A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái

(laichau.gov.vn)

Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra cách đây đã 95 năm (1930-2025), do Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo. Việt Nam Quốc dân đảng là một tổ chức theo xu hướng cách mạng dân chủ tư sản, được thành lập ngày 25-12-1927, do Nguyễn Thái Học đứng đầu (Chủ tịch), bên cạnh là các đồng sự Nguyễn Thế Nghiệp (Phó chủ tịch), Phó Đức Chính (Tổ chức), Nguyễn Khắc Nhu[1]… Tổng bộ lâm thời tất cả gồm 15 người[2].

Khởi nghĩa Yên Bái bắt đầu nổ ra vào đêm 9, rạng sáng ngày 10-2-1930, ngoài Yên Bái còn có các địa phương khác, tuy nhiên cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Yên Bái là lớn hơn cả. Nghĩa quân chiếm các đồn Pháp ở Yên Bái. Một bộ phận binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp phản chiến tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân chiếm được nhà dây thép (bưu điện), nhà ga, phát truyền đơn, hô hào quần chúng và binh lính hưởng ứng. Ngay sáng hôm sau, thực dân Pháp đã phản công, cuộc khởi nghĩa bị thất bại. Trong vòng một tuần, cuộc khởi nghĩa bị dập tắt ở các nơi. Trong lúc Việt Nam Quốc dân đảng chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Ái Quốc đang ở Xiêm (Thái Lan). Nghe tin đó, Người đã nhận xét: “Cuộc bạo động nổ ra lúc này là quá sớm, và khó thành công[3]. Người muốn gặp các lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng để bàn lại kế hoạch[4] hòng hoãn một cuộc khởi nghĩa “non” nhưng không thực hiện được.

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái  (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái
Ảnh chụp các thành viên trong nhóm Nam Đồng thư xã. 

1. Bối cảnh dẫn tới cuộc Khởi nghĩa Yên Bái

Sau vụ ám sát trùm mộ phu Ba-danh, “bọn thực dân Pháp cũng khôn ngoan hơn. Mắc bệnh, chúng càng làm cho bệnh trầm trọng, càng khủng bố dân…”[5]. Theo tập tài liệu của Sở mật thám Đông Dương do trùm mật thám Louis Marty điều khiển, về Việt Nam Quốc dân đảng, có tên là Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française thì Việt Nam Quốc dân đảng là một tổ chức “ăn rập theo khuôn của Trung Hoa Quốc dân đảng do Tôn Dật Tiên sáng lập”[6]

Kể từ khi ra đời năm 1927 đến trước cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930, Việt Nam Quốc dân đảng là một trong các đảng hoạt động sôi nổi, trong những năm cuối của thập niên 20 (của thế kỷ XX): “Trong ba đảng đồng thời hoạt động là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, Tân Việt cách mạng đảng và Việt Nam Quốc dân đảng,… hai đảng trên là tiền bối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Còn đảng dưới là chính đảng của giai cấp tư sản với một màu sắc quốc gia rõ rệt[7].

Theo bản chương trình hành động đã được duyệt y trong Hội nghị đầu tiên thành lập Việt Nam Quốc dân đảng vào ngày 25-12-1927, thì trước khi nổ ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền phải kinh qua ba thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất, tức thời kỳ phôi thai, đảng chú ý vào việc tổ chức các chi bộ, xây dựng cơ sở của đảng. Thời kỳ thứ hai tức thời kỳ dự bị, đảng chú ý vào tổ chức các hội quần chúng xung quanh đảng, mở những cơ quan tuyên truyền bán công khai và phái người đi du học nước ngoài về quân sự và cơ khí để đợi ngày về nước làm việc. Thời kỳ thứ ba là thời kỳ công khai, tức thời kỳ khởi nghĩa, đảng tổ chức những đoàn quân cảm tử hợp với những binh lính đảng viên trong đội ngũ quân đội Pháp nổi lên đánh địch, “Khôi phục giang sơn” và giải phóng dân tộc[8]. Tuy nhiên, đến đầu năm 1929, Việt Nam Quốc dân đảng chưa vượt qua thời kỳ thứ nhất; vậy thì nguyên nhân nào khiến Việt Nam Quốc dân đảng đã đốt cháy giai đoạn để tiến hành công cuộc bạo động? 

Việt Nam Quốc dân đảng ra đời trên cơ sở là Nhà xuất bản Nam Đồng thư xã. Nam Đồng thư xã ra đời tại Hà Nội vào năm 1925, là một nhà xuất bản chuyên in ấn các sách vở có nội dung yêu nước. Những người sáng lập Nam Đồng thư xã là Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên) cùng anh ruột là Phạm Tuấn Lâm (Dật Công)[9] và Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống). Các ông vốn đã quen biết nhau trong các hoạt động chính trị lúc đó ở Hà Nội. Về mặt lý tưởng các ông đều bàn bạc thống nhất không chấp nhận cách mạng hòa bình mà khẳng định cách mạng bạo lực tiến lên theo con đường của học thuyết Tôn Trung Sơn. Như vậy, có thể thấy Việt Nam Quốc dân đảng được tổ chức bởi những người “trí thức và giai cấp tiểu tư sản[10].

