• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ đội Biên phòng tỉnh: Gắn công tác bảo vệ biên giới với công tác dân tộc

(laichau.gov.vn)
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp gắn công tác bảo vệ biên giới với công tác dân tộc. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cấp ủy chính quyền, Nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới về công tác dân tộc gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp dân thu hoạch lúa

Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 231 bản/23 xã thuộc 04 huyện biên giới với 10 dân tộc sinh sống trong đó dân tộc Dao chiếm 31,77%, dân tộc Mông chiếm 27,98%, dân tộc Hà Nhì chiếm 17,42%, còn lại là các dân tộc khác. Nhân dân các dân tộc trên địa bàn cơ bản ổn định, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nền nếp; quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chính sách dân tộc, tôn giáo.

 Tuy nhiên, đời sống của đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế chậm phát triển; một số phong tục tập quán còn lạc hậu, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp, nổi lên là hoạt động của các loại tội phạm mua bán người; buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma tuý, trộm cắp tài sản… Mặt khác, các thế lực thù địch luôn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo di cư tự do nhằm thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ chống phá Đảng và Nhà nước ta.

Trước tình hình đó, Đảng bộ BĐBP tỉnh xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc ổn định đảm bảo an ninh chính trị khu vực biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tổ chức quán triệt, học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quân ủy Trung ương về công tác dân vận nói chung và công tác dân tộc nói riêng, đặc biệt là Chỉ thị số 572/CT-QUTW của Quân ủy Trung ương “về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác dân tộc trong tình mới cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Biên phòng; nâng cao chất lượng chỉ đạo các lực lượng chuyên trách, tích cực tham mưu cho địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, quần chúng Nhân dân tham gia bảo về chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia.

 Đồng thời, cụ thể hoá Chỉ thị số 572/CT-QUTW vào Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy  hàng tháng, quý và hàng năm. Phân công trách nhiệm cụ thể cho Phó Chính uỷ phụ trách đôn đốc việc thực hiện, duy trì thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã tích cực vận động Nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đặc biệt khó khăn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chính sách về dân tộc, tôn giáo. Chú trọng việc tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch, lôi kéo di dịch cư tự do và theo đạo trái pháp luật, thành lập “Nhà nước Mông”. Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân về nhiệm vụ chính trị của địa phương, về xây dựng nền biên phòng toàn dân; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, cán bộ chiến sĩ Biên phòng tỉnh cũng đã thực hiện các chương trình, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở các xã biên giới. Đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức mở 279 lớp bồi dưỡng cho 11.691 lượt cán bộ xã, bản; 94 lượt cán bộ Biên phòng tăng cường xã; 150 lượt cán bộ vận động quần chúng, y sỹ, y tá về kiến thức khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế, xã hội để hướng dẫn giúp đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Mở các lớp học tiếng dân tộc như: tiếng dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, La Hủ cho các đồng chí làm công tác ở địa bàn thực hiện “4 cùng” với Nhân dân nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho địa phương và hướng dẫn Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, thực hiện các dự án sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng các điểm trường, làm đường, san ủi mặt bằng, thủy lợi, nước sạch, hỗ trợ sản xuất với tổng vốn đầu tư 99,8 tỷ đồng. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “BĐBP Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”. Chủ động phối hợp các ban ngành, tỉnh, huyện quy hoạch ổn định, sắp xếp và di chuyển dân đến nơi có điều kiện sản xuất tốt hơn để thành lập bản theo mô hình nông thôn mới. Đã vận động đồng bào về sinh sống tập trung, thành lập mới 03 bản (Hà Xi, xã Pa Ủ; Là Si xã Ka Lăng; Là Si xã Thu Lũm), quy hoạch sắp xếp lại 02 bản (Tân Biên, Mu Chi xã Pa Ủ) với tổng số 130 căn nhà, giúp bà con thêm điều kiện, thuận lợi phát triển kinh tế, xã hội và dần vươn lên thoát nghèo. Thông qua nhiều mô hình hiệu quả góp phần giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng giúp dân khai hoang lúa nước 

