• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Một số sự kiện bảo mật và an toàn thông tin tiêu biểu năm 2016

(laichau.gov.vn)
Năm 2016 đã diễn ra nhiều sự kiện liên quan đến bảo mật và an toàn thông tin. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu điểm lại các sự kiện tiêu biểu.

Sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" là sự kiện thường niên được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam chủ trì tổ chức từ năm 2008 đến nay. Ảnh: M.Quyết. (thongtincongnghe.vn)

Hội thảo Khoa học về An toàn thông tin lần thứ Nhất 

Ngày 28/11/2016, tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông - Ban Điều hành triển khai Đề án 99, Học viện Kỹ thuật Mật mã và Cục An toàn thông tin đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ I về an toàn, an ninh thông tin. Hội thảo diễn ra trong 02 ngày 28-19/11/2016.

Tham dự Hội thảo là các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, nghiên cứu sinh, sinh viên của các cơ sở đào tạo về an toàn thông tin tại Việt Nam. Hội thảo là diễn đàn khoa học thường niên để những người nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực an toàn thông tin trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự hợp tác. Hội thảo khuyến khích các nghiên cứu sinh, học viên cao học và những nhà khoa học trẻ tham gia báo cáo, trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của bản thân, và đặc biệt những kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn.

Chia sẻ tại hội thảo, cùng với việc nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng bậc nhất của yếu tố con người, của nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn  Huy Dũng cho biết, triển khai Đề án 99, cơ quan quản lý nhấn mạnh vào 2 nhiệm vụ. Trước hết là phải phải tiến hành đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT để đáp ứng nhu cầu của xã hội cho hiện tại và tương lai cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, đã có 8 cơ sở trọng điểm được lựa chọn để đào tạo kỹ sư, cử nhân đặc biệt là kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về ATTT….

Hội nghị mật mã Châu Á lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam

Hội nghị này được tổ chức từ 4-8/12/2016 tại Hà Nội, với sự tham gia của những nhà khoa học đầu ngành như Adi Shamir (người đoạt giải thưởng Turing - giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính), những nhà nghiên cứu đi đầu mở đường cho sự phát triển khoa học mật mã ở nhiều nước như: Jacques Stern (Pháp), Tatsuaki Okamoto (Nhật Bản), Serge Vaudenay (Thụy Sỹ)… và nhiều chuyên gia có vai trò quan trọng trong cộng đồng mật mã thế giới.

ASIACRYPT là một trong ba hội nghị thường niên lớn nhất thế giới về mật mã, bên cạnh EUROCRYPT và CRYPTO. Đây là 3 hội nghị quốc tế chính thức của Hội mật mã thế giới (IACR), được tổ chức hàng năm tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ.
ASIACRYPT 2016 được tổ chức tại Hà Nội, sự kiện do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) tổ chức, dự kiến khoảng 250 nhà khoa học từ 40 nước tham dự. Đồng Trưởng ban tổ chức Hội nghị là GS. Ngô Bảo Châu (VIASM và Đại học Chicago, Mỹ) và GS. Phan Dương Hiệu (Đại học Limoges, Pháp).
ASIACRYPT 2016 đã nhận được 240 công trình khoa học gửi tới từ nhiều nước trên thế giới. Sau quy trình lấy ý kiến nhận xét của các nhà khoa học đã có 67 công trình khoa học đã được lựa chọn để xuất bản và trình bày tại Hội nghị (danh sách các công trình này và chương trình hội nghị đã được đăng trên website của ban tổ chức). Ba báo cáo mời với chủ đề “Triển khai thực tế của mật mã trên internet”, “Những tiến bộ trong các hàm mã hóa” và “Mật mã học của Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ” sẽ được trình bày khai mạc các phiên hội thảo từ ngày 5-7/12/2016, cùng nhiều công trình khoa học của các trung tâm nghiên cứu mật mã có uy tín trên thế giới.

Triển khai thực hiện Luật An toàn thông tin mạng

Luật An toàn thông tin mạng được Quốc hội thông qua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình định hình, thống nhất chung hoạt động quản lý, bảo đảm an toàn thông tin dưới một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, trên cơ sở tăng cường triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thông tin trong giai đoạn tới.