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái  (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái
Bản đồ cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng ở Bắc Kỳ.

Ngoài ra, Nam Đồng thư xã còn quy tụ được thêm nhiều thanh niên hăng hái khác nữa như “Phó Đức Chính, Lê Văn Phúc, Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác, Vũ Huy Châu, Nguyễn Hữu Đạt, Vũ Hiển, Phan Ngọc Trúc, Nguyễn Văn Lô, Trần Vĩ, Lưu Văn Phùng”[11]. Sách của Nam Đồng thư xã có xu hướng (chính trị và thương mại) rõ rệt nên bị cấm và vì thế mang đến hậu quả làm sụp đổ cơ sở Nam Đồng thư xã[12].

Tại Hội nghị thành lập Việt Nam Quốc dân đảng tại làng Thể Giao vì có động nên nửa chừng giải tán và quay về họp lại tại Nam Đồng thư xã. Mục đích và tổ chức của Việt Nam Quốc dân đảng đều được ghi trong điều lệ và được phỏng theo thể chế của Trung Hoa Quốc dân đảng. Tài liệu của Sở mật thám Đông Dương viết “Nguyễn Thái Học và đồ đảng bắt chước nguyên văn những lời nói của Tôn Dật Tiên trong Bảng luật của Cộng hòa Trung Hoa… hy vọng vào thế lực hữu hiệu của Trung Hoa giúp đỡ họ đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương bằng vũ lực[13].

Khi mới thành lập Việt Nam Quốc dân đảng chưa đề ra được một đường lối chính trị nào rõ ràng. Mà bản Điều lệ được thảo ra trong ngày thành lập phỏng theo chương trình chỉ ghi chung chung là: “Trước làm dân tộc cách mạng, sau làm thế giới cách mạng[14]. Trong bản Điều lệ năm 1928, đảng mới nêu chủ nghĩa của đảng là: Xã hội dân chủ. Đến năm 1929, Việt Nam Quốc dân đảng không chủ trương xã hội dân chủ nữa mà thay bằng các khẩu hiệu của Cách mạng tư sản Pháp là Tự do - Bình đẳng - Bác ái với mục tiêu là thực hiện một cuộc cách mạng dân chủ tư sản.

Chương trình của đảng chia thành bốn thời kì. Thời kì cuối cùng là bất hợp tác với chính phủ Pháp và triều đình nhà Nguyễn; cổ động bãi công, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.

Về tổ chức, Việt Nam Quốc dân đảng được tổ chức theo 4 cấp là: Tổng bộ, kỳ bộ, tỉnh bộ và chi bộ; nhưng chưa bao giờ trở thành hệ thống trong cả nước. Tổng bộ trên thực tế là do kỳ bộ Bắc Kỳ kiêm nhiệm. Tổ chức cơ sở của Quốc dân đảng trong quần chúng rất ít. Địa bàn hoạt động của Quốc dân đảng chỉ bó hẹp trong một số địa phương ở Bắc Kỳ, còn ở Trung Kỳ và Nam Kỳ không đáng kể. “Tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ đảng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong số các công chức trẻ, giáo viên, sinh viên, binh lính và phụ nữ. Đầu năm 1929, đảng tổ chức được 120 chi bộ hoạt động ở Bắc Kỳ, quy tụ được 1.500 đảng viên, 120 người trong số này là binh lính[15]. Ngoài ra, Việt Nam Quốc dân đảng còn kêu gọi được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, tư sản, mạnh thường quân, “người ta kêu gọi đến vị mạnh thường quân Đặng Đình Điển được nhận vào đảng, mặc dầu tuổi đã cao, nhưng vì ảnh hưởng, ông đã có trong vùng Nam Định và nhất là gia tài kếch sù của ông. Từ tháng 10-1928, nhờ phần bảo chứng của ông, đảng có thể đặt tại Hà Nội Việt Nam Khách sạn…”[16]. Quốc dân đảng chủ trương tiến hành cách mạng bằng bạo lực, chú trọng lấy lực lượng binh lính người Việt trong quân đội Pháp giác ngộ làm lực lương chủ lực.

