Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018: Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững
![]() Đoàn viên thanh niên Công an ra quân hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam |
Năm 2018 là năm thứ 3 tỉnh Lai Châu tổ chức phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Ông Như Ngọc Biên, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Sở Công thương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức lễ phát động, xuống đường diễu hành giúp người dân hiểu thêm về ý nghĩa của hoạt động trên. Bảo vệ quyền cho người tiêu dùng, các đơn vị chức năng thuộc Sở Công thương đã tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Theo số liệu của cơ quan này cung cấp, trong năm 2017, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 332 vụ vi phạm, trong đó bao gồm vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm trong kinh doanh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng cũng tiến hành thanh tra việc thực hiện các văn bản pháp luật cũng như chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh một số sản phẩm đặc thù…
Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng bền vững” nhằm đặt ra yêu cầu với các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh; chung tay xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và toàn xã hội. Ông Nguyễn Hữu Báu, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại tỉnh Lai Châu chia sẻ: Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật, phương thức kinh doanh, hàng hóa và dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng là cơ hội để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, việc tồn tại những doanh nghiệp vì lợi nhuận kinh doanh mà đưa ra thị trường những mặt hàng, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng và uy tín của doanh nghiệp chân chính. Đối với công ty chúng tôi, chúng tôi luôn xác định bí quyết kinh doanh và lợi thế cạnh tranh của mình là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy trong năm 2018 chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện phương châm kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, cạnh tranh theo tính chất thi đua, cung cấp các mặt hàng đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc đến tay người tiêu dùng.
Để đảm bảo về sức khỏe, quyền lợi của mình, mỗi người nên là nhà tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn các sản phẩm rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, không ham hàng rẻ, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, mỗi cá nhân cần tìm hiểu rõ 8 quyền của người tiêu dùng được quy định tại Luật Bảo vệ Người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của mình. Nếu thấy sai phạm, khách hàng có thể phản ánh theo số điện thoại đường dây nóng của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (BCĐ 389) (0213.399.389) và Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh (0213.3876.923).
Điều 8 trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam quy định: 1. Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa. 2. Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan... 3. Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình. 4. Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ... 5. Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 6. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết. 7. Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật. 8. Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. |
Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức sáng ngày 15/3, ông Như Ngọc Biên, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định: Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức để tiếp tục khẳng định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua đó tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở huy động sự tập trung tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Biên cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chung tay xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, tự khẳng định mình thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Coi yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng là năng lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ doanh nghiệp chân chính.
Ngay sau Lễ phát động, gần 400 đoàn viên thanh niên các lực lượng đã xuống đường diễu hành tuyên truyền hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam./.
Nguyễn Chanh