Luật An toàn thông tin mạng bao gồm 08 Chương và 54 Điều, quy định về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng; quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng.

Ngay sau khi Luật An toàn thông tin mạng được ban hành vào ngày 19/11/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung, cũng như tiến hành xây dựng văn bản pháp luật, nhằm hướng dẫn việc thực hiện Luật An toàn thông tin mạng tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; giúp cho việc chấp hành và nắm bắt các quy định pháp luật của các cá nhân, tổ chức có liên quan được diễn ra kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Hội thảo Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam

Sáng ngày 28/9, tại Hà Nội, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Bảo mật và an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam”. Trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội đặt ra cho Ban Cơ yếu Chính phủ những nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Với chức năng là cơ quan mật mã quốc gia, Ban Cơ yếu Chính phủ đã và đang tập trung củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng CNTT trọng yếu và đẩy mạnh công tác quản lý mật mã dân sự.

Tại Việt Nam, trong khi Chính phủ đang thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT, sẽ xuất hiện những nguy cơ mới về mất an toàn thông tin và tiềm ẩn những mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền không gian mạng quốc gia, sẽ gia tăng các cuộc tấn công có chủ ý sử dụng công cụ tin học, kỹ thuật thu tin mã thám vào các hệ thống mạng CNTT và viễn thông trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng liên lạc cơ yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật  nhà nước, giả mạo thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy.

Trong bối cảnh đó, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chú trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ mật mã; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các chủng loại sản phẩm mật mã đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin trong triển khai Chính phủ điện tử, kết hợp triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số và giám sát an toàn thông tin và các giải pháp chống mã độc (thiết bị lưu trữ chuyên dụng, máy tính chuyên dụng…).

Hội thảo - Triển lãm quốc gia về an toàn, bảo mật 2016 - Security World 2016

Hội thảo này quy tụ các khách mời cấp cao từ khối Chính phủ cùng các chuyên gia hàng đầu, các Giám đốc CNTT (CIOs) và Giám đốc Bảo mật (CSOs) tới thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp CNTT mới nhất về an ninh bảo mật.

Hội Thảo – Triển lãm Quốc Gia Security World 2016 tập trung chủ đề: “Giám sát An Toàn Thông Tin và Bảo Mật Dữ Liệu: Yêu Cầu Bức Thiết Trong Kỷ Nguyên Số”. Hội thảo năm nay sẽ cập nhật những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực Bảo mật thông tin đang không ngừng phát triển, đồng thời tiếp cận các giải pháp pháp bảo mật tiên tiến với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ và các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam tăng cường hệ thống giám sát an ninh, ứng phó với những hiểm hoạ an ninh ngày càng phức tạp và nghiêm trọng trong môi trường rủi ro hiện nay…

Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2016

Sáng ngày 17/11/2016 tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo quốc tế ''Ngày An toàn thông tin Việt Nam'' lần thứ 9. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh và Chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA phía Nam) cùng phối hợp tổ chức.

Chủ đề của Hội thảo năm nay là ''Kỷ nguyên mới của An ninh mạng'' đã phản ánh bối cảnh an toàn, an ninh thông tin đang có những diễn biến hết sức phức tạp cả trong và ngoài nước, đe dọa trực tiếp đến người dùng, mọi tổ chức, doanh nghiệp, gây ảnh hưởng cho các hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu. Tấn công mạng thậm chí được nâng tầm, sử dụng cho các cuộc tấn công mang tính thù địch, giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa một số quốc gia.

Trong phiên Hội thảo diễn ra vào buổi sáng, Báo cáo trung tâm ''Hiện trạng về an toàn thông tin khu vực phía Nam năm 2016'' do Chi Hội VNSA phía Nam trình bày thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự. Báo cáo đã phần nào nêu lên bức tranh về ATTT Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng. Bên cạnh đó là các tham luận thể hiện góc nhìn về hiện trạng ATTT trên thế giới và các giải pháp ATTT tối ưu của các hãng công nghệ hàng đầu thế giới.

ĐL


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.745
Hôm qua : 6.259
Tháng 04 : 197.865
Năm 2025 : 746.437
Tổng số : 84.703.370