Tọa đàm phân tích Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI tỉnh Lai Châu năm 2024 và công bố Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2024
Chiều nay (23/4), UBND tỉnh tổ chức Tọa đàm phân tích Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS, Chỉ số PAPI tỉnh Lai Châu năm 2024 và công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp huyện, cấp xã.

Dự Hội nghị có: Chủ tịch UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh 3 cấp tỉnh, huyện, xã; đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Giám đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xác định Chỉ số CCHC và các cơ quan ở các cấp liên quan…
Theo báo cáo tại Hội nghị, đối với công tác CCHC, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đã có nhiều chuyển biến tích cực như: Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật dần được nâng cao, đáp ứng tình hình thực tế và quy định của cấp trên; thủ tục hành chính theo thẩm quyền đã được tập trung rà soát, đơn giản thủ tục, thành phần hồ sơ, đặc biệt là cắt giảm thời gian giải quyết với tỷ lệ cắt giảm trung bình hàng năm đạt trên 30%. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình được đẩy mạnh, tiến tới thanh toán phí/lệ phí trực tuyến - không dùng tiền mặt trong thực hiện các dịch vụ công của người dân, doanh nghiệp; tổ chức bộ máy các cơ quan được sắp xếp tinh gọn hơn, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; các nền tảng cơ bản cho việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng; chất lượng phục vụ người dân của các cơ quan hành chính Nhà nước được nâng lên…
Kết quả công bố các chỉ số cải cách hành chính năm 2024 cũng cho thấy, nhiều nội dung tỉnh Lai Châu đã làm tốt, đạt điểm tối đa, như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX): Điểm đạt 85.97 điểm, tăng 0.19 điểm so với năm 2023, đặc biệt điểm do các Bộ thẩm định cho tỉnh được 60,10/68.0 điểm, đạt 88,38%, tăng 0,46% so với năm 2023; riêng chỉ số cải cách thủ tục hành chính đạt 12,98/13 điểm đạt 99,88%.
Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 81.51%, tăng 1,69% so với năm 2023. Mức độ hài lòng của người dân trên địa bàn tỉnh tăng dần qua các năm (năm 2022 mức độ hài lòng là 79,34%, năm 2023 là 79,82%).
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2024 tỉnh Lai Châu đạt 43.48 điểm xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố.
Tại Tọa đàm, Giám đốc Sở Nội vụ thông qua Quyết định của UBND tỉnh công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2024 của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Theo đó, Chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành: Chỉ số trung bình của cấp sở năm 2024 đạt 76,75%, giảm 2,67% so với năm 2023. Có 6/20 đơn vị đạt chỉ số trên 80%, trong đó cao nhất là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đạt 93,11%, Văn phòng UBND tỉnh đạt 87,56%; Thanh tra tỉnh đạt 86,56%; Sở Ngoại vụ đạt 85,52%; Sở Tài chính đạt 82,33%; Sở Thông tin và Truyền thông đạt 82,18%. Có 4/20 đơn vị chỉ số đạt dưới 70% là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt 64,45%; Sở Y tế đạt 66,87%; Sở Tài nguyên và Môi trường đạt 67,53%; Ban Dân tộc đạt 67,89%. Các đơn vị còn lại chỉ số đạt từ 70,71% - 79,46%.
So với năm 2024, có 4/20 đơn vị tăng điểm chỉ số, tăng nhiều nhất là Thanh tra tỉnh 20%; Sở Ngoại vụ 13,46%; Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh 9,42%; Văn phòng UBND tỉnh 1,46%. Có 16/20 đơn vị giảm điểm chỉ số, giảm nhiều nhất là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội 13,2%; Ban Dân tộc 11,87%; Sở Giáo dục và Đào tạo 10,96%; các đơn vị còn lại giảm từ 2,11% - 7,9%.
