Phố đi bộ, điểm hẹn văn hóa Than Uyên
Phố đi bộ thị trấn Than Uyên (huyện Than Uyên) sau khi đi vào hoạt động đã trở thành điểm hẹn văn hóa, sân chơi lành mạnh vào mỗi dịp cuối tuần, có sức hút với du khách và góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương.
Vào dịp thứ 7 và chủ nhật, tuyến phố đi bộ đường 15/10 và khu vực bờ hồ thị trấn Than Uyên lại đông vui náo nhiệt hơn thường ngày. Mọi người cùng đến để thưởng thức nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực và cùng vui văn nghệ. Cứ thế, “đến hẹn lại lên”, phố đi bộ thị trấn đã trở thành điểm hẹn văn hóa của Than Uyên.
Theo ông Trần Quang Chiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên, phố đi bộ được tổ chức nhằm tạo ra sân chơi bổ ích đối với người dân địa phương, tạo sản phẩm du lịch mới có tính hấp dẫn đối với du khách. Các hoạt động văn hóa – nghệ thuật – thương mại – dịch vụ được duy trì nhằm tạo không gian mang tính cộng đồng. Qua đó, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, văn minh đô thị đặc trưng của vùng đất Than Uyên.
UBDN huyện đã lên kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng thị trấn tổ chức kiểm tra, giám sát đảm bảo hoạt động của phố đi bộ. Công tác phối hợp ngày càng nhịp nhàng, ăn khớp, dịp cuối tuần, mỗi khi phố lên đèn cũng là lúc phố đi bộ bắt đầu náo nhiệt.
Dẫu chưa thực sự đa dạng, phong phú, nhưng khu ẩm thực với những món: thịt trâu sấy, thắng cố thơm nồng mùi hạt dổi, mắc khén cùng những gia vị làm nên nét đặc trưng của ẩm thực Tây Bắc. Nhiều thứ quà vặt khác được bày bán nhằm tôn vinh những nghệ nhân nấu ăn vùng cao đã phần nào đáp ứng nhu cầu của thực khách. Khi đã "ấm bụng" và có chút hưng phấn bởi men say vùng cao thì cũng là lúc âm nhạc được cất lên.
Phố đi bộ như lung linh hơn khi chương trình giao lưu văn nghệ “Sắc màu văn hóa” mở màn. Hầu hết các chương trình đã được các đội văn nghệ của các địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Đội văn nghệ bản Thẩm Phé (xã Mường Kim) lấy nhạc cụ, đạo cụ là “Hươn mạy” tạo nên không gian mênh mang như hơi thở của dòng Nậm Mu tha thiết chảy ngày đêm làm điểm nhấn trong mỗi đêm diễn, thì những tiết mục đến từ các xã Mường Cang, Hua Nà, Mường Than, Mường Mít… lại chủ yếu dùng các điệu dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc Thái.
Địa bàn cư trú chủ yếu tại vùng cao, các tiết mục của đội văn nghệ mà hạt nhân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông của các xã: Tà Mung, Pha Mu thường mang tới phố đi bộ những tiết mục mà từ nhạc cụ, đạo cụ, lối trình diễn đều thấm đẫm hương vị nồng nàn của núi.
Tiếng khèn mông dìu dặt, tiếng sáo Mông thiết tha, nhịp đàn môi lảnh lót gọi bạn như hòa quyện tạo nên không gian âm nhạc mà mỗi người được trải nghiệm đều có những ấn tượng khó phai. Cùng với đó là những tiết mục văn nghệ mang hơi thở tuổi trẻ, hiện đại đến từ các trường phổ thông dân tộc nội trú, THPT huyện Than Uyên, giúp cho không gian văn hóa thêm đa dạng, phong phú.
Chúng tôi có dịp trao đổi với một nhóm bạn trẻ yêu du lịch, đến từ thành phố Hải Phòng, khi được phỏng vấn, mọi người đều chung cảm nhận và chia sẻ đã có nhiều ấn tượng với phố đi bộ. Vì thế mỗi dịp quay lại Than Uyên, mọi người thường lựa chọn vào dịp cuối tuần để được sống trong không gian thấm đẫm sắc màu văn hóa của Than Uyên.
Có những thời điểm, dịch Covid – 19 bùng phát, phố đi bộ đóng cửa trong nỗi nhớ tới nao lòng của người dân nơi đây cũng như sự mong mỏi của du khách thập phương. “Những ngày này, các nghệ nhân, diễn viên không chuyên tranh thủ sửa soạn lại trang phục, đạo cụ, tự tập luyện để khi phố được hoạt động trở lại sẽ tiếp tục “cháy hết mình” trong từng đêm diễn” – anh Lò Văn Quân đội văn nghệ xã Mường Mít (huyện Than Uyên) chia sẻ với chúng tôi.
Phố đi bộ thị trấn Than Uyên đã trở thành điểm hẹn văn hóa, sân chơi bổ ích và có sức hút với du khách. Để tuyến phố này tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác quản lý văn hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh trật tự.
Cập nhật ngày 28/10/2022