Vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, đặt ra những thách thức lớn cho Ngành Nông nghiệp. Chiều ngày 12/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì Hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, dự Hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo các phòng, trung tâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện một số công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Ngành Nông nghiệp đang đối mặt với những khó khăn như bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long; dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn, ảnh hưởng đến công tác tái đàn; thị trường tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn… Để đạt mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực trong nước, tăng cường xuất khẩu, Ngành Nông nghiệp tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Đối với trồng trọt, sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn. Rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực; chú trọng yếu tố thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn; xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, chế biến, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, rải vụ thu hoạch để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu tươi cũng như đảm bảo nguyên liệu cho chế biến.
Trong chăn nuôi, Ngành Nông nghiệp tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá thịt lợn, lợn giống trên thị trường; đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân các điều kiện để tái đàn lợn, tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh, mở rộng thị trường và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ sản xuất con giống và tín dụng để người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục đàn lợn.
Cùng với đó, tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản, nhất là những loại có giá trị kinh tế cao; cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ, cá tra, nuôi lồng, bè; kiểm tra, cấp duy trì chứng nhận đủ điều kiện đối với các cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; triển khai các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển lâm nghiệp; bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có để tăng độ che phủ rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; đảm bảo cung cấp phần lớn gỗ, nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ; triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản đã được phê duyệt.
Đối với Lai Châu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc sản xuất, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch được giao; tiếp tục tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh các cơ chế, chính sách, đề án đã được ban hành để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh ở những nơi đủ điều kiện theo quy định để bảo đảm sản lượng thịt tiêu thụ phục vụ thị trường trong tỉnh; phát triển đàn gia súc ăn cỏ, gia cầm, thủy sản ở các địa phương có lợi thế; đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị cây giống đảm bảo đủ số lượng, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, theo quy định để phục vụ kế hoạch trồng rừng; chuẩn bị để cung ứng đầy đủ giống, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.
Phân tích tình hình hiện nay, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Ngành Nông nghiệp của Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn đó là dịch bệnh Covid-19; biến đổi khí hậu và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, bất thường. Trước tình hình đó, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Ngành Nông nghiệp phải sớm nhận diện được rõ nguy cơ, thách thức và đưa ra các chùm giải pháp thực hiện; cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều thực hiện một cách quyết liệt và đồng bộ; xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và sáng tạo trong cách thực hiện; khai thác những lợi thế, cơ hội để biến nguy thành cơ hội mới; phải đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm; tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi lĩnh vực, thống nhất từ vùng nguyên liệu chế biến đến thương mại; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn; tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh trong nông nghiệp.