• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (25/12), Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ điểm cầu Trung ương đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lai Châu; thành viên Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh… Hội nghị còn được kết nối đến điểm cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06). Sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án 06 đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực. Đã hoàn thành đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, một số dịch vụ có tỷ lệ người dân hưởng ứng tham gia cao. Ứng dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh tại 94% cơ sở y tế; tích hợp thông tin thẻ ATM phục vụ rút tiền, bảo đảm xác thực, chính xác danh tính, phòng chống rủi ro gian lận; đẩy mạnh các ứng dụng phục vụ triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến ngày 22/12/2022, hệ thống đã thu nhận hơn 18.7 triệu hồ sơ đăng ký, phê duyệt trên 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân; đã cấp 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 12 đơn vị bộ, ngành, 1 doanh nghiệp Nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương. Tiếp nhận tổng 819.823.398 yêu cầu tra cứu, xác thực, đồng bộ thông tin; triển khai kết nối, làm sách thông tin thuê bao di động của 3 nhà mạng viễn thông với 66,9 triệu yêu cầu đối sánh.   

Cũng trong năm 2022, Ủy ban chuyển đổi số quốc gia tích cực triển khai các nhiệm vụ đã đề ra. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Cuộc thi “Sáng tác biểu trưng chuyển đổi số quốc gia” và đã tìm kiếm được mẫu biểu trưng nhận diện chuyển đổi số quốc gia. Hạ tầng số ngày càng được cải thiện, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 79,95 Mbps, tăng 29,60% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 45 và cao hơn mặt bằng chung của thế giới là 71,39 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 39,48 Mbps, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ 52 và cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới là 33,17 Mbps. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.152 thôn bản (toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng, tăng 1,9% so với đầu năm 2021).

Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 4.839 lượt công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương và 28.989 lãnh đạo UBND cấp xã.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện; 100% xã trên toàn quốc. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021, trung bình hàng ngày có khoảng 2,36 triệu giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Ước tính sơ bộ năm 2022, tỷ trọng kinh tế số ước đạt 14,26% GDP.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào các giải pháp triển khai hiệu quả Đề án 06; kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số, Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu Kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Đề án 06 và hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia năm 2022. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt một số vấn đề như: Tiếp tục nêu cao vai trò của người đứng đầu các cấp trong chỉ đạo triển khai Đề án 06; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai các nội dung Đề án 06; nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện; đẩy mạnh phát triển công dân số, tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh… Đồng thời các bộ, ngành, địa phương quyết liệt bằng những hành động, mục tiêu, việc làm cụ thể nhằm quán triệt, tạo sự lan tỏa đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện chuyển đổi số; coi chuyển đổi số là động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi thói quen, trạng thái trong môi trường số, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin... Chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi số phù hợp với tình hình thức tế tại cơ quan, đơn vị... đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3.330
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 227.234
Năm 2024 : 658.069
Tổng số : 82.124.162