Chỉ số cải cách hành chính của các huyện, thành phố: Chỉ số trung bình năm 2024 của cấp huyện đạt 74,82% giảm 1,4% so với năm 2023. Đơn vị có chỉ số cao nhất là huyện Than Uyên đạt 78,86%, huyện Tân Uyên đạt 78,18%; thấp nhất là huyện Sìn Hồ đạt 67,33%. So với năm 2023, có 2/8 đơn vị tăng chỉ số là huyện Tân Uyên 4,61%; huyện Nậm Nhùn 2,01%; 6/8 đơn vị giảm, giảm nhiều nhất là thành phố Lai Châu 8,63%; các huyện khác giảm từ 0,51% - 4,04%.
Về kết quả điều tra xã hội học đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2024: Chỉ số trung bình năm 2024 đạt 79,67%. Đơn vị có chỉ số cao nhất là huyện Than Uyên 91,15%; huyện Tân Uyên 81,25%; thấp nhất là huyện Tam Đường 75,64%.
Tham luận tại Tọa đàm, trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu, với tinh thần làm việc khẩn trương, hiệu quả, thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, các ý kiến tham luận, thảo luận của các cơ quan, đơn vị tập trung đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân tồn tại, hạn chế; đề xuất giải pháp khắc phục đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần còn thấp gắn với triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách hành chính năm 2025.
Phát biểu kết luận Tọa đàm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương đã đánh giá cao các báo cáo phân tích chỉ số PAR INDEX, chỉ số SIPAS và chỉ số PAPI do Sở Nội vụ, Sở Tư pháp tham mưu. Các báo cáo phân tích rõ ràng, chi tiết, khoa học, có số liệu so sánh, đánh giá những nội dung đạt được, chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, qua đó thấy được toàn cảnh bức tranh CCHC của tỉnh trong biểu đồ 63 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Đối với kết quả Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương một số đơn vị có kết quả điểm tăng, xếp hạng tăng như Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở khoa học và Công nghệ), Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, UBND huyện Than Uyên, Tân Uyên, Phong Thổ. Đồng thời cũng nhắc nhở một số đơn vị, địa phương quyết tâm chưa cao, nỗ lực chưa lớn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện cải cách hành chính, dẫn đến điểm chỉ số và thứ hạng không có cải thiện qua nhiều năm đánh giá.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Những ngày cuối năm 2024, đầu năm 2025, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương thực hiện cuộc cải cách toàn diện bộ máy. Đến thời điểm này, tỉnh ta đã cơ bản thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, hoàn thành đề án sáp nhập các xã, bỏ cấp huyện, xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Từ giờ đến cuối năm, cải cách hành chính nói chung, cải cách tổ chức bộ máy nói riêng còn rất nhiều việc phải làm, việc đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2025 cũng sẽ có sự thay đổi nhiều, do đó chúng ta sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt hơn những ưu điểm, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra trong năm 2024. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung phân tích kỹ ưu điểm, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong công tác tham mưu, phối hợp đối với các nội dung/tiêu chí đánh giá của cả 3 chỉ số phân tích tại buổi Tọa đàm, đề xuất các giải pháp để khắc phục trong năm 2025.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương yêu cầu triển khai ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; không để công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh - xã hội tại địa phương. Tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách công, cung cấp dịch vụ hành chính công theo hướng lấy người dân làm trung tâm phục vụ, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh.
Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đẩy mạnh CCTTHC, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường tập huấn, nâng cao tỷ lệ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả TTHC trên địa bàn tỉnh. Cải cách chế độ công vụ, tập trung rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm để xác định biên chế, chỉ tiêu nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tuyển dụng, bố trí, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với đánh giá, xếp loại công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp gắn với tăng cường thanh, kiểm tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Kế hoạch số 1331/KH-UBND ngày 31/3/2025 của UBND tỉnh cải thiện, nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh Lai Châu năm 2025; Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về chỉ số; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động công vụ; tập huấn chuyên sâu cho cán bộ xã/phường mới sáp nhập về kỹ năng tiếp công dân, sử dụng phần mềm hành chính công, công khai ngân sách, khuyến khích tăng cạnh tranh lành mạnh về chất lượng đội ngũ sau sắp xếp…