• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đẩy mạnh công tác trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng

(laichau.gov.vn)
Thực hiện việc trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang xây dựng các công trình thủy điện, tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2015 toàn tỉnh đã tổ chức trồng được 1.504 ha trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng. 

Huyện Tân Uyên kiểm tra chất lượng cây giống để trồng rừng.

Trên địa bàn tỉnh ta có 09 công trình thủy điện đã được phê duyệt, hiện đã hoàn thành và đang thi công xây dựng phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng theo quy định, bao gồm các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Nậm Na 1, Nậm Na 2, Nậm Na 3, Nậm Nghẹ, Nậm Mở 3. Tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng phải trồng thay thế trên địa bàn tỉnh là 2.426,31 ha. Tỉnh đã phê duyệt 08 phương án cho các chủ đầu tư các công trình thủy điện. Do không tổ chức thực hiện trồng rừng được nên hầu hết các chủ đầu tư đều đề nghị tỉnh cho thực hiện theo phương án nộp tiền về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Còn lại 01 thủy điện Nậm Na 1 chủ đầu tư chưa xây dựng phương án trồng rừng thay thế.

Thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lai Châu đã tổ chức kiểm tra rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt các phương án theo quy định. Tổng số kinh phí theo phương án đã phê duyệt là 116.346,28 triệu đồng. Do không tổ chức thực hiện được nên hầu hết các chủ đầu tư đều đề nghị tỉnh cho thực hiện theo phương án nộp tiền về Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Trên cơ sở đề nghị của các chủ đầu tư và phương án trồng rừng được phê duyệt, UBND tỉnh đã giao cho các huyện, thành phố tổ chức trồng rừng. Tính đến ngày 30 tháng 8 năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức trồng được 1.504 ha, trong đó huyện Tân Uyên trồng được 586 ha; huyện Than Uyên trồng được 263 ha; huyện Sìn Hồ trồng được 368 ha; huyện Tam Đường trồng được 87 ha; huyện Phong Thổ trồng được 117,95 ha; huyện Mường Tè trồng được 47 ha và thành phố Lai Châu trồng được 35 ha). Tổng kinh phí đầu tư của các dự án đã phê duyệt là 38.821.09 triệu đồng; ước giải ngân năm 2015 là 31.331,743 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Cơ cấu cây trồng với mục tiêu triển khai trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, cây đa mục đích, cây gỗ lớn, tỉnh đã xác định cơ cấu cho từng khu vực như cây quế trồng ở những nơi có độ cao dưới 700 m so với mực nước biển; cây Sơn Tra và Thông Mã Vĩ trồng xen ở nơi có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển; cây gỗ lớn, sấu, lát, giổi, re… trồng tập trung chính trong vùng có độ cao từ 700-1.000 m.

Tân Uyên là một huyện rất tích cực trong công tác trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng. Ông Nguyễn Hữu Mạnh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Công tác chỉ đạo được huyện đẩy mạnh, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo trồng rừng do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực Nông nghiệp làm Trưởng Ban chỉ đạo. Đến mùa trồng rừng huyện đã trưng tập cán bộ của các phòng ban liên quan để phụ trách các xã, trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo trong công tác trồng rừng. Năm nay, huyện đã trồng được 586 ha rừng thay thế với giống quế là chủ yếu. Đây là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao góp phần giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn vướng mắc như cơ chế quản lý đầu tư, mức đầu tư cho hạng mục trồng rừng thấp; do diện tích trồng thay thế ở cao, xa, độ dốc lớn, ít dân cư, đường giao thông chưa thuận lợi; điều kiện khí hậu thời tiết ở tỉnh chỉ thực hiện trồng rừng được 01 vụ vào mùa mưa, thời điểm trồng rừng trùng với thời gian thu hoạch lúa chiêm và gieo cấy vụ mùa của người dân nên khó khăn trong việc vận động nhận khoán trồng rừng; công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn trồng rừng thay thế năm 2015 còn chậm do vậy các đơn vị còn bị động trong triển khai thực hiện.

Theo ông Nguyễn Văn Biển, để đẩy mạnh công tác trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng tỉnh ta cần chú trọng đến việc khảo sát, xây dựng hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự án trồng rừng thay thế. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng của toàn dân; nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; làm tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp để nâng cao chất lượng rừng trồng; tiếp tục thu hút, tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng và chế biến lâm sản, hình thành vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến; củng cố, kiện toàn Ban Quản lý rừng phòng hộ, lực lượng kiểm lâm để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng./.

Gia Tuệ TP Lai Châu


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.824
Hôm qua : 6.281
Tháng 07 : 165.024
Năm 2025 : 1.269.138
Tổng số : 85.226.071