Phát huy kết quả cán bộ Biên phòng tăng cường xã biên giới Đảng ủy BĐBP tỉnh tiếp tục giới thiệu 22 đồng chí cán bộ tăng cường cho 22/23 xã biên giới; tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương sắp xếp cán bộ đảm bảo đúng quy trình, tổ chức biên chế và hợp lý giữ các thành phần dân tộc. Từ những kết quả đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền và chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể các xã; các chế độ sinh hoạt, công tác của tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể dần đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả; vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể quần chúng được nâng lên; mối quan hệ giữa tổ chức đảng, chính quyền với Nhân dân ở các xã biên giới được củng cố vững chắc, Nhân dân tin tưởng vào Đảng, chính quyền, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước.

 Trong công tác quản lý biên giới, các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân, công an các xã biên giới tổ chức tuần tra, kiểm soát bảo vệ đường biên, cột mốc được 2.860 lượt/25.742 người tham gia. Qua tuần tra kịp thời phát hiện ngăn chặn, xử lý 322 vụ vi phạm biên giới. Trong quá trình xử lý đã vận dụng tổng hợp các biện pháp vừa giữ vững được nguyên tắc vừa khôn khéo mềm dẻo, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong quản lý xuất, nhập cảnh, các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện hàng hóa qua lại biên giới, đảm bảo chặt chẽ về an ninh, thông thoáng, nhanh gọn văn minh lịch sự, phục vụ yêu cầu hợp tác phát triển kinh tế của tỉnh.

Cùng với bảo vệ đường biên, mốc giới, lực lượng biên phòng còn triển khai thực hiện tốt việc xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang về nhiệm vụ xây dựng nền Biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân vững chắc. Đến nay đã có 63 tập thể tham gia tự quản 102,050 km đường biên, 66 mốc quốc giới, 02 công trình và 460 cá nhân tham gia tự quản 70,300 km đường biên, 55 mốc quốc giới, 02 công trình; củng cố 221 tổ an ninh tự quản  với 1.378 thành viên. Ngoài ra, lực lượng biên phòng còn tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng, an ninh; huấn luyện dân quân tự vệ, dự bị động viên; tổ chức các đợt diễn tập KVPT, cụm tác chiến Biên phòng và các phương án phòng chống cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn…

 Phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, duy trì hợp tác lực lượng bảo vệ biên giới nước tiếp giáp để trao đổi thông tin, phối hợp bắt giữ tội phạm, giải cứu tiếp nhận nạn nhân. Đã phối hợp điều tra xác minh, đấu tranh xử lý 974 vụ/1.239 đối tượng.

Thực hiện chính sách dân tộc, trong tuyển quân Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tuyển 1.170 chiến sỹ là người dân tộc thiểu số; làm thủ tục hồ sơ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cho 22 đồng chí; cử tuyển 21, học nghề 471 đồng chí…nhằm tạo nguồn cán bộ địa phương phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua 5 năm thực hiện công tác dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã rút ra được những bài học: Một là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở đặc biệt trong xây dựng và quản lý các công trình ở địa bàn với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở thực hiện các chương trình trên địa bàn biên giới, từ đó kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện của các đơn vị và địa phương.    

Hai Là, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới phải kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường; gắn trách nhiệm với quyền lợi của Nhân dân, kết hợp hài hoà lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân người dân.

Ba là, lồng ghép triển khai các phong trào gắn với các cuộc vận động tại cơ sở một cách đồng bộ như: phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình mới”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ ANTQ” và “Ngày Biên phòng toàn dân”… Các cuộc vận động: "Mái ấm cho người nghèo biên giới", "Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"…

Bốn là, quan tâm bồi dưỡng cán bộ trực tiếp tham gia tổ chức, xây dựng kế hoạch thực hiện tại cơ sở, cùng với đó là việc quan tâm bồi dưỡng lực lượng cán bộ dân vận cấp cơ sở; các trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín ở khu dân cư để cùng phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Đại tá Phan Hồng Minh - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.317
Hôm qua : 6.371
Tháng 04 : 169.536
Năm 2025 : 718.108
Tổng số : 84.675.041