Ý kiến bên lề tâm huyết, trách nhiệm
Tại Kỳ họp thứ mười lăm HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 11/12, các đại biểu dành nhiều thời gian để thảo luận nhiều Nghị quyết và các vấn đề liên quan đến việc phát triển kinh tế - xã hội… Bên lề Kỳ họp, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu đã phỏng vấn nhanh một số đại biểu HĐND, lãnh đạo một số sở, ngành về ý nghĩa của việc ban hành các Nghị quyết và một số vấn đề mà cử tri quan tâm.
Các đại biểu trao đổi bên lề Kỳ họp.
Giám sát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
Đại biểu HĐND tỉnh Vũ Thị Huyền – Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ sản xuất về nông nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 nhằm đánh giá lại hiệu quả của chính sách và những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách về phát triển nông nghiệp.
Đại biểu Vũ Thị Huyền – Trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh.
Đại biểu Vũ Thị Huyền cũng cho biết: Đoàn giám sát có nhiệm vụ đánh giá kết quả đạt được trong từng lĩnh vực của chính sách, những hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện. Từ đó, đề ra một số giải pháp cho giai đoạn 2021 - 2025 trong thực hiện chính sách về nông nghiệp.
Giải pháp triển khai hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch
Đại biểu HĐND huyện Tam Đường Tẩn Thị Quế – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đại biểu HĐND huyện Tam Đường Tẩn Thị Quế – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 có đề ra các chương trình, đề án trọng điểm, trong đó có Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án chi tiết, trong đó xác định rõ 2 mục tiêu kép “Bảo tồn để phát triển du lịch” và “Phát triển du lịch hỗ trợ công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp”; phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố trong việc lựa chọn nội dung nào là bảo tồn, nội dung nào là bảo tồn gắn với phát triển du lịch để đem lại hiệu quả của Đề án; tiếp tục thực hiện tốt việc phát huy vai trò của nghệ nhân có uy tín trong cộng đồng, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, mê tín, dị đoan, bài trừ hủ tục lạc hậu; tham mưu xây dựng chính sách cho phát triển du lịch văn hóa, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa; phấn đấu đến năm 2025 bước đầu xây dựng được thương hiệu du lịch cho Lai Châu. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bảo tồn văn hóa và đẩy mạnh phát triển du lịch...
Ban hành quy định hỗ trợ phải đảm bảo phát huy hiệu quả
Đại biểu HĐND tỉnh Sùng A Hồ – Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh
Đại biểu Sùng A Hồ – Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh: Trong thời gian qua, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo phục vụ sản xuất, cấp nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường nước, đóng góp lớn trong việc điều tiết nước, giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, một phần thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp, chưa có nguồn lực để đầu tư nên chưa đáp ứng đủ yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Trong điều kiện ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển nhằm phát huy đồng bộ hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, hiệu quả trong sử dụng tài nguyên nước, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là giải pháp cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Việc ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị định của Chính phủ về quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; kêu gọi, khuyến khích tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng để phát huy đồng bộ năng lực công trình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc ban hành quy định hỗ trợ phải đảm bảo phát huy hiệu quả, phù hợp với các quy định của Trung ương và yêu cầu thực tế về phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.
Chú trọng phát triển các công trình giao thông huyết mạch
Đồng chí Tạ Đức Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Đồng chí Tạ Đức Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định một trong những nhiệm vụ đột phá đó là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng nông thôn và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chú trọng các công trình giao thông huyết mạch kết nối trong tỉnh và các khu vực; tiếp tục phát triển giao thông nội tỉnh, những tuyến đường có sức lan tỏa, kết nối để khai thác tiềm năng thế mạnh vùng... Để đạt được các mục tiêu theo nghị quyết đề ra, trong giai đoạn tới, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại để kết nối với các tỉnh và các trung tâm kinh tế lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải triển khai xây dựng đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; ưu tiên đề xuất đầu tư hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên trên tuyến quốc lộ 4D; đầu tư hoàn thiện hệ thống đường vành đai biên giới đoạn Pa Tần – Mường Tè – Pắc Ma – Mường Nhé (quốc lộ 4H), Phong Thổ – Bát Xát. Phát triển hệ thống giao thông nội vùng, liên vùng, những tuyến có sức lan tỏa lớn để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của vùng, tăng khả năng kết nối và tiêu thụ sản phẩm... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới
Đồng chí Vũ Ngọc Phẩm – Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng.
Đồng chí Vũ Ngọc Phẩm – Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng: Sau khi cửa khẩu Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế sẽ giúp cho việc xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua lại biên giới được dễ dàng, thuận lợi; tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và thực hiện tốt quan hệ đối ngoại giữa hai tỉnh Lai Châu – Vân Nam và hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Sự phát triển của thị trường tại các cửa khẩu quốc tế cũng đem lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động không chỉ ở khu vực cửa khẩu mà còn ở các vùng lân cận; thúc đẩy phát triển các hoạt động thương mại biên giới, công nghiệp, dịch vụ, du lịch và hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu, biên giới; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư; phát triển khoa học công nghệ; hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc trao đổi thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất của Lai Châu nói riêng và trong nước nói chung.
Nâng cao ý thức tự thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số
Đại biểu Lò Văn Biên – Phó Trưởng Ban dân tộc chuyên trách, HĐND tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh Lò Văn Biên – Phó Trưởng Ban dân tộc chuyên trách, HĐND tỉnh: Những năm qua, mặc dù với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy chính quyền các cấp, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, so với cả nước tỉnh Lai Châu vẫn là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vì vậy, để đồng bào dân tộc thiểu số tự thoát nghèo, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quán triệt thực hiện các chính sách dân tộc còn hiệu lực như chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và các chương trình chuẩn bị triển khai; rà soát đánh giá, tổng kết các chính sách dân tộc đã hết giai đoạn thực hiện để rút kinh nghiệm và có những giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết cơ bản những bức thiết của đồng bào dân tộc thiểu số như: Đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho đồng bào. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao ý thức tự thoát nghèo; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số...