• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Số hóa truyền hình – Những điều cần biết

(laichau.gov.vn)
Trong khi cả nước đang thực hiện lộ trình số hóa truyền hình thì vẫn có rất nhiều người dân hiện nay vẫn chưa hiểu rõ về số hoá truyền hình cũng như lợi ích mà nó đem lại.

Truyền hình số mặt đất sẽ cho chất lượng âm thanh và hình ảnh tốt hơn. (Ảnh nguồn: hanoimoi.com.vn)

Số hóa truyền hình mặt đất được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số mặt đất. Quá trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện cả ở phía phát và phía thu nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người xem truyền hình, công nghiệp truyền hình và Nhà nước.

Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất. Truyền hình tương tự mặt đất sẽ ngừng hoạt động và đi vào lịch sử như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.

Theo lộ trình số hóa truyền hình mặt đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì từ năm 2011 tới nay, khu vực nhóm I (gồm 5 tỉnh thành phố Hà Nội (cũ), thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng) đã phủ sóng truyền hình số mặt đất theo chuẩn DVB-T2 mới.

Tuy vậy, để người dân có thời gian chuyển đổi, các đài truyền hình trung ương và địa phương tại các tỉnh thành phố này vẫn phát song song cả truyền hình số lẫn truyền hình tương tự mặt đất (analog). Tuy nhiên, cũng theo lộ trình số hóa thì kể từ ngày 15/8/2016, 5 tỉnh thành phố nói trên sẽ tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Đối với tỉnh Lai Châu, lộ trình số hóa truyền hình mặt đất được thực hiện vào giai đoạn 4 cùng với các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông với thời hạn chót là ngày 31/12/2020 sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Thực hiện lộ trình của cả nước, ngày 23/3/2016, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 481/KH-UBND thực hiện Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch đưa ra là: Đến trước ngày 31/12/2020 xây dựng lộ trình, kế hoạch chuyển đổi 100% các kênh truyền hình sử dụng công nghệ truyền dẫn, phát sóng tương tự sang công nghệ kỹ thuật số tại tỉnh Lai Châu. Đảm bảo không làm gián đoạn các kênh chương trình, đặc biệt là các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Tận dụng tối đa hạ tầng truyền hình đã được đầu tư; huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp và một phần ngân sách Nhà nước để thực hiện kế hoạch số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Sử dụng chung hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất do các doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng thiết lập. Kết thúc phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng số mặt đất khi 90% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có máy thu hình xem được các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu bằng những phương thức truyền dẫn, phát sóng khác nhau.

Theo Thông tư 15/2014/TT-BTTTT ngày 17/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về Danh mục hàng hóa theo mã số HS thuộc diện quản lý chuyên ngành, kể từ ngày 01/4/2016, các mẫu tivi nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam có kích cỡ trên 32 inch đều phải được tích hợp đầu thu theo chuẩn DVB-T2 mới để người dùng có thể thu các kênh truyền hình số mặt đất theo chuẩn mới. Các mẫu tivi này đều sẽ được dán dấu hợp quy, nhãn hàng hóa và biểu trưng số hóa truyền hình để người dùng có thể nhận biết. Hiện tại, có khoảng gần 100 loại tivi khác nhau của các hãng sản xuất đã được tích hợp sẵn đầu thu DVB-T2.

Trong trường hợp người dân không đổi tivi có hỗ trợ chuẩn DVB-T2, thì buộc phải mua đầu thu độc lập. Tuy nhiên, hiện tại, có lẽ do công cuộc số hóa truyền hình mới chỉ bắt đầu, người dân tại các tỉnh thành phố thuộc nhóm I cũng có tỉ lệ sử dụng truyền hình trả tiền cao nên trên thị trường vẫn chưa có nhiều đơn vị cung cấp đầu thu chuẩn DVB-T2.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có công ty nào bán sản phẩm đầu thu truyền hình kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 đại trà ra thị trường Việt Nam. Những đầu thu được rao bán chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, chưa được chứng nhận hợp quy hoặc công bố hợp chuẩn nên người dân không nên mua để sử dụng những loại đầu thu này.

Theo một số chuyên gia, mặc dù trong giai đoạn chuyển giao, người dùng vẫn nên mua và sử dụng tivi có tích hợp đầu thu DVB-T2 hoặc đầu thu để chuyển sang xem truyền hình số mặt đất thay vì truyền hình tương tự.

So với truyền hình tương tự, truyền hình số mặt đất có ưu điểm rõ rệt với số lượng kênh chương trình nhiều hơn và chất lượng hình ảnh cũng tăng lên. Ví dụ, hiện tại, nếu như sử dụng tivi có tích hợp đầu thu DVB-T2 người dân có thể xem được kênh VTV3 tiêu chuẩn HD của VTV và rất nhiều kênh của VTC, AVG.

Trong tương lai, theo lộ trình số hóa, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực được thành lập và tham gia vào thị trường truyền dẫn phát sóng, người dân sẽ còn được thu xem thêm nhiều kênh truyền hình nữa. Khi đó, người dân ở một tỉnh không chỉ thu xem được kênh truyền hình của riêng tỉnh đấy mà còn có thể xem được các kênh truyền hình của các tỉnh khác trong cùng khu vực. Ví dụ, người dân ở tỉnh Nam Định có thể xem được 14 kênh chương trình truyền hình địa phương của các tỉnh trong khu vực Bắc Bộ,...

Đối với Nhà nước, số hóa truyền hình mang lại lợi ích to lớn trong phát triển kinh tế xã hội khi giải phóng được một đoạn băng tần lớn, có giá trị cao để triển khai các nghiệp vụ thông tin di động thế hệ mới, thúc đẩy sự phát triển của ngành Công nghệ thông tin và Viễn thông./.

Nguyễn Chanh - Cổng TTĐT


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.102
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 227.006
Năm 2024 : 657.841
Tổng số : 82.123.934