Tân Uyên chú trọng phát triển cây chè
|
Năm 2013, huyện tiếp tục trồng 50 ha chè ở xã Phúc Khoa, trong đó giống chè Kim Tuyên chiếm 95% diện tích, còn lại là giống chè PH8. Công ty Cổ phần trà Thân Uyên sẽ gieo ươm, cung cấp 100 vạn cây giống. Xã Phúc Khoa đã tuyên truyền vận động nhân dân tích cực làm đất chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để cho việc trồng chè. Theo kế hoạch, chè được trồng thành 2 đợt và kết thúc muộn nhất vào ngày 31/7. Hiện nay, xã đã tiến hành trồng được 44 ha đạt 88% kế hoạch. Bà Lò Thị Ngân, bản Nà Khoang I cho biết: Năm nay, gia đình bà trồng 2 ha chè giống mới. Hiện tại đã trồng được 1 ha, đang tiến hành chăm sóc để cây sinh trưởng tốt, đạt tỷ lệ sống cao và đang chuẩn bị đất để tiến hành trồng đợt II. Nhiều hộ gia đình trong bản cũng tham gia trồng chè với hy vọng đây sẽ là cây xóa đói giảm nghèo làm tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Thời điểm hiện tại, người dân trong huyện đang tích cực thu hoạch chè chính vụ. Theo bà Hoàng Thị Luyến: “Năm nay thời tiết thuận lợi, cán bộ khuyến nông tích cực tuyên truyền hướng dẫn người dân cách chăm sóc, khi có dịch bệnh xảy ra. Cây chè cho thu hoạch cao, nếu chăm sóc tốt 1 tháng được 4 lần hái, trừ chi phí sản xuất mỗi ha chè sẽ cho thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng cao hơn nhiều so với trồng so lúa”.
Thị trấn Tân Uyên là một trong những địa phương có nhiều diện tích chè nhất của huyện với 700 ha, sản lượng bình quân hàng năm là 7.000 tấn. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ cây chè. Anh Nguyễn Văn Sang, tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên có 7.000 m2 chè, anh đã thuê thêm nhân công để làm và đầu tư theo đúng kỹ thuật, thu nhập hàng năm từ cây chè đạt khoảng 100 triệu đồng. Anh cho biết: Cây chè dễ trồng, chăm sóc tuy nhiên phải nắm đúng quy trình kỹ thuật để phòng trừ sâu bệnh một cách hiệu quả mới cho năng suất, sản lượng cao. Ngoài trồng chè, anh còn mua máy mini về chế biến tại gia đình. Còn Bà Vũ Thị Thêu, khu 3 thị trấn Tân Uyên cho biết: nhà có 4.000 m2 chè, 1 tháng hái được từ 1,2-1,5 tấn, bình quân thu được 5,4 triệu đồng 1 tháng. Năm 2012, trừ chi phí sản xuất thu lãi trên 40 triệu đồng. Gia đình đang tích cực đầu tư để cây chè phát triển tốt hơn và cho sản lượng cao. Rút kinh nghiệm từ những vụ chè trước, năm nay gia đình đã chủ động phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ nên sản lượng chè thu hoạch được nhiều hơn năm trước.
Vụ chè năm nay huyện Tân Uyên được mùa, người dân phấn khởi và gắn bó với cây chè hơn. 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã thu hái được trên 3.000 tấn chè búp tươi. Giá chè ổn định với 5.500 đồng/ kg ngoài bán cho Công ty Cổ phần trà Than Uyên, người dân bán cho các hộ gia đình có máy chế biến nhỏ. Với diện tích chè chất lượng cao được huyện quan tâm, tìm hướng ra cho sản phẩm. Toàn bộ sản lượng chè búp tươi sẽ được Công ty Cổ phần trà Than Uyên thu mua với giá ổn định. Hiện người dân đang tiến hành chăm sóc diện tích chè đã trồng và trồng nốt số diện tích còn lại của năm 2013.
Chè là cây trồng chủ yếu của huyện Tân Uyên và là một trong những định hướng phát triển kinh tế của huyện. Huyện đang chú trọng phát triển và khai thác có hiệu quả vùng chè, thu hút, tạo việc làm cho lao động nông thôn, nhất là đồng bào tái định cư các công trình thuỷ điện, thúc đẩy sản xuất chè một cách bền vững. Để hình thành vùng sản xuất chè tập trung, thời gian tới huyện Tân Uyên tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng chè chất lượng cao tại các xã dọc tuyến quốc lộ 32.
Kim Anh