Xuất khẩu lao động: Con đường thoát nghèo ở Sìn Hồ
|
Trước đây nhiều thanh niên người dân tộc Mông, Dao rất ngại tìm việc làm ở nước ngoài vì thiếu vốn ngoại ngữ cần thiết. Chính vì tâm lý như vậy, nên việc vận động đi xuất khẩu lao động những năm đầu thật gian nan. Theo anh Lê Trí Huynh, cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Từ khi xảy ra sự cố về tình trạng xuất khẩu lao động ở một số nước Trung Đông. Bà con nhân dân trong huyện rất e ngại khi nhắc đến 4 từ “xuất khẩu lao động”. Nhưng đến nay, câu chuyện về xuất khẩu lao động cũng phần nào đã được bà con ủng hộ. Từ đầu năm nay, chúng tôi có 36 lao động “bay” sang MaLaysia và có 11 lao động đang đi học nghề để chuẩn bị “bay” 31/12. Với mức thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/tháng”. Riêng năm 2011, huyện đã có 9 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung ở các nước như Malaysia, Đài Loan. Hiện nay, nhiều lao động đã gửi tiền về nhà để phụ giúp gia đình phát triển kinh tế.
Chúng tôi về bản Lồ Tồ Phìn, xã Phăng Sô Lin để tìm hiểu đời sống của các gia đình có con đi XKLĐ nước ngoài. Đây là bản nghèo, 100% người Mông sinh sống, đời sống người dân còn gặp khó khăn. Chính vì vậy việc cho con đi lao động ở nước ngoài là một giải pháp để cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Chẻo Mý Dao, một người dân ở đây có con là Chẻo A Sơn đi XKLĐ ở thị trường Đài Loan từ năm 2011 vui vẻ cho biết: Con bà đi được gần 2 năm, làm nghề thuyền viên đánh bắt cá xa bờ. Cháu cũng đã gửi được tiền về nhà đầu tư để mua trâu, lợn phát triển kinh tế “Thấy gia đình tôi thoát nghèo bà con ở đây ai cũng mừng, nhiều gia đình đã động viên con mình đi xuất khẩu lao động” - bà Dao nói.
Cũng giống như gia đình bà Mý Dao, gia đình bà Phùng Xiên Mẩy (thím của Chẻo Kim Sơn) bản Dao, thị trấn Sìn Hồ với vẻ mặt vui mừng khi nói về đứa cháu đang đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. “Gia đình Sơn nghèo lắm, bố mẹ đi tù vì buôn bán ma túy, cho đến giờ nó ở với tôi. Nhà tôi cũng nghèo chỉ túp lều chui ra chui vào. Làm lụng cả nhà cũng không tiết kiệm được là bao. Năm 2011, nó về nói với tôi cho đi xuất khẩu lao động, ban đầu tôi cản nhưng thấy nó quyết đi nên tôi cũng đồng ý. Gần 2 năm rồi, nó cũng gửi được về nhà mấy chục triệu để gia đình sửa được cái nhà có chỗ trú mưa, nắng”.
Ông Tẩn A Xoang, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ cho biết: Phần lớn các gia đình có con tham gia XKLĐ ở nước ngoài đều đã thoát nghèo nhờ nguồn tiền mà con cái họ gửi về. Thấy đời sống của các gia đình có con em đi XKLĐ từng bước được cải thiện, người dân trong vùng đã bắt đầu thay đổi nhận thức. Qua đó, vận động con em của mình tham gia XKLĐ. Tuy vậy, lao động ở nước ngoài đòi hỏi phải có tay nghề mà thanh niên ở Sìn Hồ chỉ là lao động phổ thông. Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe cũng rất quan trọng, nhưng tình trạng sức khỏe của thanh niên ở các xã vùng cao chưa đạt, chính vì vậy mà công tác XKLĐ ở huyện chưa đạt theo ý muốn. Trước mắt chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các gia đình có con em trong độ tuổi 18-35 nâng cao nhận thức. Từ đó vận động con em mình đăng ký lao động có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín tư vấn, tuyên truyền cho người lao động về điều kiện, tiêu chuẩn, mức thu nhập, giúp người lao động nắm bắt các thông tin chính xác trước khi ra nước ngoài lao động. Ngoài ra, có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động như: Đào tạo nghề, cho vay vốn ưu đãi và giáo dục định hướng... Và hơn hết là làm tốt công tác nêu gương những gia đình có người đi xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả kinh tế cao trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu được lợi ích của việc xuất khẩu lao động rồi nhiệt tình đăng ký tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài..
Ngân Hà