A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu dạy học trên truyền hình từ ngày 19/3

(laichau.gov.vn)

Nhằm giúp học sinh nắm bắt kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi chuyển cấp và tham gia kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu tổ chức chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu từ ngày 19/3. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu đã trao đổi với ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT về vấn đề này.

Tổ chức ghi hình chương trình giảng dạy qua truyền hình tại Đài PT-TH tỉnh Lai Châu.

 

PV: Theo Công văn 480/SGDĐT-GDTrH-TX&CN của Sở GD&ĐT, được biết tỉnh Lai Châu sẽ bắt đầu triển khai dạy học trên truyền hình từ ngày 19/3. Đối tượng học sinh được ưu tiên trong kế hoạch này là học sinh lớp 9 và lớp 12. Xin ông cho biết, vì sao chúng ta lại chỉ tập trung vào đối tượng học sinh này?

Ông Đinh Trung Tuấn: Việc tổ chức dạy học trên truyền hình từ lớp 1 đến lớp 12 là tốt, tuy nhiên trong thời điểm hiện tại chưa thể tổ chức dạy trên truyền hình từ lớp 1 đến lớp 12 với đầy đủ các môn học vì trong một khoảng thời gian ngắn chưa đủ điều kiện để sản xuất và phát sóng.

Trên cơ sở phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu, mỗi ngày phát sóng 1 giờ và phát lại 2 lần trong ngày. Chúng tôi nhận thấy, ngoài việc đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh và kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong thời gian nghỉ học (Công văn số 309/SGDĐT-GDTrH-TX&CN ngày 25/2/2020), trước mắt ưu tiên cho 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 9, lớp 12 với thời lượng 5 tiết/môn/30 phút phát sóng, vì học sinh lớp 9, lớp 12 là học sinh cuối cấp và 3 môn học này là những môn thi bắt buộc để thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như thi THPT quốc gia để học sinh có thể ôn tập và nắm bắt kiến thức để sẵn sàng cho các kỳ thi sắp tới.

PV: Việc dạy - học trên truyền hình là 1 chiều vì không có sự tương tác 2 chiều giữa giáo viên với học sinh và học sinh với giáo viên. Vậy bài giảng sẽ tính toán như thế nào để có chất lượng?

Ông Đinh Trung Tuấn: Việc dạy - học trên truyền hình là hết sức bổ ích, dù không có sự tương tác 2 chiều giữa giáo viên với học sinh và học sinh với giáo viên nhưng có tác động không nhỏ trong thời điểm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Việc dạy học trên truyền hình cần đảm bảo mục tiêu, đáp ứng nhu cầu và mong muốn của học sinh, phụ huynh và Nhân dân trong tỉnh, những nội dung kiến thức lựa chọn để dạy trên truyền hình đều có sự tính toán hợp lý, phù hợp với đặc thù của tỉnh Lai Châu và để có được hiệu quả trong việc học trên truyền hình Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đôn đốc, hướng dẫn cụ thể cách thức học qua truyền hình và học sinh sẽ thực hiện các nhiệm vụ của thầy cô giáo trong các tiết học qua truyền hình. Mục tiêu đề ra, 100% học sinh lớp 9, lớp 12 phải được học, được tiếp cận nội dung dạy học trên truyền hình và hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giao.

PV: Cũng bởi phương pháp dạy - học một chiều nên sẽ gặp nhiều hạn chế. Xin ông cho biết, chúng ta làm thế nào để quản lý, để biết được rằng các em đang ngồi trước ti vi đối với mỗi bài giảng được phát sóng?

Ông Đinh Trung Tuấn: Để quản lý các em đang ngồi trước ti vi đối với mỗi bài giảng được phát sóng, Sở GD&ĐT đã có văn bản triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh, cụ thể:

Thông báo rộng rãi lịch phát sóng dạy học trên truyền hình gửi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh được biết để chỉ đạo và phối hợp, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh cũng chính là cha mẹ của các em học sinh, khi nắm được lịch học trên truyền hình sẽ cùng phối hợp với ngành để đôn đốc, nhắc nhở các con trong việc học trên truyền hình. Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị giáo dục tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh được biết, đồng thời giao nhiệm vụ cho lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để đôn đốc, hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh sau mỗi bài giảng trên truyền hình.

Để phụ huynh có thể kiểm soát việc học trên truyên hình của con, em mình, chúng tôi đã tổ chức dạy trên truyền hình từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần; riêng tuần đầu tiên tổ chức dạy vào thứ bảy để những phụ huynh chưa có thời gian giám sát việc học của con em mình có thể giám sát và biết được cách thức học để cùng phối hợp nhắc nhở các con; ngoài khung giờ phát sóng chính thức vào buổi sáng, Đài phát thanh – Truyền hình tỉnh còn phát lại vào khung giờ chiều và tối cùng ngày, qua đó giúp cha mẹ có thể kiểm soát được nội dung học tập của các con một cách tốt nhất.