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái  (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái
Báo Pháp đăng tin về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái. (Tư liệu do gia đình hậu duệ của cụ Phó Đức Chính cung cấp)

2. Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính cùng các đồng sự trong cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Yên Bái và các tỉnh Bắc Kỳ

Những nguyên nhân nào đã dẫn tới các cuộc khởi nghĩa của Việt Nam quốc dân đảng nổ ra sớm trước khi chương trình hành động của đảng phải bước sang thời kỳ thứ ba, thời kỳ công khai, khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền. Có thể thấy một số nguyên nhân dẫn tới cuộc Khởi nghĩa Yên Bái (ngoài nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa) là: Sự bất mãn về chính trị (như trong thư của Nguyễn Thái Học viết gửi cho Toàn quyền Đông Dương và Hạ nghị viện Pháp), và sự bần cùng hóa của người dân, còn có các hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc bắt người đi phu, mộ phu cho các đồn điền ở Nam Kỳ (nhất là đồn điền cao su), khi đi thì có khi về thì không, “khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. “Kế đó lại xảy ra hai vụ mất mùa liên tiếp vào đúng lúc Đông Dương lâm vào tình trạng suy thoái lớn: Giá gạo xuống thấp, số nợ ở nông thôn ngày càng trở nên nghiêm trọng… Mặt khác, đồng bạc Đông Dương từ năm 1925 bị mất giá, do loại kim khí này liên tục bị mất giá… hậu quả là giá bán gạo trong nước giảm”[17], ngân sách Đông Dương ngày một phình to.

Cuối năm 1928, đầu năm 1929 Việt Nam Quốc dân đảng phát triển mạnh về số lượng và cơ sở đảng. Nhưng vì tổ chức không được chặt chẽ, bí mật, nên nhiều mật thám, chỉ điểm đã có thể lọt vào. Sở mật thám Pháp muốn ngăn chặn sự phát triển của Việt Nam Quốc dân đảng, nhưng lại không có bằng chứng buộc tội. Mâu thuẫn nội bộ, là một trong những nguyên nhân khiến cho Việt Nam Quốc dân đảng ở cấp lãnh đạo cũng không đoàn kết thống nhất với nhau: “Sự xung đột giữa hai khối lập pháp do Nguyễn Khắc Nhu; Nguyễn Thái Học đứng đầu và khối hành chính của Nguyễn Thế Nghiệp đã đưa Việt Nam Quốc dân đảng tới trước một đe dọa giết hại lẫn nhau”[18].

Tháng 2-1929, Việt Nam Quốc dân đảng tổ chức ám sát tên trùm phu Bazin (Ba-danh) ở Hà Nội. “Bazin điều khiển tại Hà Nội một sở mộ phu Bắc Kỳ gởi đến các đồn điền ở miền Nam Đông Dương hay Nouvelle Calédonie. Buổi chiều Tết An Nam (9-2-1929), ông bị ám sát trên đường bởi nhiều phát súng sáu (súng lục 6,35mm) do một người bản xứ bắn… tiếng súng hòa lẫn tiếng pháo nổ mà người An Nam có tập tục đốt vào dịp lễ này[19]. Bazin bị ám sát khi vừa ở nhà nhân tình của ông là cô Germaine Carcelle, một đầm lai đứng bán hàng cho hãng buôn Gô đa ở số 110, phố Huế (phố Chợ Hôm). Thực hiện vụ ám sát là hai thanh niên bận màu xám, đầu trần, đứng chờ Bazin trước cửa. Một người tiến tới đưa cho ông một bức thư tuyên án tử hình… Bazin ngã lăn trên vũng máu, một hồi sau thì tắt thở[20].

Người ta cho rằng đây không phải là vụ giết người thông thường vì tiền bạc, vì ái tình, vì thù hằn cá nhân hay vì cạnh tranh việc làm ăn mà vì lý do chính trị. Thủ phạm là người bản xứ thuộc một tổ chức chính trị chống Pháp[21].

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái  (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái
Khởi nghĩa Yên Bái trên Báo Phụ nữ tân văn. 

Nhân sự kiện này, thực dân Pháp tiến hành một cuộc khủng bố dã man, bởi chúng cũng nhân dịp này để đàn áp các đảng phái khác mà chúng thấy là nguy hiểm, không chỉ riêng Việt Nam Quốc dân đảng: “…bọn thực dân Pháp cũng khôn ngoan hơn. Mắc bệnh, chúng càng làm cho bệnh trầm trọng, càng khủng bố dân. Bắt bớ hàng loạt, án tử hình, giam cầm, tra tấn…[22]; “Trong một thời gian ngắn, hầu hết những đảng viên từ Trung ương đến các cấp địa phương đều bị bắt, hệ thống của đảng bị đứt đoạn. Một việc tình cờ là hai vị lãnh tụ của đảng là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu lúc ấy vắng mặt ở Hà Nội, đang đi kiểm soát tại các tỉnh nên được tin trốn thoát. Đứng trước sự cơ gấp rút, hai vị lãnh tụ vốn giàu tính chất bạo động, chỉ có một quan niệm rất đơn giản là: nếu cứ ngồi yên để cho quân địch bắt được rồi lên máy chém hay vào nhà tù kết liễu một đời hoạt động, chi bằng thừa lúc còn được tự do ở ngoài, dốc hết lực lượng còn lại để đánh một trận cuối cùng: “Không thành công cũng thành nhân[23]. Tình hình chính trị, căng thẳng và ngột ngạt, đã dẫn đến những thiệt hại lớn cho những chính đảng cách mạng ở Việt Nam khi đó: “Năm 1929, đế quốc Pháp bắt đầu tiến công các tổ chức... Cuộc tấn công bắt đầu bằng khoảng 300 vụ bắt bớ ở Nam Kỳ để đàn áp nhóm Thanh Niên (tức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên). Tiếp đó là ở Bắc Kỳ có hơn 800 vụ bắt bớ. Hầu hết An Nam Quốc dân đảng bị lọt vào lưới[24].

