Lai Châu dự Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025
Chiều tối (22/7), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
.png)
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ với đầu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ; đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân; Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; UBND thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, các Hiệp hội…
Dự điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, ngành tỉnh; chuyên viên phụ trách lĩnh vực thuộc các phòng, ban chuyên môn của Sở Ngoại vụ, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng UBND tỉnh…
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, trong 6 tháng đầu năm 2025 công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và mở ra nhiều hướng đi mới. Cụ thể đã chủ động thúc đẩy nội hàm kinh tế trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, huy động tối đa nguồn lực bên ngoài, khai thác hiệu quả các quan hệ đối ngoại chính trị tốt đẹp thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống và tăng trưởng mới góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã triển khai gần 50 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Nâng cấp quan hệ với 10 nước, ký kết 253 thỏa thuận hợp tác; trọng tâm là các thoả thuận liên quan đến vấn đề khoa học công nghệ, kinh tế, đầu tư, thương mại, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á; châu Mỹ, Ấn Độ, Trung Đông; nhất là với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
.png)
Tại tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 21/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Đồng thời duy trì, phát triển và mở rộng quan hệ đối ngoại với các đối tác truyền thống với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; các tỉnh Bắc Lào và mở rộng quan hệ với các đối tác mới như với các địa phương của Hàn Quốc, Bungari, Ấn Độ...
Cùng với đó, tỉnh tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, đồng thời thúc đẩy tìm kiếm đối tác mới và ký kết thỏa thuận hợp tác liên quan đến các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh. Công tác vận động viện trợ phục vụ phát triển được quan tâm, chỉ đạo; tiếp tục thực hiện và triển khai 03 dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 30,39 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,76 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,63 triệu USD.
Tại Hội nghị, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ tình hình thị trường và xuất khẩu một số ngành hàng; kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả thời gian tới như tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự; rà soát định kỳ, đôn đốc tiến độ triển khai các cam kết, thỏa thuận; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...
.png)
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, của doanh nghiệp và Nhân dân vào những thành tựu chung của đất nước. Đồng thời đề nghị các cơ quan đại diện cần thúc đẩy quan hệ chính trị ngoại giao, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, giao lưu Nhân dân, du lịch; xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ gắn với chủ động hội nhập quốc tế; thúc đẩy ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh thị trường hợp tác.
Tăng cường quảng bá ra thế giới về các mặt hàng, sản phẩm của Việt Nam với chất lượng cao, giá thành cạnh tranh; cũng như tăng cường giới thiệu về môi trường, đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là về các chính sách mới, các thành tựu phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kết nối với các cơ quan đại diện ở nước ngoài, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng, xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh, có khả năng cạnh tranh, những mặt hàng mà thế giới có nhu cầu, các sản phẩm, mặt hàng đặc sản, đáp ứng yêu cầu phát triển, yêu cầu chuyển đổi xanh của các nước, giải quyết bài toán trước mắt và cả lâu dài…