho lúa” bắt đầu.
Trong Lễ hội “Mở kho lúa” cũng như các lễ hội khác, thủ tục cúng Chiêng Tha và mời tha ăn là quan trọng nhất vì người Brâu cho rằng Chiêng Tha không chỉ là nhạc khí mà còn là thần linh, là tổ tiên của họm, khi Chiêng Tha lên tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng.
Trích đoạn Lễ cưới dân tộc Pà Thẻn
Lễ cưới của dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang có từ lâu đời. Theo truyền thống xưa, trai gái Pà Thẻn tìm hiểu nhau khi gặp mặt thì họ phải xin phép gia đình cho phép mới được tìm hiểu. Gia đình sẽ chuẩn bị cho một chiếc ghế dài và củi để đốt cho trai gái tìm hiểu, sau bữa tối gia đình đi ngủ nhường lại bếp lửa cho thanh niên, sau một thời gian tìm hiểu nếu hợp nhau họ sẽ thông báo cho gia đình tổ chức cưới. Khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Lễ cưới được 2 bên gia đình tổ chức long trọng với sự chúc phúc của gia đình và bà con trong làng.
Khi đi đón dâu đoàn nhà trai gồm có đi đầu là quan làng, tiếp sau quan làng là phó quan làng, đến trưởng đoàn nhà trai, chú rể, 2 phù rể và các thành viên trong đoàn đi đón dâu. Lễ vật đi đón dâu gồm có đồng bạc và những sản phẩm từ địa phương như gạo nếp, chè, xôi, bánh dày...
Sau khi nhận đủ lễ vật, nhà gái thì lúc này mới đồng ý cho phép trưởng đoàn đón dâu và con rể vào nhà. Và theo phong tục tập quán rất đặc trưng của dân tộc Pà Thẻn, khác với các dân tộc khác, khi nhà gái đã đồng ý, quan làng xin phép bên nhà gái ra cổng trước. Sau đó, trưởng đoàn đứng lên xin phép nhà gái được đón cô dâu về và cảm ơn sự đón tiếp rất nhiệt tình và chu đáo của gia đình nhà gái đã dành cho nhà trai.
Một điều rất đặc biệt, khi các thủ tục xin đón dâu đã xong thì chú rể phải ra ngoài cổng chờ, mà không được đón cô dâu từ trong nhà. Hai phù dâu sẽ kéo cô dâu từ trong buồng ngủ của bố mẹ và đưa về nhà trai. Cô dâu còn rất lưu luyến với bố mẹ, anh em họ hàng và bạn bè.
Lúc này Đoàn đón dâu đang xuất phát về nhà trai. Tại gia đình nhà trai, đại diện gia đình nhà trai ra ngoài cổng đón con dâu và mời đoàn đón, đưa dâu vào nhà. Hai gia đình gặp nhau tay bắt mặt mừng, phấn khởi. Quan làng báo cáo với gia đình nhà trai và trao dâu cho ông nội. Ông nội cảm ơn quan làng, cảm ơn anh em họ hàng.
Tại nhà trai, phù dâu đưa cô dâu vào buồng và bỏ khăn che mặt, sau khi bỏ khăn che mặt cô dâu mới được ra ngoài nhà. Chú rể và cô dâu sẽ lấy chậu nước và mời quan làng là người đại diện cho họ hàng rửa tay. Theo quan niệm của dân tộc Pà Thẻn, chậu nước trong đám cưới thể hiện lòng thành kính và lời cảm ơn của đôi vợ chồng trẻ đối với quan làng. Quan làng rửa tay và thả vào chậu nước 2 đồng để ban lộc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc trăm năm. Mọi nghi lễ đã xong, mọi người cùng nhau uống trà, nước và dùng những lời ca tiếng hát của mình để chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu và chú rể.
Lễ Cầu mưa của người Lô Lô
Người Lô Lô tỉnh Cao Bằng sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Vì vậy tín ngưỡng của đồng bào thiên về vạn vật hữu linh. Họ cho rằng vạn vật đều có linh hồn, có thế giới ma, thế giới trên trời, thế giới trần gian. Mọi thế giới đều có con người, cỏ cây, sông núi và được thần linh che chở. Các dạng thức tín ngưỡng chủ yếu của người Lô Lô là thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thờ các loại thần linh, tín ngưỡng, liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp.
Đặc biệt, trong những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Lô Lô ở tỉnh Cao Bằng có Lễ Cầu mưa (lễ cúng thần rừng) tiếng Lô Lô gọi là Mề Pỉ. Đây là một trong những nghi lễ quan trọng gắn với phong tục, tập quán, lao động, sản xuất được người dân lưu giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác. Lễ Cầu mưa là ngày hội linh thiêng, ngày hội lớn của dân làng với rất nhiều nghi thức cấm kỵ nhưng mọi người đều phải tuân thủ.
Nghi lễ được tổ chức và hành lễ theo các nghi thức bởi 1 thầy cúng chính, 2 thầy cúng phụ và một đội phục vụ nghi lễ, gồm: 4 nam, 4 nữ và sự tham gia đông đủ của bà con người dân tộc Lô Lô trong xóm.
Hằng năm, đồng bào tổ chức nghi lễ cầu mưa vào dịp tháng 3 âm lịch không quy định là ngày đầu tháng hay cuối tháng mà phụ thuộc vào sự sắp xếp thời gian của Thầy cúng chính trong bản. Nhưng điều đặc biệt theo quan niệm của đồng bào nơi đây, thì ngày được chọn diễn ra nghi lễ bắt buộc phải là ngày (con rồng) vì theo họ phải làm vào ngày này thì thần Rừng mới cho mưa để phù hộ dân làng mùa màng tươi tốt. Những lễ vật thờ cúng để dâng lên cho các loại ma và thần linh trong nghi lễ này bao gồm: 1 con trâu, 1 con chó, 3 con gà to, 1 con gà con và 1 mâm xôi. Những lễ vật này được tất cả các hộ gia đình người dân tộc Lô Lô trong xóm cùng nhau đóng góp theo hương ước để mua sắm và chuẩn bị.
Sau khi Thầy cúng chính đã chọn được ngày để hành lễ, trưởng xóm sẽ cử những người trong bản chuẩn bị sẵn các lễ vật cho nghi lễ, các thanh niên sẽ đến khu rừng thiêng để quét dọn và làm sẵn một khung nhà gỗ nhỏ để chuẩn bị cho việc thực hiện nghi thức chôn gà. Với muốn xua đuổi tà ma, mang đi những xui xẻo và mời các vị thần linh hãy đến chứng giám, phù hộ cho dân làng có được một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, mọi người mạnh khoẻ bình an"...
Ở phần hội, người dân sẽ cùng nhau ăn uống và xếp thành vòng tròn, múa những điệu múa truyền thống của dân tộc mình.