Học giả người Pháp Patric Morlat trong cuốn Chính quyền và sự đàn áp ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa 1911-1940, đã viết: “Nhờ sự khám xét, cơ quan an ninh phát hiện ra nhiều chi bộ, trong đó có những chi bộ trong quân đội. Mục đích gây tổn hại đến nền an ninh bên trong của Nhà nước của Việt Nam Quốc dân đảng… Toàn quyền Pasquier gửi vụ việc lên Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ…”[25]. Bị động trước tình thế đó, những nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam Quốc dân đảng quyết định dốc hết lực lượng nhằm thực hiện cuộc bạo động cuối cùng để dù thất bại thì cũng thành danh nhân ở đời. Chứ không chịu khoanh tay chờ chết.

Những yếu nhân lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân đảng cùng các đồng sự đã tiến hành hội nghị đi đến chỗ quyết định tại hội nghị Lạc Đạo. Trong cuộc hội nghị này, có hai chủ trương khác nhau giữa những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng còn sót lại. Phái bạo động mà đại biểu của nó là Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu chủ trương phải khởi nghĩa ngay với những lý luận kể trên. Trái lại, phái cải tổ mà đại biểu là Lê Hữu Cảnh và Trần Văn Huân muốn dựa theo đường lối đã vạch ra từ trước và chủ trương tổ chức lại đảng, chưa nên bạo động. Kết quả là phái bạo động đã áp đảo được phái cải tổ. Và chủ trương bạo động đã được coi là quyết nghị của đảng. Phái bạo động dựa vào một số nhân sĩ, kỳ hào, phú nông ở các tỉnh trung du và hạ du, đặc biệt lấy các tỉnh Hải Dương, Kiến An, Phú Thọ và một số binh lính trong hàng ngũ Pháp như ở Yên Bái, Sơn Tây, Kiến An và Hải Phòng. Trái với dự định trước kia là cuộc tổng khởi nghĩa có tính chất toàn quốc, cuối cùng cuộc chuẩn bị khởi nghĩa chỉ còn hạn chế lại ở mấy địa bàn mà Việt Nam Quốc dân đảng còn có một phần nào thế lực.

Trong khi chuẩn bị khởi nghĩa đang gặp nhiều trở ngại thì tháng 9-1929, một sự kiện không may lại xảy ra tại Hội nghị Võng La với sự phản bội của Phạm Thành Dương, làm cho lực lượng khởi nghĩa bị tổn thương một lần nữa. Giới thống trị Pháp tung cảnh sát, mật thám và tay sai càng bủa lưới bao vây lùng bắt những người chủ trương bạo động, cố làm cho cuộc bạo động không thể nổ ra: “Các vụ “thanh toán” những thành phần phản bội và các tại nạn do việc chế tạo chất nổ đã báo động cảnh sát. Và những mẻ lưới lớn đã được giăng ra. Nhiều lãnh tụ cốt cán sa lưới, các bộ phận lãnh đạo bị phá hủy”[26].

Những vụ nổ do chế tạo bom của Việt Nam Quốc dân đảng cũng làm cho thực dân Pháp lần ra manh mối và nhiều vụ bị phát hiện. Theo tài liệu của Pháp cho biết: “Ngày 3-9 (1929) ba người chết trong căn nhà lá ở Mỹ Điền vì chế bom rồi bị nổ… Ngày 20-11, người ta khám phá được một trăm năm mươi quả bom ở một làng gần Bảy Chùa. Ngày 23-12 lại tìm thấy 150 quả bom nữa ở Nội Viên. Ngày 26, 290 quả ở Thái Hà. Ngày 10 tháng giêng, người ta đào được ở Bắc Ninh nhiều chum đựng truyền đơn cách mạng. Ngày 20, người ta bắt giữ một anh thợ rèn kiếm và những ngày sau còn bắt được rất nhiều bom, hàng trăm quả trong nhiều làng khác[27]

Những nhân vật trọng yếu còn lại trong phái bạo động thấy phải xúc tiến việc bạo động mặc dầu chuẩn bị chưa được đầy đủ. Đầu năm 1930, ngày định khởi nghĩa đã được đề ra. Theo sự phân công phụ trách khi ấy ông Nguyễn Thái Học sẽ nhận trách nhiệm chỉ huy những cuộc khởi nghĩa tại mấy tỉnh miền xuôi như Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Phả Lại... Còn Nguyễn Khắc Nhu “là người chỉ huy cuộc vũ trang khởi nghĩa ở khu Tây bắc Bắc bộ gồm các yếu điểm: Yên Bái, Hưng Hóa (Phú Thọ), Lâm Thao”[28]. Riêng Phó Đức Chính phụ trách đánh vào đồn Thông, một đại bản doanh quân sự của Pháp ở Sơn Tây.

