Châu Phi thúc đẩy chiến lược tự chủ về y tế
Châu Phi đã đạt tiến bộ đáng kể trong sản xuất vắc-xin và các sản phẩm y tế khác tại địa phương, trong đó có việc bảo đảm nguồn tài trợ cho các nhà sản xuất, cải thiện các công cụ quản lý và huy động hỗ trợ để thiết lập thị trường nội khối.
![]() Châu Phi hướng tới tự chủ trong lĩnh vực y tế. (Ảnh The Borgen Project) |
Diễn đàn sản xuất vắc-xin và các sản phẩm y tế khác lần thứ 2 diễn ra tại Cairo, Ai Cập đã quy tụ sự tham gia của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, Liên minh toàn cầu về vắc-xin và Tiêm chủng (Gavi), nhằm thảo luận về tiến độ và những thách thức mà các đối tác đã phải đối mặt, xác định các điều chỉnh cần thiết và hướng dẫn thực hiện trong việc phối hợp sản xuất tại địa phương không chỉ vắc-xin mà còn các sản phẩm y tế, thuốc men.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh châu Phi chứng kiến những cam kết quan trọng từ các đối tác, nhằm bảo đảm đầu tư vào sản xuất các sản phẩm y tế tại địa phương. Vào tháng 6/2024, 1,2 tỷ USD dành cho Chương trình tăng tốc sản xuất vắc-xin châu Phi (AVMA) đã được triển khai. Cơ chế tài chính sáng tạo này sẽ có hiệu lực trong 10 năm để đẩy nhanh quá trình mở rộng sản xuất vắc-xin khả thi về mặt thương mại tại châu Phi. Ngoài ra, Ngân hàng xuất-nhập khẩu châu Phi (Afreximbank) đã công bố cam kết tài trợ 2 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất các sản phẩm y tế ở châu Phi.
Đáng chú ý, bên lề diễn đàn, các cơ quan quản lý quốc gia (NRA) từ bảy nước châu Phi gồm Ghana, Nam Phi, Tanzania, Nigeria, Zimbabwe, Senegal và Rwanda đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc củng cố các hệ thống quản lý trên khắp lục địa bằng cách thúc đẩy hợp tác và sự tin cậy lẫn nhau vào các quyết định quản lý giữa các cơ quan ký kết, tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc sản xuất các sản phẩm y tế tại địa phương. Bằng cách hợp lý hóa các quy trình phê duyệt, Biên bản ghi nhớ sẽ bảo đảm rằng châu Phi được trang bị tốt hơn để ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp quốc tế. Tiến sĩ Mimi Darko, Tổng Giám đốc điều hành Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Ghana cho rằng: “Thật tuyệt khi thấy cam kết của các Trưởng nhóm NRA châu Phi hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm tiếp cận kịp thời các sản phẩm y tế an toàn, chất lượng và hiệu quả tại châu lục. Các bên cam kết sẽ dẫn đầu các nỗ lực hướng tới quản lý hài hòa hơn, củng cố hoạt động sản xuất tại địa phương và cải thiện khả năng tiếp cận. Theo kết quả khảo sát, có 574 nhà sản xuất y tế đang hoạt động tại châu Phi và 25 trong số đó tham gia sản xuất vắc-xin.
Cam kết ngày càng tăng của châu Phi về khả năng tự cung, tự cấp trong sản xuất tất cả các sản phẩm y tế nhằm bảo đảm công bằng và khả năng tiếp cận ở châu lục. Mục tiêu của Liên minh châu Phi là sản xuất 60% nhu cầu vắc-xin của châu lục tại địa phương vào năm 2040. Hành trình hướng tới tự cung, tự cấp trong sản xuất vắc-xin và các sản phẩm y tế không còn là một tầm nhìn đối với châu Phi mà là một nhu cầu thiết yếu được truyền cảm hứng từ kinh nghiệm thu được từ đại dịch Covid-19. Là một nhà sản xuất y tế hàng đầu, Ai Cập đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi liên tục các mô hình sản xuất ở châu Phi. Quốc gia này chiếm gần 20% công suất sản xuất vắc-xin của châu Phi và có kế hoạch sản xuất 380 triệu liều mỗi năm vào năm 2030.
Châu Phi tiếp tục phải đối mặt các đợt bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ (mpox), dịch tả, Marburg, sởi và nhiều loại khác, cũng như các cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể gây ra các đợt bùng phát dịch bệnh trên diện rộng. Trong khi mpox đã khiến hơn 1.500 người chết, thì nửa triệu trẻ em tử vong vì các bệnh có thể phòng ngừa được mỗi năm. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái phát tiếp tục đe dọa tính mạng, sinh kế, nền kinh tế và xã hội của châu Phi. Trong khi đó, tồn tại một nghịch lý là thị trường vắc-xin và thuốc của châu Phi có giá trị hơn 50 tỷ USD mỗi năm, nhưng lục địa này lại nhập khẩu hầu hết các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà họ tiêu thụ.
Trước thực tế đó, các nhà lãnh đạo châu Phi nhận thấy cần nhanh chóng đảo ngược xu hướng này. Tuy nhiên, tham vọng tự cung, tự cấp vắc-xin của châu Phi chỉ có thể đạt được khi có cam kết toàn diện và năng lực mạnh mẽ hơn trên toàn lục địa.
Cập nhật 18/2/2025