A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Gắn kết bản sắc văn hóa với phát triển du lịch

(laichau.gov.vn)

Với các chính sách thông thoáng, nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện, hấp dẫn, du lịch Lai Châu đang trên đà khởi sắc.

Phát triển du lịch theo cách khác biệt

"Phát triển du lịch là 1 trong 10 nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu khai thác tiềm năng, phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Xác định vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền phục hồi, phát triển du lịch trong trạng thái bình thường mới, thời gian qua các cơ quan truyền thông của tỉnh đã nỗ lực vào cuộc, góp phần đưa hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hoá, tiềm năng và thế mạnh ngành du lịch Lai Châu đến nhiều hơn với du khách". Đây là nội dung trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu Khóa XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu có 5 Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghệ thuật múa Xòe, Trò chơi kéo co của dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào của người Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Bên cạnh đó, Di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Phát huy thế mạnh từ sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống các dân tộc, 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch (đã được UBND tỉnh công nhận) thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian và từng bước tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan, tìm hiểu.

Lai Châu có 5 Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Với lợi thế khí hậu trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, văn hóa đa dạng, tỉnh biên giới Lai Châu còn có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Điển hình như đèo Ô Quy Hồ vắt ngang dãy núi Hoàng Liên Sơn (cung đèo dài nhất Việt Nam); Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, cầu kính cao nhất Đông Nam Á; Khu rừng sinh thái Hoàng Liên, Khu sinh thái Tà Tổng, Khu du lịch sinh thái thác Tác Tình; đỉnh Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử với rừng đỗ quyên tuyệt đẹp… Hầu hết đều có độ cao trên dưới 3.000m so với mực nước biển.

Ngoài ra, Lai Châu còn có hệ thống hang động với vẻ đẹp nguyên sơ như: động Tiên Sơn ở Tam Đường, động Pu Sam Cap ở thành phố Lai Châu và 27 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh được đã xếp hạng…

Lai Châu nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa (Lào Cai) và Điện Biên Phủ, có Quốc lộ 4D, Quốc lộ 32, 12 và đường nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Mạng lưới giao thông giúp Lai Châu liên kết với Hà Nội - Lào Cai - Điện Biên và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tạo ra một mạch kết nối giao thương hàng hóa và du lịch trên cả tuyến Tây Bắc.

Tất cả những yếu tố trên là điều kiện rất tốt để Lai Châu phát triển các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng độc đáo… Với những thế mạnh đó, du lịch Lai Châu đã có những bước bứt phá nổi bật, đang dần dần khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Tây Bắc. 

Từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các hoạt động du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều điểm du lịch bị ngừng trệ, thậm chí đóng băng. Để phục hồi và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, cùng với thực hiện các chủ trương ưu tiên phát triển các dự án đầu tư du lịch có thế mạnh đặc thù, Lai Châu đã nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông để thúc đẩy phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn diễn biến của dịch Covid-19.

Bản Sì Thâu Chải, địa điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách ở Lai Châu. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Thông qua hàng loạt các chính sách cụ thể từ bảo tồn, duy trì, phát huy và đầu tư trong phát triển du lịch, cùng với nhiều giải pháp kích cầu du lịch, trong đó có việc truyền thông, quảng bá đã thu hút nhiều du khách khám phá, trải nghiệm.

Đến tháng 10/2021, sau khi nhiều tỉnh, thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, áp dụng giải pháp phục hồi theo phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, du lịch Lai Châu đã có những khởi sắc đáng kể. 

Tỉnh Lai Châu xác định năm 2022 sẽ là bước đà mới để du lịch Lai Châu phát triển trong bối cảnh bình thường mới, xây dựng các sản phẩm uy tín và thương hiệu du lịch tỉnh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Tại cuộc họp về du lịch vào đầu tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng khẳng định: “Làm du lịch cần phải có một quá trình liên tục nếu không sẽ bị gián đoạn, cho nên chúng ta phải tiếp tục quá trình đó với một sự quyết tâm. Lai Châu phải làm du lịch theo cách khác biệt, gắn kết du lịch với bản sắc văn hóa và lan tỏa bản sắc đó tới khách du lịch. Chúng ta có thế mạnh về địa hình đẹp, nhất là những đỉnh núi, những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc nhưng chúng ta phải làm du lịch một cách khác biệt, phát huy thế mạnh đó để thu hút du khách”.

