• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên nước

(laichau.gov.vn)
Lai Châu là tỉnh có nguồn nước dồi dào, nhiều công trình thủy điện. Tuy vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cũng vẫn xảy ra đặc biệt ở vùng núi cao nên việc bảo vệ tài nguyên nước là hết sức quan trọng.

Nhà máy thủy điện Lai Châu. (Ảnh: dantri.com.vn)

Tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng luôn đóng vai trò trọng tâm trong sự phát triển bền vững của nhân loại. Với hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra từng ngày, từng giờ, tài nguyên nước đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng, là điều kiện quyết định sự tồn tại của con người trên trái đất. 

Lai Châu nằm trong lưu vực sông Đà và các phụ lưu sông Nậm Na, Nậm Mu, Nậm Mạ với diện tích 3.400 km2(chiếm 38% diện tích toàn tỉnh); hệ thống sông, suối với mật độ 5,5 - 6 km/km2; tổng lượng dòng chảy một năm toàn tỉnh khoảng 16,87 triệu m3 nhưng do đặc điểm về địa hình phức tạp, núi cao, sông suối ngắn và dốc, vào mùa mưa nước chiếm 60-80% tổng lượng dòng chảy/năm; mùa khô, lượng dòng chảy chiếm khoảng 40-20% tổng dòng chảy/năm. Những năm qua, tài nguyên nước đã đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao và cải thiện đời sống của Nhân dân trong tỉnh; đặc biệt là việc xây dựng một số các công trình thủy điện lớn như Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng... đã góp phần tăng thu ngân sách từ thuế tài nguyên của tỉnh. Tuy vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cũng vẫn xảy ra đặc biệt ở vùng núi cao như Phong Thổ, Mường Tè...

Trong năm 2015, tỉnh Lai Châu đã có nhiều biện pháp để bảo vệ nguồn nước như UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2015/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 quy định một số nội dung về quản lý tài nguyên nước trên địa tỉnh Lai Châu; đẩy mạnh công tác trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn; tỉnh đã chỉ đạo người dân tích cực trồng rừng nếu như độ che phủ của rừng năm 2004 chỉ đạt 35% thì đến hết năm 2015 tỷ lệ đó đã nâng lên 42,5% (tăng 7,2% so với năm 2004); nhằm nâng cao nhận thức, hành vi, thói quen đối với việc sử dụng tài nguyên nước của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm Ngày nước Thế giới vào 22/3/2015 ở trên địa bàn thành phố; hướng dẫn, kiểm tra và giải quyết thủ tục hành chính trong cấp giấy phép tài nguyên nước; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, tài nguyên nước cho cán bộ quản lý ở cấp xã, huyện và các phòng, ban thuộc Sở; cập nhật các thông tin, hoạt động, văn bản về tài nguyên nước trên trang thông tin điện tử của Sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, tiếp cận các quy định, chủ trương, chính sách pháp luật về tài nguyên nước… Do vậy, ý thức sử dụng và bảo vệ nguồn nước của người dân được nâng lên. Chị Nguyễn Thị Mai, phường Tân Phong cho biết: Những năm gần đây thời tiết biến đổi phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước. Là một người dân nhưng tôi rất ý thức được tầm quan trọng của nguồn nước và sử dụng nguồn nước một cách hợp lý nhất là nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.

Sở Tài Nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường cho biết: Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung triển khai tuyên truyền phổ biến, giáo dục và thực hiện Luật Tài nguyên nước năm 2012; trong đó cần tập trung vào nâng cao nhận thức của người dân và tổ chức về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với đời sống của con người, sự phát triển của cộng đồng, quốc gia; thực hiện công tác điều tra, đánh giá, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước; tổ chức cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước; lập danh mục ao hồ, khe suối không được san lấp; rà soát tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, từ đó phân loại các đối tượng phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép và đôn đốc tổ chức, cá nhân thực hiện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động tài nguyên nước trước và sau cấp phép, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.

Mường Tè là một trong những địa phương của tỉnh Lai Châu có vị trí quan trọng về nguồn nước. Huyện Mường Tè có diện tích 2.679,34 km2, trong đó diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là 1.490 ha chiếm 56% diện tích tự nhiên toàn huyện; Mường Tè cũng là điểm đầu tiên của dòng Sông Đà chảy vào Việt Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh quốc gia, dự trữ nguồn nước cho các công trình thuỷ điện lớn như Sơn La, Lai Châu do đó việc quản lý, bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước có hiệu quả là nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp chính quyền và Nhân dân trong toàn huyện. Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: Thời gian tới, huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tích cực tham gia các hoạt động như vệ sinh môi trường; không lấn chiếm ao hồ, sông suối; trồng cây bảo vệ nguồn nước. Mỗi người bằng một công việc cụ thể, thiết thực góp phần xây dựng huyện Mường Tè ngày càng phát triển, xanh-sạch-đẹp.

Để có nguồn nước dồi dào cho việc sản xuất và sinh hoạt, mọi người cần nhận thức sâu sắc hơn trong việc phải bảo vệ nguồn nước; hãy sử dụng tiết kiệm hiệu quả để duy trì và phát triển bền vững các nguồn nước./.

Phan Nhi


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.830
Hôm qua : 8.151
Tháng 05 : 45.999
Năm 2025 : 794.788
Tổng số : 84.751.721