Chia sẻ trách nhiệm vì khí hậu
Hầu hết các quốc gia trên thế giới vừa bỏ lỡ thời hạn đệ trình các mục tiêu về cắt giảm khí thải carbon cho năm 2035. Giới chức Liên hợp quốc thúc giục những hành động khẩn cấp và có trách nhiệm nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, khi tình trạng nóng lên toàn cầu đang ở mức nguy hiểm và tài chính khí hậu vẫn là vấn đề gai góc, cần giải quyết.
![]() Khí thải tại tháp làm mát của một nhà máy điện ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Liên hợp quốc cho biết, chỉ có 10 trong số gần 200 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đưa ra kế hoạch khí hậu mới đúng hạn là vào trước ngày 10/2 vừa qua. Đây là các mục tiêu cắt giảm phát thải tham vọng hơn cho năm 2035. Dù không có hình phạt nào đối với việc trễ hạn nhưng các mục tiêu được xem như bằng chứng cho sự tham gia nghiêm túc của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong số các quốc gia “lỡ hẹn”, có nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và hầu hết các thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc đã đề ra một thời hạn mới vào tháng 9/2025, trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP30) tại Brazil. Theo Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Simon Stiell, việc gia hạn là cơ hội để các quốc gia khẩn trương hoàn thiện lộ trình cắt giảm phát thải một cách toàn diện và tối ưu.
Những thay đổi sâu sắc về chính trị trên thế giới được cho là rào cản đối với hợp tác toàn cầu trong ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, với những bước tiến trong công cuộc chuyển đổi sang năng lượng sạch của các nước, giới chuyên gia có cơ sở để tin tưởng rằng thế giới vẫn đang đi đúng hướng trong cuộc chiến bảo vệ hành tinh xanh. Gần đây, châu Âu một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong trong hành trình chuyển đổi xanh toàn cầu, khi tổ chức nghiên cứu khí hậu Ember cho biết, có 47% lượng điện của khối này được sản xuất từ năng lượng mặt trời và các nguồn tái tạo khác. Theo công ty nghiên cứu thị trường BloombergNEF, đầu tư toàn cầu cho chuyển đổi sang năng lượng phát thải thấp đã đạt mức kỷ lục là 2.100 tỷ USD trong năm 2024. Thúc giục các nước chung tay, đoàn kết ứng phó biến đổi khí hậu, ông Simon Stiell nhấn mạnh: “Chúng ta đã đi đúng hướng. Chúng ta chỉ cần triển khai nhiều hơn và nhanh hơn”.
Vấn đề tài chính từ lâu là trọng tâm của các hội nghị về khí hậu. Hội nghị COP29 diễn ra tại Azerbaijan hồi năm ngoái đã nhất trí với mục tiêu tăng gấp ba lần khoản tài chính công hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, từ 100 tỷ USD lên 300 tỷ USD mỗi năm đến năm 2035. Theo Liên hợp quốc, trong vòng một thập kỷ qua, thế giới đã huy động được khoảng 2.000 tỷ USD cho tài chính khí hậu từ mức “gần như không có gì”. Tuy nhiên, các chuyên gia ước tính, số tiền mà các nước đang phát triển cần để ứng phó biến đổi khí hậu là khoảng 1.300 tỷ USD mỗi năm, do nhiều nước còn đang vật lộn với các khoản nợ khổng lồ. Vấn đề tài chính khí hậu sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt tại hội nghị COP30 ở Brazil.
COP29 từng chứng kiến những thời điểm đàm phán đứng bên bờ vực sụp đổ, song với quyết tâm của các nước, hội nghị vẫn đạt được một số kết quả đáng hoan nghênh, giúp đặt nền móng để xây dựng một hệ thống tài trợ khí hậu. Trên cơ sở đó, thế giới hoàn toàn có thể kỳ vọng vào những tiến bộ đáng kể tại COP30 ở Brazil vào năm 2025, hội nghị đánh dấu 10 năm Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua. So với 10 năm trước, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Theo Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, tháng 1/2025 chính thức trở thành tháng 1 nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,75 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh, tài chính khí hậu không phải là từ thiện mà là một khoản đầu tư; hành động vì khí hậu không phải là tùy chọn mà là bắt buộc. Mỗi cá nhân, cộng đồng và quốc gia cần hành động quyết đoán, có trách nhiệm, nêu cao tinh thần đoàn kết vì mục tiêu chung là bảo đảm tương lai bền vững cho hành tinh.
Cập nhật 14/2/2025