Du lịch khởi sắc, thích ứng an toàn, linh hoạt

Giai đoạn 2016 - 2020, Lai Châu đã đón 1,5 triệu lượt khách du lịch. Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022 đã có gần 153.000 lượt khách du lịch đến với Lai Châu, doanh thu du lịch đạt 136 tỷ đồng.

Tuy phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhưng với các chính sách thông thoáng, nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện, hấp dẫn du lịch Lai Châu đang trên đà khởi sắc. 

Lai Châu cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, công ty du lịch, tổ chức cá nhân khi triển khai đầu tư, xây dựng các khu, điểm du lịch; các chương trình, tour, tuyến và các hoạt động du lịch khác tại địa phương. 

Lai Châu sẵn sàng cho các hoạt động đón khách, thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Tỉnh Lai Châu đã tích cực phát triển thị trường du lịch, dịch vụ, sản phẩm du lịch thông qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện, hội nghị, đón đoàn Famtrip, Caravan, hội chợ du lịch và du lịch quốc tế thường niên; phối hợp xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng và lợi thế sẵn có. 

Phát triển dịch vụ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, khách du lịch, khách công vụ khi đến tham quan và làm việc tại Lai Châu. Tổ chức 34 khóa tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho trên 1.500 lượt học viên là cán bộ, nhân viên, quản lý khách sạn và người dân trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xúc tiến quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức và tăng cường liên kết phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng phát triển du lịch...

Để sẵn sàng cho các hoạt động đón khách, thích ứng linh hoạt trong điều kiện mới trước diễn biến của dịch Covid-19, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu thực hiện nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch mới và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Sở đã tăng cường giới thiệu, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, công ty du lịch xây dựng sản phẩm du lịch để khách du lịch đến Lai Châu là nghĩ tới điểm du lịch cộng đồng hoang sơ, đậm tính miền núi đặc trưng và các nét văn hóa của các dân tộc bản địa.

Tiếp tục kích cầu du lịch phát triển, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030". 

Theo đó, Lai Châu sẽ huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Lai Châu phấn đấu xây dựng 5 sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; xây dựng 1 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Từ giữa tháng 3 tới nay, tình hình dịch Covid-19 cả nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng đang giảm mạnh, cơ bản đại dịch đã được khống chế. Tỉnh Lai Châu hòa cùng cả nước mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới.

Đầu tháng 4, huyện Phong Thổ tổ chức Lễ hội Then Kin Pang. Lễ hội gồm 2 phần: phần lễ với các nghi thức cúng, dâng hương tại nhà Then; phần hội có thi văn nghệ và trình diễn trang phục dân tộc Thái, các môn thể thao dân tộc, đêm hội vòng xòe, thi ẩm thực chế biến các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái, té nước, lễ hội gội đầu năm mới.

Lai Châu đón hơn 70 ngàn lượt khách du lịch trong Tuần Du lịch - Văn hóa 2022. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Từ ngày 14-17/4, tổ chức Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022 với chủ đề: “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ ”. Đêm khai mạc với sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ nhân đã tái hiện vẻ đẹp về “Miền đất - thiên nhiên - văn hóa - con người Lai Châu”, sự kỳ vĩ của những đỉnh núi cao nhất Việt Nam có ở Lai Châu. 

Trong Tuần Du lịch tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ hội Carnaval diễn diễu đường phố; trình diễn trang phục dân tộc; không gian văn hóa các dân tộc; triển lãm hoa lan, cây sinh vật cảnh; giới thiệu sản phẩm trà, mắc-ca, các sản phẩm OCOP và một số nông sản đặc trưng của tỉnh. Không gian giới thiệu, quảng bá du lịch có 18 gian hàng của 5 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Ngoài ra, gian hàng giới thiệu ẩm thực của Thành phố Hà Nội và tỉnh Phông Sa Lỳ (Lào) cũng mang tới 10 sản phẩm tham dự. Chương trình Famtrip và Tọa đàm Liên kết phát triển sản phẩm du lịch với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp lữ hành 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tại huyện Tam Đường tổ chức Giải Dù lượn đường trường Pu Ta Leng thu hút hơn 100 phi công tham gia; Giải Việt dã đường đá cổ Pavi có chiều dài 17km từ bản Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) sang bản Sàng Mà Pho (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)…

Trong thời gian diễn ra sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022, Lai Châu đã đón hơn 70 ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Cập nhật ngày 19/5/2022


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 147
Hôm qua : 6.208
Tháng 12 : 117.540
Năm 2024 : 2.427.790
Tổng số : 83.893.883