• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển công dân số

(laichau.gov.vn)

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày càng có nhiều người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp hay tham gia vào các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh… trên nền tảng kỹ thuật số. Từ đó, góp phần hình thành và phát triển công dân số để phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại.

Thời gian qua, anh Nguyễn Văn Dân ở tổ dân phố Hòa Bình (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) cần thực hiện một số thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (Bộ phận “Một cửa”) của UBND thị trấn. Song do bận rộn, thường xuyên phải di chuyển xa nhà nên anh tìm hiểu cũng như sử dụng máy tính và các ứng dụng trên điện thoại di động để giải quyết công việc. Từ đó, giúp ích cho anh trong giải quyết các vấn đề như: cấp đổi giấy phép lái xe, thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai… Anh Dân tâm sự: “Nếu như trước đây, mỗi khi cần giải quyết thủ tục hành chính, tôi phải trực tiếp ra Bộ phận “Một cửa” thị trấn rất mất thời gian, giờ chỉ cần đăng ký một tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và có điện thoại thông minh là có thể nộp các hồ sơ trực tuyến nhanh gọn và hiệu quả. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin giúp tôi biết đến các sản phẩm mình cần mua trên nền tảng kỹ thuật số để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán tiền điện, nước, đóng học phí cho con… cũng được tôi giải quyết nhanh gọn thông qua điện thoại di động thông minh mà không cần đi lại để nộp trực tiếp như trước”.

Mở cửa hàng kinh doanh hóa mỹ phẩm nên chị Trần Thị Sâm ở số nhà 026, đường Trần Phú (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) thường xuyên ứng dụng nền tảng số giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo chị Sâm, đã có thời gian dài duy trì bán hàng theo phương thức truyền thống, song từ sau đại dịch Covid-19, việc kinh doanh online phổ biến, nếu không bắt kịp xu hướng này sẽ khó tồn tại. Do đó, chị vừa duy trì bán hàng truyền thống, vừa tìm hiểu phương thức bán hàng trên nền tảng mạng xã hội nhằm thu hút, mở rộng lượng khách hàng mới. Đặc biệt, chị Sâm còn liên hệ các ngân hàng làm mã QR Code để khách hàng thuận tiện sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán khi mua hàng bằng hình thức quét mã QR code.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng đẩy mạnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, tích cực quảng bá hình ảnh, thương hiệu thông qua các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, việc tiếp cận khách hàng đa dạng và rộng mở hơn, doanh thu cũng tăng lên đáng kể.

Ông Trần Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng người sử dụng điện thoại thông minh và mạng intenet trên địa bàn tỉnh ngày càng phổ biến. Do vậy, toàn tỉnh có 41,5% số hộ gia đình sử dụng internet băng thông rộng, cáp quang. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 289.942 người (đạt 59,5%) và 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng kỹ thuật số trong sản xuất kinh doanh.

Để phát triển công dân số, tỉnh đã hoàn thiện đưa vào vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh như: Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, kết nối trực tiếp về cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức, viên chức của Bộ Nội vụ… Ngoài ra, hệ thống văn bản điện tử với trục văn bản quốc gia được kết nối liên thông tới 100% các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức hội do tỉnh thành lập. Tại mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đều có một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, quản trị mạng. Vì vậy, góp phần đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân trên địa bàn tỉnh.

Với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 đảm bảo hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng ổn định, an toàn, bảo mật thông tin phục vụ hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính. Trong đó, 100% cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng. 80% dịch vụ công có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình và được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 80% hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên hộ gia đình. 100% hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên xã; 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Để đạt mục tiêu đề ra này, tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết của chuyển đổi số. Đồng thời, gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý Nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị. Tăng cường kiểm tra, rà soát xây dựng các phương án bảo vệ, ứng cứu xử lý sự cố tấn công mạng, đề xuất cấp độ an toàn thông tin mạng.

Cập nhật ngày 26/2/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.110
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 199.350
Năm 2024 : 870.940
Tổng số : 82.337.033