Theo tài liệu của Sở mật thám Đông Dương viết: “Cuộc khởi nghĩa định vào ngày 10-2-1930Kế hoạch tấn công như sauNguyễn Thế Nghiệp phải chiếm Lao Kay (Lào Cai). Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu và Phó Đức Chính phải đánh Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao và Sơn Tây. Nguyễn Thái Học phải gây ra cuộc khởi nghĩa ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Hải Dương…[29]. Mặc dù thực dân Pháp hết sức đề phòng, cuộc khởi nghĩa vẫn bùng nổ. Các cuộc Khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra ở nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ, tuy cuộc khởi nghĩa ở mỗi nơi diễn ra có sự khác nhau, có nơi khởi nghĩa không nổ ra được. Yên Bái là tỉnh diễn ra cuộc khởi nghĩa mạnh mẽ nhất, nên người ta thường hay gọi là Khởi nghĩa Yên Bái.

Trong lúc Việt Nam Quốc dân đảng chuẩn bị khởi nghĩa Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan). Thấy cuộc khởi nghĩa nổ ra lúc này là quá sớm bởi những điều kiện để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chưa được chuẩn bị đầy đủ và chu đáo, bởi vậy Người đã nhận định khởi nghĩa “khó thành công”. Người muốn “bàn lại kế hoạch” nhưng không thực hiện được. Trong lúc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị vượt biên giới Thái Lan đến Trung Quốc, cuộc bạo động đã được chuẩn bị và nổ ra[30].

Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nổ ra vào lúc 1 giờ sáng ngày 10-2-1930[31]. Cùng đêm đó, khởi nghĩa nổ ra ở Phú Thọ, Sơn Tây; sau đó là ở Hải Dương, Thái Bình… Ở Hà Nội, cũng có đánh bom phối hợp. Cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái nổ ra lớn nhất, ở nhiều nơi Việt Nam Quốc dân đảng đã làm chủ được tình hình, tuy nhiên những vị trí quan trọng lại không chiếm được: “Sáng ngày 10-2-1930. Quân khởi nghĩa chủ yếu dựa vào binh lính khố đỏ, chiếm được đồn Thấp, diệt và làm bị thương hơn chục tên Pháp trong đó có tên quan ba Giuốc-đanh (Juordin), quan Hai Rô-be (Robert), viên quản Qui-nê-ô (Cunéo) và kho vũ khí, nhưng không chiếm được đồn Cao do tên quan tư Pháp chỉ huy, không chiếm được trại lính khố xanh và để tên Tuần phủ Yên Bái chạy thoát. Nhân dân thị xã Yên Bái bị bất ngờ không có hoạt động gì ủng hộ quân khởi nghĩa. Khi trời sáng quân Pháp từ đồn Cao phối hợp với đơn vị lính khố xanh phản công, quân khởi nghĩa tan rã. Thực dân Pháp ra sức truy lùng bắt toàn bộ những người lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng và những người tham gia cuộc khởi nghĩa”[32].

Miêu tả của Louis Roubaud trong cuốn Viet-nam la Tragédie Indo-chinoise (Việt Nam thảm kịch Đông Dương) cho thấy cuộc Khởi nghĩa Yên Bái chi tiết hơn với những sự kiện: “Trung úy Robert bị hạ sát ngay trên giường, trước mắt người vợ. Thượng sĩ Cunéo chết không kịp tự vệ, nhưng trung sĩ Chevalier và Damour không may mắn bằng Bouhier, chết không kịp trở tay. Những người khác, thượng sĩ Trotoux, trung sĩ nhất Deschamps, các trung sĩ Hurugen và Reynaud với bà Reynaud bị chặn lại ở trong phòng và họ kháng cự bằng súng máy cho đến sáng. Đại úy Jourdan, ở trong sân pháo đài hô lệnh tập hợp quân sĩ, lập tức bị một viên đạn chết ngay. Đại úy Gainza bị thương ở sườn[33]

Lực lượng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng đã chiếm được nhà dây thép, ngà ga, phát truyền đơn… Ngày hôm sau, thực dân Pháp đã phản công, cuộc bạo động bị thất bại... Nguyễn Thái Học, cùng các nhân vật chủ chốt, và các đồng sự khác bị bắt. Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc đã cho biết tình hình sau “vụ Quốc dân đảng” thì tình hình ở An Nam bị khủng bố gắt gao: “Đã hai lần tôi cố gắng về An Nam, nhưng phải quay trở lại. Bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới quá cẩn mật, đặc biệt là từ khi xảy ra vụ An Nam Quốc dân đảng[34].

Khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, đồng thời với Yên Bái cuộc khởi nghĩa ở nhiều nơi khác cũng thất bại theo: “Cùng một đêm với Yên Bái, quân khởi nghĩa đã đánh đồn Hưng Hóa và chiếm phủ Lâm Thao. Theo kế hoạch, một khi Yên Bái đắc thắng, những toán quân này sẽ cùng hội quân ở Hưng Hóa, qua sông Trung Hà, đánh vào đồn Thông (Sơn Tây), họp với toán quân của Phó Đức Chính ở đây. Dân quân đánh đồn Hưng Hóa, do nhà lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu trực tiếp chỉ huy. Vì vũ khí kém và không có nội ứng, toán quân này không chiếm được đồn Hưng Hóa, phải rút về Lâm Thao. Tại Lâm Thao, nghĩa quân do Phạm Nhận chỉ huy đánh chiếm phủ Lâm Thao, hợp với toán quân từ Hưng Hóa kéo về. Bị quân đội Pháp từ Phú Thọ kéo đến phản công, lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu bị thương và bị bắt, cắn lưỡi chết”, “Chỉ trong một ngày, ông đã tự tử ba lần quyết chết để khỏi đội trời chung với quân thù[35]. Như vậy, là quân khởi nghĩa Yên Bái cũng như ở Hưng Hóa và Lâm Thao đã kế tiếp bị tan vỡ. “Dự định hợp binh đánh sang Sơn Tây không thực hiện được. Còn tại Sơn Tây cuộc chuẩn bị khởi nghĩa cũng bị lộ, thực dân Pháp hết sức đề phòng; thêm vào đấy ảnh hưởng thất bại của những quân khởi nghĩa tại Yên Bái và Phú Thọ, kết quả là kế hoạch đánh chiếm đồn Thông không thực hiện dược. Ít ngày sau Phó Đức Chính cũng bị bắt”[36].

Ở Thái Bình, cuộc đánh chiếm Phụ Dực (16-2-1930) theo tài liệu của thực dân viết: “Mấy ngày sau vụ nổi loạn ở Yên Bái, đêm ngày 15 rạng ngày 16-2-1930, huyện Phụ Dực cũng bị đánh chiếm cùng lúc với huyện Vĩnh Bảo (Hải Dương). Vào 9 giờ tối, một toán quân từ 40 đến 50 người, mang dao rựa, gậy gộc và một vài quả bom đột nhập vào nha môn của quan huyện… Toán quân ở đấy khoảng 2 tiếng  đồng hồ, đốt các hồ sơ, nổ nhiều bom… Tòa sứ Thái Bình chỉ nhận được tin Phụ Dực bị đánh qua khu đại lý hành chính Ninh Giang và Phủ Thống sứ vào hồi 4 giờ sáng[37].

Như vậy, ngoài ở tỉnh Yên Bái cuộc khởi nghĩa do Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo nổ ra lớn nhất, còn ở các tỉnh khác, có sự phối hợp, nhưng nổ ra chậm và muộn hơn, quy mô nhỏ, không chiếm được những vị trí then chốt, chỉ gây ra một số thiệt hại đối với chính quyền cai trị. Mặc dù, cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu lãnh đạo bị thất bại nhanh chóng, song đã cổ vũ lòng yêu nước, chí căm thù của nhân dân Việt Nam đối với thực dân Pháp và tay sai. Hành động yêu nước, tấm gương hi sinh của các chiến sĩ Yên Bái là sự nối tiếp truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Vai trò lịch sử của Việt Nam Quốc dân đảng với tư cách là một chính đảng cách mạng trong phong trào dân tộc vừa mới xuất hiện đã chấm dứt cùng với sự thất bại của khởi nghĩa Yên Bái.

*   *

*

Cuộc khởi nghĩa diễn ra ở tỉnh Yên Bái nói riêng, cuộc tổng khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng ở các tỉnh Bắc Kỳ nói chung bị thất bại do những nguyên nhân khác nhau, nhưng về cơ bản có thể thấy là do: Tương quan giữa ta và địch còn chênh lệch nhiều; Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa còn non yếu Lực lượng vũ trang khởi nghĩa không đủ đảm bảo cho thắng lợiCuộc khởi nghĩa không được dựa vào sự ủng hộ của nhân dân…. Dù có nguyên nhân khách quan nào đi nữa thì nguyên nhân thất bại chính vẫn là điều kiện chủ quan. Chỗ dựa vững chắc để khởi nghĩa thành công không có, không được đảm bảo. Nổ ra lúc Việt Nam Quốc dân đảng đang tan vỡ đang bị nguy cơ tiêu diệt của thực dân Pháp. Không có một lý luận trong công tác khởi nghĩa. Không đặt sự tiến hành khởi nghĩa trên một cơ sở khoa học thực tiễn lúc đó, do vậy mà đã đánh liều với bạo động, dẫn đến một cuộc “khởi nghĩa non”, chưa chín muồi, vì vậy mà phải hi sinh nhiều nhân mạng của nghĩa quân, kết quả vẫn thất bại.