Chúng tôi tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập được giao của từng học sinh, do vậy các em bắt buộc phải xem và học trên truyền hình (học sinh không có điều kiện học trên truyên hình thì phải nghiên cứu tài liệu học tập mà giáo viên bộ môn giao) mới thực hiện được nhiệm vụ học tập.

PV: Theo như kế hoạch mà Sở GD&ĐT Lai Châu ban hành, mỗi buổi học, thời gian phát sóng bài giảng trên kênh sóng của Đài phát thanh – Truyền hình Lai Châu chỉ kéo dài 30 phút. Với thời gian đó có đủ để thầy cô truyền đạt kiến thức cho học sinh không thưa ông?

Ông Đinh Trung Tuấn: Với thời gian 30 phút phát sóng trên truyền hình và hình thức dạy học một chiều, không có sự tương tác do vậy giáo viên sẽ vẫn đáp ứng được lượng kiến thức như tiết dạy 45 phút, các tiết dạy vẫn đáp ứng đảm bảo nội dung, yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, thái độ và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, đối với thời điểm này việc dạy cho học sinh trên truyền hình chủ yếu là dạy những nội dung, kiến thức học sinh đã được học, các tiết dạy mang tính chất ôn tập hệ thống lại kiến thức giúp các em không bị quên kiến thức trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch.

PV: Lai Châu là một trong những tỉnh thuộc diện nghèo nhất cả nước với địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nhiều thành phần dân tộc sinh sống. Ở những vùng sâu, vùng xa mà điện lưới quốc gia chưa vươn tới hoặc có điện lưới nhưng gia đình học sinh không có điều kiện mua sắm ti vi, máy tính, hoặc “vùng lõm” sóng truyền hình, không thể xem được các bài giảng... thì Ngành GD&ĐT Lai Châu có tính toán như thế nào đối với những học sinh này?

Ông Đinh Trung Tuấn: Đối với những học sinh không có điều kiện học trên Kênh truyền hình LTV (Đài phát thanh – Truyền hình Lai Châu) và trên trang Web: laichautv.vn; youtube.com/laichau, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi nhà trường, bằng nhiều hình thức khác nhau hướng dẫn, giúp các em học sinh vẫn được ôn tập những kiến thức như những học sinh lớp 9, lớp 12 ở nơi có điều kiện học trên truyền hình.

PV: Vậy những đối tượng học sinh còn lại, việc tổ chức dạy, học, quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học ở nhà như thế nào?

Ông Đinh Trung Tuấn: Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục hướng dẫn học sinh ôn tập, củng cố kiến thức cấp trung học trong và sau đợt nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (Công văn số 309/SGDĐT-GDTrH-TX&CN ngày 25/02/2020), cơ bản như: Chương trình đã học trong học kỳ I và II năm học 2019 ‑ 2020. Các đơn vị trường căn cứ vào các văn bản chuyên môn Sở GD&ĐT đã hướng dẫn; điều kiện thực tế đơn vị, lực học của học sinh… để lựa chọn kiến thức, kỹ năng cần ôn luyện phù hợp từng khối lớp, đối tượng học sinh nhà trường.

Học sinh sẽ ôn tập xem, tải bài tại website của nhà trường hoặc thông qua công cụ chuyển tải dữ liệu phổ biến như: Email, Zalo,… trong quá trình tự học nếu cần trao đổi, học sinh và giáo viên tương tác qua các công cụ thông tin qua điện thoại Email, Zalo… học sinh hoàn thành bài tập sẽ nộp về cho giáo viên bộ môn theo lịch của nhà trường (với học sinh không có mạng internet, không tiếp cận nội dung ôn tập và không gửi sản phẩm được, nhà trường tìm cách thông tin để học sinh tiếp cận nội dung ôn tập sớm nhất (qua UBND xã, phụ huynh học sinh, ban chỉ đạo phổ cập xã…) và gửi lại sản phẩm ôn tập cho giáo viên sau khi đi học trở lại.

Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh tự học gồm: Môn học/bài học/hướng dẫn của giáo viên/yêu cầu cần đạt/tài liệu học tập/thời gian hoàn thiện…; tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá kế hoạch phải thể hiện rõ việc thực hiện và công tác kiểm tra, đánh giá từng bộ phận như: Nhà trường, tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn, …

Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đánh giá kết quả triển khai kế hoạch; xây dựng lại kế hoạch giảng dạy môn học, trong những buổi đầu khi học sinh đi học trở lại, nhà trường tổ chức hệ thống hóa, củng cố ôn tập kiến thức tại trường trước khi cho học sinh học tập kiến thức mới.

Xin trân trọng cám ơn ông!


Tác giả: Ngọc Sánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 575
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 126.929
Năm 2024 : 798.519
Tổng số : 82.264.612