A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nét đẹp truyền thống của Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu trong đời sống văn hóa dân tộc Thái

(laichau.gov.vn)

Nhằm giữ gìn bản sắc, nét đẹp văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng khu vực Mường So, hôm nay (17/10), UBND xã Mường So phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phong Thổ tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu năm 2022. Năm nay, Lễ hội được tổ chức tại bản Huổi Én, xã Mường So.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu hay còn gọi là Lễ hội cốm mới được tổ chức hàng năm lúc trời vào cuối thu và đầu mùa đông trên cánh đồng Mường So. Đây là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh đã ban cho bản làng, người dân mùa màng bội thu và nhiều điều tốt đẹp.

Lễ hội còn là dịp để Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cùng hội tụ, giao lưu văn hóa, tình cảm; xây dựng đời sống văn hóa tinh thần vui tươi, lành mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Sau phần lễ với các nghi thức rước hồn lúa, cúng hồn lúa, giã cốm, cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn, người dân và du khách đã cùng hào hứng tham gia phần hội với các trò chơi truyền thống như kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe. Tất cả các hoạt động đã gắn kết người dân, du khách đến gần nhau hơn, để trân trọng những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái trắng trong cộng đồng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Sau đây là một số hình ảnh tại Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu:

Đây là hình ảnh của đội nghi thức ra ruộng rước hồn lúa.
Những cô gái trong bản sẽ là người chọn ra những bông lúa to đều, mẩy hạt từ cánh đồng để mang về làm lễ.
Sau khi rước lúa về, thầy mo trong bản tiến hành làm Lễ cúng hồn lúa để bày tỏ lòng biết ơn của dân bản đối với thần linh.
Trong phần lễ sẽ không thể thiếu những điệu múa khăn và tiếng đàn tính tẩu của những chàng trai, cô gái dâng lên thần linh.
Sau lễ cúng, lúa được mang đi nướng....
... sau đó sẽ tuốt thóc bằng phương pháp thủ công.
Hạt thóc sau khi nướng và tuốt sẽ cho vào cối để giã. Trong công đoạn giã cốm, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng, không giã quá mạnh hoặc quá nhẹ để hạt cốm tròn đều, đẹp. Nghi thức giã cốm cũng được chia thành 2 bên nam, nữ như thể hiện sự giao thoa của 4 mùa trời đất, của âm dương hòa hợp.
Cốm sau khi giã sẽ được sàng sảy cho sạch để dùng thành phẩm dâng cúng thần linh.
Sau phần lễ, mọi người cùng tham gia các trò chơi. Chị em phụ nữ hào hứng với trò tung còn. Quả còn tung lên mang ý nghĩa tượng trưng cho việc rũ bỏ những việc xấu, những buồn đau để đón ấm no, hạnh phúc.
Hoặc kết đôi múa sạp. Múa sạp là một trong những điệu múa truyền thống của đồng bào Thái Tây Bắc.
Trò chơi kéo co không chỉ gắn kết người chơi mà còn thu hút đông đảo khán giả, làm tăng thêm tinh thần đoàn kết.

Tác giả: Kim Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.635
Hôm qua : 6.007
Tháng 02 : 21.447
Năm 2025 : 172.131
Tổng số : 84.129.064