Dù khởi nghĩa không thành công, nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận sứ mệnh lịch sử ngắn ngủi có tích chất cách mạng[38] của Việt Nam Quốc dân đảng thời kỳ 1927-1930. Với sự lãnh đạo của những yếu nhân quan trọng, lãnh tụ của đảng như: Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, cùng các đồng sự khác… với một tinh thần yêu nước căm thù giặc, đầy hi sinh, gian khổ, rất đáng để cho chúng ta khâm phục.

Kể từ khi Việt Nam Quốc dân đảng được thành lập từ cuối năm 1927 đến cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, cho thấy tính chất dân tộc chống thực dân đã được biểu hiện rõ rệt. Nhưng đồng thời, nó cũng đánh dấu tính chất manh động và phiêu lưu của giai cấp tiểu tư sản và nông dân một khi không ở dưới quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân. Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái thất bại không những kéo theo sự đổ vỡ hoàn toàn của Việt Nam Quốc dân đảng, mà còn tước quyền lãnh đạo cách mạng của một bộ phận tiểu tư sản. “Cách mạng Việt Nam đến đây bước sang một giai đoạn mới là giai đoạn độc quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân[39]

95 năm Khởi nghĩa Yên Bái  (10-2-1930 / 10-2-2025): Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính và các đồng sự trong Khởi nghĩa Yên Bái
Khu tưởng niệm Khởi nghĩa Yên Bái. 

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái tuy thất bại, nhưng đã cho chúng ta thấy tinh thần vì nước quên mình của các chiến sĩ Yên Bái và để lại bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam giai đoạn tiếp sau: “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái là một bằng chứng quật khởi của một dân tộc không chịu làm nô lệ, còn là một bài học lịch sử của một dân tộc bị áp bức quyết đánh ngã kẻ thù[40].

Đánh giá về ý nghĩa, vai trò lịch sử của khởi nghĩa Yên Bái Văn kiện của Đảng  Cộng sản Việt Nam đã viết: “… Cuộc bạo động ở Yên Bái tuy rằng do Đảng Việt Nam quốc dân tổ chức, đảng này đã hạn chế cuộc vận động trong một cái trình độ âm mưu hành động của một tốp người, song cuộc bạo động cũng có quần chúng nhân dân dự vào, cùng là một cái tang chứng hùng dũng tranh đấu của lính An Nam biết lo việc cho toàn nhân dân. Lịch sử, ý nghĩa của cuộc Yên Bái bạo động là một sự bắt đầu biến chuyển quần chúng lao động tuy là lính khố đỏ An Nam (do nông dân Bắc Kỳ giúp đỡ) ra trực tiếp làm vũ trang tranh đấu chống đế quốc chủ nghĩa Pháp. Bởi vậy cho nên cuộc bạo động ấy đóng một vai cách mạng to và trở nên một cuộc phản đế vận động của quảng đại quần chúng nhân dân bắt đầu bành trướng mạnh mẽ...”[41].

95 năm sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930-2025), lịch sử đã chứng tỏ rằng cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở thuộc địa phải do giai cấp công nhân lãnh đạo, liên minh với giai cấp nông dân và các tầng lớp cách mạng khác trong dân tộc mới có thề đảm bảo thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa nổ ra không thể do ý chí quyết định của một số ít người, mà phải do những điều kiện chủ quan và khách quan chín muồi. Lãnh đạo cách mạng chỉ có thể thành công khi mà quyền lãnh đạo thuộc giai về giai cấp công nhân đoàn kết hết thảy dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đánh đổ đế quốc và phong kiến.

NGUYỄN VĂN BIỂU, Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

1. Gồm: Hoàng Phạm Trân (Tuyên truyền), Lê Xuân Hy (Cử nhân, Phó Ban tuyên truyền), Nguyễn Ngọc Sơn (Ngoại giao), Hồ Văn Mịch (Ngoại giao), Nguyễn Hữu Đạt (Giám sát), Hoàng Trác, Đặng Đình Điển (Tài Chính), Đoàn Mạch Chế, Hoàng Văn Tùng (Ban ám sát), Lê Văn Phúc (Tổ chức), Phạm Tiềm (?), Tưởng Dân Bảo (?).

2. Viện Sử học, Tạ Thị Thúy (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, tập VIII (1919-1930), Nxb Khoa học xã hội, 2007, tr.514.

3. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2: 1930-1945, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr.248-249.

4. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Nghệ An, 2004, tr.76.

5. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.76.

6. Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932) trong tập tài liệu Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, Dịch giả: Long Điền, Tập san Sử Địa, số 6, 1967, Sài Gòn, tr.96.

7. Trần Huy Liệu, Lịch sử Tám mươi năm chống Pháp, Quyển I, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, 1956, tr.280.

8. Bài viết (Diễn văn) của GS.VS Trần Huy Liệu Trưởng Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đọc tại cuộc mít tinh do Bộ Văn hóa tổ chức ngày 10-2-1957, tại Hà Nội, Kỷ niệm Yên Bái khởi nghĩa, Bản thảo đánh máy, Hồ sơ số 68, Phông Trần Huy Liệu, THL 68, Lưu trữ tại Thư viện Viện Sử học.

