Huyện Than Uyên
Than Uyên nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lai Châu.
Vị trí địa lý
Than Uyên nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lai Châu, tọa độ địa lý trong khoảng từ 21°40’ đến 22°08’ vĩ độ Bắc và từ 103°35’ đến 103°53’ kinh độ Đông; nằm cách thành phố Lai Châu 100km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 32; cách Hà Nội khoảng 300km theo quốc lộ 32. Phía Đông giáp tỉnh Lào Cai (quốc lộ 32 và quốc lộ 279), tỉnh Yên Bái (quốc lộ 32), phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Sơn La; phía Bắc giáp huyện Tân Uyên.
Là một trong cửa ngõ của tỉnh từ thành phố Lai Châu đi các tỉnh Yên Bái (quốc lộ 32) và tỉnh Lào Cai (quốc lộ 279), Sơn La (quốc lộ 279), nên huyện có lợi thế trong phát triển các dịch vụ cho hoạt động giao thương, du lịch giữa huyện với các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh Lai Châu. Huyện có 12 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Than Uyên và các xã: Hua Nà, Khoen On, Mường Cang, Mường Kim, Mường Mít, Mường Than, Pha Mu, Phúc Than, Ta Gia, Tà Hừa,Tà Mung.
Địa hình
Than Uyên có địa hình bị chia cắt bởi hai hệ thống núi, hệ thống các dãy núi Hoàng Liên Sơn nằm ở phía Đông Bắc và hệ thống các dãy núi Pú Luông ở phía Tây Nam. Địa hình được hình thành 3 khu vực:
- Khu vực phía Đông là sườn núi phía Tây của dải núi Phanxipăng, núi cao địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.
- Khu vực phía Tây là đồi núi thấp thuộc dãy Pú Luông.
- Khu vực giữa: Chạy dọc theo quốc lộ 32, từ xã Phúc Than đến xã Mường Kim, như một thung lũng có cấu tạo là những đồi núi xen lẫn với những dải đồng bằng, có độ cao từ 500-650m so với mực nước biển.
Khí hậu
Khí hậu Than Uyên mang nhiều tính chất của khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa rõ rệt: Mùa khô và mùa mưa. Mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, độ ẩm thấp, ít mưa. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Mưa tập trung, lượng mưa bình quân 2.152mm/năm, thường có lũ quét.
Tài nguyên đất
Than Uyên có diện tích đất tự nhiên là 79.252,92ha, chiếm 8,7% diện tích của tỉnh với các loại đất như đất feralit đỏ vàng, đất mùn trên núi cao, đất phù sa ngòi suối.
Dân số
Năm 2018, dân số Than Uyên là 66.979 người, mật độ dân số bình quân là: 76 người/km². Dân cư tập trung đông ở các khu trung tâm xã và ven các xã trục giao thông chính (đường quốc lộ 32, quốc lộ 279, liên huyện, liên xã). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 22,5‰, cao hơn so với mức bình quân của tỉnh (tỉnh 21,19‰). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 dân tộc sống xen lẫn. Một số dân tộc chiếm tỷ lệ lớn như Thái (71,8%), Kinh (14,72%), Mông (11,15%), Khơ Mú (1,9%), Dao (0,6%) và các dân tộc khác.