Hướng dẫn phòng, tránh lũ quét
Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên các lưu vực sông suối ở miền núi, nơi có độ dốc lớn, dòng chảy xiết, thường kèm theo đất, đá, cây cối. Lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn. Khi xảy ra lũ quét thường kèm theo sạt lở đất, đá. Dưới đây là một số khuyến cáo, hướng dẫn về dấu hiệu, những việc nên làm, không nên làm nhằm giảm thiểu những thiệt hại do lũ quét gây ra.

Dấu hiệu
Mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng lưu.
Nước sông suối chuyển màu đục.
Có tiếng động bất thường của đất đá, cây cối.
Xuất hiện âm thanh lạ trong lòng đất.
I. Những việc nên làm
1. Luôn luôn cảnh giác, đề phòng khi có các dấu hiệu của lũ quét, nhất là khi có mưa lớn kéo dài (kể cả ban đêm).
2. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ quét (bao gồm cả khu vực thượng lưu) trên mọi phương tiện như tivi, loa, đài, internet…
3. Thông báo cho chính quyền và những người xung quanh khi có dấu hiệu lũ quét.
4. Tránh xa các khu vực có nguy cơ lũ quét, không được lội qua sông, suối, ngầm, tràn, đường bị ngập…
5. Sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, an toàn tính mạng là quan trọng nhất.
6. Chạy thật nhanh ra khỏi nơi nguy hiểm đến các khu vực, vị trí cao hơn.
II. Những việc không nên làm
1. Hạn chế đi lại qua sông, suối; không đi gần khu vực cầu, cống khi nước đang lên, dòng chảy mạnh.
2. Không được đánh cá, vớt củi, bơi lội qua sông, suối khi có mưa lớn hoặc thấy có dấu hiệu bất thường như nước từ trong chuyển sang đục dần.
3. Không lội xuống nước nếu nhìn thấy dây điện hoặc cột điện bị đổ xuống nước.
III. Việc làm thường xuyên
1. Thường xuyên theo dõi thông tin mưa lũ trên báo, đài, ti vi hoặc loa phát thanh công cộng, các mạng xã hội; quan sát các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét.
2. Tham gia tích cực các cuộc họp thôn bản để biết thông tin về mưa lũ và các biện pháp phòng ngừa.
3. Xác định vị trí an toàn hơn có thể trú ẩn khi các tình huống xảy ra.
4. Không nên xây nhà tại những nơi thường có lũ xảy ra, nơi gần dòng chảy, có độ dốc cao. Di dời nhà cửa đến vùng đất an toàn hơn.
5. Chủ động chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc và đồ sơ cứu y tế, đèn pin, cuốc, xẻng, cuộn dây…
6. Không phá rừng đầu nguồn hoặc khai thác gỗ bừa bãi. Trồng cây và bảo vệ rừng.
(Biên tập theo tài liệu của Tổng Cục phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).