9. Tài liệu của Mật thám Louis Marty ghi là Phạm Quế Lâm. Xem Louis Marty: Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine françaiseTập II “Le Việt Nam Quốc dân Đảng”, tlđd, tr.5.

10. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr.13.

11. Nguyễn Thành, Phạm Tuấn Tài cuộc đời và tác phẩm, Nxb Chính trị Quốc gia, 2002, tr.31.

12. Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932) trong tập tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Sử Địa, số 6, Sđd, tr.97-98.

13. Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932) trong tập tài liệu Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Sở mật thám Đông Dương, Sử Địa, số 6, 1967, Sài Gòn, Sđd, tr.99.

14. Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Hướng Tân, Tài liệu tham khảo lịch sử Cách mạng cận đại Việt Nam, Tập V, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, 1956, tr.18.

15. Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm 1958, Sud - Est Asie, Paris, 1982). Le Viet Nam, Histoire et Civilisation (Việt Nam, lịch sử và văn minh, Minuit Paris năm 1955), Bản dịch, Nxb Thế Giới, 2014, tr.536.

Theo tài liệu của Sở mật thám Đông Dương: Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Tập san Sử Địa, số 6, Sđd, tr.104.

16. Louis MartyContribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, tlđd, tr.104.

17. Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858, Sđd, tr.537.

18. Trần Huy Liệu, Lịch sử Tám mươi năm chống Pháp, Quyển I, Sđd, tr.289.

19. Louis MartyContribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Sđd, tr.105.

Nhượng Tống, Nguyễn Thái Học, In lần thứ tư, tr.57.

20. Cẩm Đình, Vụ án Việt Nam Quốc dân đảng năm 1929-1930, Nhà in Nguyễn Văn Bửu, Huế, 1950, tr.19.

21. Trương Ngọc Phú, Từ vụ ám sát Bazin năm 1929 đến cuộc khởi nghĩa Yên Báy năm 1930 của Việt Nam Quốc dân đảng, Tập san Sử Địa, số 26, Sài Gòn, 1974, tr.98-99.

22. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Sđd, tr.76.

23. Trần Huy Liệu, Rút bài học kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Bản thảo đánh máy, Hồ sơ số 68, Phông Trần Huy Liệu, THL 68, Lưu trữ tại Thư viện Viện Sử học.

24. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2 (1930), Nxb Chính trị quốc gia, 1998, tr.34.

25. Patric Morlat, Chính quyền và sự đàn áp ở Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa 1911-1940 (Pouvoir et repression au Việt Nam durant la période colo - niale 1911-1940, Tome I, 1985), Tạ Thị Thúy dịch, in trong cuốn: Liệt sỹ Nguyễn Thái Học Chủ tịch Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1930, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, do UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Viện Sử học tổ chức, 2004, tr.173.

26. Lê Thành Khôi, Histoire du Viet Nam, des origines à 1858…, bản dịch, Sđd, tr.537.

27. Louis Roubaud, Viet-nam la Tragédie Indo-chinoise (Việt Nam thảm kịch Đông Dương), Paris Librairie Valois 7, Place Du Panthéon, 7-1931. P.24; xem thêm trong bản dịch của Chương Thâu, Phan Trọng Báu, Nxb Công an nhân dân, 2003, tr.30.

28. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, Hà Nội, 1993, tr.3.

29. Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932) trong tập tài liệu của Sở mật thám Đông Dương, Contribution à l’histoire des mouvenments politiques de l’Indochine française, Sđd, tr.111-112.

30. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr.621.

31. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tập I (1930-1975), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản, 1996, tr.17.

32. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Yên Bái, Sđd, tr.18.

33. Louis Roubaud, Viet-Nam la Tragédie Indo-chinoise, Sđd, tr.21-22, bản dịch, tr.29.

34. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3 (1930-1945), Sđd, tr.12.

35. Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, Sđd, tr.3.

36. Trần Huy Liệu, Rút bài học kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Sđd, tr.459.

37. Notice sur la province de Thai Binh (Chú thích về tỉnh Thái Bình), (Bản dịch của Nguyễn Đình Khang).

38. Ở giai đoạn sau đó, Việt Nam Quốc dân đảng đã mất vai trò lịch sử, mất quyền lãnh đạo và không còn tính chất cách mạng, chúng ta không kể những hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng tại hài ngoại.

39. Trần Huy Liệu, Lịch sử Tám mươi năm chống Pháp, Quyển I, in trong: Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, 2003, tr.332.

40. Bản thảo (đánh máy) Hồ sơ số 68, Phông Trần Huy Liệu, THL.68. Lưu trữ Thư viện Viện Sử học.

41. Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Sđd, tr.286-287.

Cập nhật ngày 10/2/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 206
Hôm qua : 7.057
Tháng 02 : 56.411
Năm 2025 : 207.095
Tổng số : 84.164.028