A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những triệu phú trên đất chè

(laichau.gov.vn)

Huyện Tân Uyên được biết đến là vùng trọng điểm phát triển cây chè của tỉnh. Từ cây chè, nhiều nông dân đã mạnh dạn học hỏi, chăm chỉ trong lao động và trở thành triệu phú trên đất chè; triển khai áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phát triển chè theo hướng xanh, sạch, an toàn. 

Ông Lê Duy Phúc (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng chè sạch, an toàn.
Ông Lê Duy Phúc (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm trồng chè sạch, an toàn.

 

Từ một người nông dân quanh năm gắn liền với cây lúa, ngô và chăn nuôi lợn, gà đến nay gia đình ông Hoàng Văn Phúc ở bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng trở thành hộ điển hình phát triển kinh tế giỏi của địa phương. Ông Phúc chia sẻ: Sinh ra, lớn lên và lập gia đình tại địa phương, phát triển kinh tế cũng nối gót theo thế hệ trước. Dù cần cù, chăm chỉ lao động nhưng năng suất, hiệu quả lao động không cao. Với quyết tâm thoát đói nghèo, tôi đã học hỏi kinh nghiệm, trao đổi với nhiều nông dân khác trong huyện và tìm cho mình hướng đi mới. Tôi mạnh dạn đăng ký chăm sóc chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (thị trấn Tân Uyên). Vừa làm vừa học tôi tích lũy được kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè. Nhờ đó, gia đình tôi có bước phát triển kinh tế như hôm nay.

Hiện nay, gia đình ông có hơn 10ha chè, trong đó 8ha chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Mỗi héc-ta chè cho thu 3 tấn búp tươi/tháng, giá bán từ 6-8 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm cây chè cho thu hoạch gần 200 triệu đồng. Nhờ cây chè, gia đình ông không chỉ đủ ăn mà còn có vốn tích lũy, đầu tư phát triển chăn nuôi trâu, dê với số lượng 25 con. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất chè, năm 2018, ông tham gia mô hình trồng xen canh cây mắc ca. Ông Phúc tin tưởng mô hình sẽ giúp người nông dân làm giàu trên quê hương.

Hơn 20 năm qua, gia đình bà Đào Thị Hoa - Tổ dân phố số 1 (thị trấn Tân Uyên) nỗ lực phát triển cây chè để tạo thu nhập cho gia đình và lao động địa phương. Từ một hộ dân sinh sống bằng việc kinh doanh nhỏ ở khu vực trung tâm thị trấn, thu nhập bấp bênh, bà Hoa quyết định chuyển sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Sau khi bàn bạc thống nhất, gia đình bà bán nhà ở mặt phố để đầu tư mua đất, trồng chè. Vay thêm nguồn vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Tân Uyên mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình bà sở hữu hơn 10ha chè đang trong giai đoạn kinh doanh ổn định. Năm 2019, năng suất chè của gia đình bà đạt 311 tấn chè búp tươi, giá thành thu mua ổn định. Ngoài ra, bà Hoa còn làm đại lý thu mua chè cho Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Để tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia đình bà tiến hành trồng mắc ca xen canh chè vừa làm cây bóng mát cho chè vừa nâng cao thu nhập. Bà Hoa tâm sự: Chuyển từ việc kinh doanh nhỏ sang làm người nông dân trồng chè, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các cơ quan chuyên môn, đoàn thể thị trấn, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Sau nhiều năm gắn bó tôi nhận thấy cây chè đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm giàu và tạo việc làm, thu nhập cho nông dân.   

Bén duyên với cây chè từ 1995, đến nay ông Lê Duy Phúc - Tổ dân số 5 (thị trấn Tân Uyên) có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong quy trình sản xuất chè sạch. Đặc biệt, ông thay thế các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật bằng các dòng sản phẩm sinh học để phòng sâu bệnh trên cây chè, trong đó sản phẩm đặc trị rêu bám trên thân cây. Ông Lê Duy Phúc cho biết: Do thời tiết mưa ẩm, cây bị ướt, thuận lợi cho rong rêu phát triển mạnh. Tuy tác hại không lớn như các loại sâu, bệnh khác nhưng số lượng dày đặc làm ảnh hưởng đến việc trao đổi chất, sự phát triển và tạo điều kiện cho các loại bệnh khác xâm lấn gây hại cho cây chè. Hơn 3 năm qua, gia đình ông sử dụng các chế phẩm sinh học hiện tượng rong rêu ký sinh không còn, các loại bệnh khác cũng giảm hẳn. Sản lượng, năng suất chè cao hơn từ 5 – 10% so với các hộ liền kề.

Không chỉ là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập cao từ cây chè, ông Lê Duy Phúc còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm sinh học trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để tạo sản phẩm sạch, an toàn.

Tân Uyên hiện có hơn 3.000ha chè, trong đó có gần 2.100ha chè đang trong giai đoạn kinh doanh; sản lượng chè búp tươi đạt 16.988 tấn, vượt 25% so với kế hoạch đề ra. Những năm qua, cây chè không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn là cơ hội để nông dân trong huyện vươn lên làm giàu, xóa đói, giảm nghèo.

Có thể nói, những người nông dân nơi đây đã nỗ lực vươn lên, thay đổi tư duy, cách nghĩ trong lao động sản xuất trở thành triệu phú từ cây chè.

Cập nhật ngày 26/02/2020.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.781
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 129.135
Năm 2024 : 800.725
Tổng số : 82.266.818